Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 26/04/2025 06:46
Tin nóng:
Số liệu của Cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2025, Việt Nam đã xuất siêu 4,19 tỷ USD hàng nông sản, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2024. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 8,08 tỷ USD, tăng 10,1%, nhập khẩu đạt 3,89 tỷ USD tăng 8,7%.
Về xuất khẩu, cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với 3,3 tỷ USD, tăng gần 47%, giá xuất khẩu trung bình tăng 69%. Hạt điều đạt 1,03 tỷ USD, tăng 5%; gạo và rau quả lần lượt giảm 14,9% và 10,4% với cùng kỳ năm trước.
Về giá, hạt tiêu tăng 64%, hạt điều tăng 27%, trong khi sắn, gạo và chè giảm. Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam chi hơn 1,3 tỷ USD nhập khẩu hạt điều, tăng hơn 29%. Rau quả, sữa và lúa mì cũng là các mặt hàng nhập khẩu chính, trong đó sữa tăng mạnh 32% so với cùng kỳ.
Trong quý I/2025, Việt Nam nhập khẩu gần 1,6 triệu tấn lúa mì, trị giá hơn 430 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng nhập tăng 8,1%, kim ngạch tăng 2,1%, nhưng giá trung bình giảm 5,5%, còn 264,2 USD/tấn.
Brazil tiếp tục là nguồn cung lúa mì lớn nhất, chiếm 51,2% tổng lượng và 49,8% tổng kim ngạch với khoảng 833.000 tấn, trị giá hơn 214 triệu USD. Nhập khẩu từ Brazil tăng mạnh cả về lượng (với 29,6%), kim ngạch (với 31,8%) và giá (với 1,7%). Australia đứng thứ hai, chiếm 19,1% tổng lượng và 20,1% tổng kim ngạch, dù giá nhập khẩu giảm mạnh 13,1%.
Đáng chú ý, nhập khẩu lúa mì từ Nga tăng đột biến, với hơn 136.000 tấn, trị giá hơn 34 triệu USD, tăng 151% về lượng và 147,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.
Riêng tháng 3/2025, Việt Nam nhập hơn 503.000 tấn lúa mì, trị giá 132 triệu USD. Mặc dù giảm so với tháng 1/2025, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ so với tháng 3/2024. Trong tháng 2/2025, lượng nhập khẩu đạt đỉnh 721.000 tấn, tăng mạnh so với cùng kỳ 2024.
Từ ngày 1/4, tôm hùm, cua nâu tươi sống từ Anh chính thức được phép nhập khẩu vào Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản Anh và đa dạng hóa nguồn cung hải sản cao cấp cho thị trường nội địa. Quyết định này được kỳ vọng sẽ mang về 26 triệu USD cho ngành thủy sản Anh trong 5 năm tới, theo Hiệp hội Thủy sản có vỏ Vương quốc Anh (SAGB).
Việt Nam, với mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á, được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm này. Sự gia nhập của thủy sản Anh hứa hẹn tạo ra cuộc cạnh tranh sôi động với các đối thủ đến từ Canada, Mỹ, Australia và Na Uy, đặc biệt tại các nhà hàng và siêu thị cao cấp.
Việc mở cửa thị trường cho thủy sản Anh được xem là động thái thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, góp phần tăng trưởng kinh tế hai nước. Điều này càng được củng cố bởi hai hiệp định thương mại quan trọng: UKVFTA và CPTPP.
Theo Bộ Công Thương, giá heo hơi trên toàn quốc trong tháng 3 dao động từ 68.000 - 80.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Sự tăng giá này cho thấy nguồn cung trong nước còn hạn chế, mặc dù lượng thịt nhập khẩu đang gia tăng.
Nguyên nhân chính khiến giá heo hơi tăng cao là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (bão Yagi), khiến nhiều trang trại chăn nuôi miền Bắc chưa thể phục hồi. Thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi và bệnh lở mồm long móng đã làm giảm mạnh số lượng heo trong năm 2024, dẫn đến tình trạng khan hiếm. Các quy định nghiêm ngặt về môi trường chăn nuôi cũng đã làm khó cho các công ty trong việc mở rộng sản xuất.
Trong khi đó, để thích nghi với tình hình giá cả, người tiêu dùng đã chủ động tìm kiếm thực phẩm thay thế, đồng thời các siêu thị cũng đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại cho các sản phẩm khác. Đặc biệt, trong bối cảnh giá thịt heo tăng cao, lượng thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1 đã tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái, với trị giá tăng 149%, cho thấy nhu cầu về thịt heo nhập khẩu đang tăng mạnh để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước.
Theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2025, với mức tăng trưởng ước tính đạt 6,1%. Thành tích này giúp Việt Nam vượt qua nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Malaysia, khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.
Dẫn đầu danh sách tăng trưởng năm nay là Nam Sudan với mức tăng trưởng dự kiến lên tới 27,2%, chủ yếu do sự phục hồi sau xung đột. Guyana cũng được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ (14,4%) nhờ khai thác dầu mỏ.
Việt Nam được kỳ vọng đạt quy mô nền kinh tế 506 tỷ USD, đứng thứ 33 trên thế giới. Bài toán đặt ra cho Việt Nam là làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng và đạt được các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động.