Cà phê mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt 3,3 tỷ USD

Cà phê mặt hàng xuất khẩu chủ lực đạt 3,3 tỷ USD

Số liệu của Cục Hải quan, tính từ đầu năm đến ngày 15/4/2025, Việt Nam đã xuất siêu 4,19 tỷ USD hàng nông sản, tăng 11,4% so với cùng kỳ 2024. Tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản đạt 8,08 tỷ USD, tăng 10,1%, nhập khẩu đạt 3,89 tỷ USD tăng 8,7%.

Về xuất khẩu, cà phê là mặt hàng xuất khẩu chủ lực với 3,3 tỷ USD, tăng gần 47%, giá xuất khẩu trung bình tăng 69%. Hạt điều đạt 1,03 tỷ USD, tăng 5%; gạo và rau quả lần lượt giảm 14,9% và 10,4% với cùng kỳ năm trước.

Về giá, hạt tiêu tăng 64%, hạt điều tăng 27%, trong khi sắn, gạo và chè giảm. Ở chiều nhập khẩu, Việt Nam chi hơn 1,3 tỷ USD nhập khẩu hạt điều, tăng hơn 29%. Rau quả, sữa và lúa mì cũng là các mặt hàng nhập khẩu chính, trong đó sữa tăng mạnh 32% so với cùng kỳ.

Quý I/2025: Việt Nam chi gần nửa triệu đô la nhập khẩu lúa mì

Quý I/2025: Việt Nam chi gần nửa triệu đô la nhập khẩu lúa mì

Trong quý I/2025, Việt Nam nhập khẩu gần 1,6 triệu tấn lúa mì, trị giá hơn 430 triệu USD. So với cùng kỳ năm trước, lượng nhập tăng 8,1%, kim ngạch tăng 2,1%, nhưng giá trung bình giảm 5,5%, còn 264,2 USD/tấn.
Brazil tiếp tục là nguồn cung lúa mì lớn nhất, chiếm 51,2% tổng lượng và 49,8% tổng kim ngạch với khoảng 833.000 tấn, trị giá hơn 214 triệu USD. Nhập khẩu từ Brazil tăng mạnh cả về lượng (với 29,6%), kim ngạch (với 31,8%) và giá (với 1,7%). Australia đứng thứ hai, chiếm 19,1% tổng lượng và 20,1% tổng kim ngạch, dù giá nhập khẩu giảm mạnh 13,1%.
Đáng chú ý, nhập khẩu lúa mì từ Nga tăng đột biến, với hơn 136.000 tấn, trị giá hơn 34 triệu USD, tăng 151% về lượng và 147,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2024.
Riêng tháng 3/2025, Việt Nam nhập hơn 503.000 tấn lúa mì, trị giá 132 triệu USD. Mặc dù giảm so với tháng 1/2025, nhưng vẫn ghi nhận mức tăng nhẹ so với tháng 3/2024. Trong tháng 2/2025, lượng nhập khẩu đạt đỉnh 721.000 tấn, tăng mạnh so với cùng kỳ 2024.

Thủy sản Anh Quốc "đổ bộ" thị trường Việt Nam, hứa hẹn cạnh tranh khốc liệt

Thủy sản Anh Quốc "đổ bộ" thị trường Việt Nam, hứa hẹn cạnh tranh khốc liệt

Từ ngày 1/4, tôm hùm, cua nâu tươi sống từ Anh chính thức được phép nhập khẩu vào Việt Nam, mở ra cơ hội lớn cho ngành thủy sản Anh và đa dạng hóa nguồn cung hải sản cao cấp cho thị trường nội địa. Quyết định này được kỳ vọng sẽ mang về 26 triệu USD cho ngành thủy sản Anh trong 5 năm tới, theo Hiệp hội Thủy sản có vỏ Vương quốc Anh (SAGB).
Việt Nam, với mức tiêu thụ thủy sản bình quân đầu người cao nhất Đông Nam Á, được đánh giá là thị trường tiềm năng cho các sản phẩm này. Sự gia nhập của thủy sản Anh hứa hẹn tạo ra cuộc cạnh tranh sôi động với các đối thủ đến từ Canada, Mỹ, Australia và Na Uy, đặc biệt tại các nhà hàng và siêu thị cao cấp.
Việc mở cửa thị trường cho thủy sản Anh được xem là động thái thúc đẩy hợp tác thương mại song phương, góp phần tăng trưởng kinh tế hai nước. Điều này càng được củng cố bởi hai hiệp định thương mại quan trọng: UKVFTA và CPTPP.

Giá heo hơi tăng cao, thị trường thịt heo nhập khẩu bùng nổ

Giá heo hơi tăng cao, thị trường thịt heo nhập khẩu bùng nổ

Theo Bộ Công Thương, giá heo hơi trên toàn quốc trong tháng 3 dao động từ 68.000 - 80.000 đồng/kg, mức cao nhất trong nhiều tháng qua. Sự tăng giá này cho thấy nguồn cung trong nước còn hạn chế, mặc dù lượng thịt nhập khẩu đang gia tăng.

Nguyên nhân chính khiến giá heo hơi tăng cao là do nguồn cung bị ảnh hưởng bởi bão số 3 (bão Yagi), khiến nhiều trang trại chăn nuôi miền Bắc chưa thể phục hồi. Thêm vào đó, dịch tả lợn châu Phi và bệnh lở mồm long móng đã làm giảm mạnh số lượng heo trong năm 2024, dẫn đến tình trạng khan hiếm. Các quy định nghiêm ngặt về môi trường chăn nuôi cũng đã làm khó cho các công ty trong việc mở rộng sản xuất.

Trong khi đó, để thích nghi với tình hình giá cả, người tiêu dùng đã chủ động tìm kiếm thực phẩm thay thế, đồng thời các siêu thị cũng đã tổ chức nhiều chương trình khuyến mại cho các sản phẩm khác. Đặc biệt, trong bối cảnh giá thịt heo tăng cao, lượng thịt heo nhập khẩu vào Việt Nam trong tháng 1 đã tăng 105% so với cùng kỳ năm ngoái, với trị giá tăng 149%, cho thấy nhu cầu về thịt heo nhập khẩu đang tăng mạnh để bù đắp nguồn cung thiếu hụt trong nước.

Việt Nam được dự báo lọt Top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2025

Việt Nam được dự báo lọt Top 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới năm 2025

Theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Việt Nam sẽ là một trong 20 nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm 2025, với mức tăng trưởng ước tính đạt 6,1%. Thành tích này giúp Việt Nam vượt qua nhiều quốc gia trong khu vực như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan và Malaysia, khẳng định vị thế ngày càng tăng của Việt Nam trên bản đồ kinh tế toàn cầu.

Dẫn đầu danh sách tăng trưởng năm nay là Nam Sudan với mức tăng trưởng dự kiến lên tới 27,2%, chủ yếu do sự phục hồi sau xung đột. Guyana cũng được dự báo tăng trưởng mạnh mẽ (14,4%) nhờ khai thác dầu mỏ.

Việt Nam được kỳ vọng đạt quy mô nền kinh tế 506 tỷ USD, đứng thứ 33 trên thế giới. Bài toán đặt ra cho Việt Nam là làm thế nào để duy trì đà tăng trưởng và đạt được các mục tiêu kinh tế đầy tham vọng trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều biến động.

Xuất khẩu gỗ Việt Nam đặt mục tiêu 18 tỷ USD trong năm 2025

Xuất khẩu gỗ Việt Nam đặt mục tiêu 18 tỷ USD trong năm 2025

Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam tin tưởng mục tiêu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 18 tỷ USD vào năm 2025 có thể thực hiện được, bất chấp những biến động kinh tế toàn cầu.

Năm 2024, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đạt 15,89 tỷ USD, tăng 20,1% so với năm trước. Trong đó, đồ gỗ, ghế ngồi, dăm gỗ, gỗ dán và viên nén là những mặt hàng chủ lực.

Dự báo năm 2025, ngành gỗ đối mặt với nhiều thách thức, từ xung đột địa chính trị, gián đoạn chuỗi cung ứng đến chính sách thương mại của Mỹ và EU. Tuy nhiên, nhu cầu nội thất tại hai thị trường này vẫn tăng, với doanh thu dự kiến đạt lần lượt 274 tỷ USD và 239,07 tỷ USD.

Cục Lâm nghiệp nhận định, triển vọng xuất khẩu vẫn tích cực, nhưng để đạt mục tiêu, doanh nghiệp cần nâng cao năng lực cạnh tranh, cải tiến công nghệ và tận dụng lợi thế từ EVFTA. Đổi mới sản phẩm, số hóa trải nghiệm khách hàng và tuân thủ tiêu chuẩn nguồn gốc gỗ hợp pháp sẽ là yếu tố quyết định thành công.

Vận tải biển tăng trưởng mạnh, cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt

Vận tải biển tăng trưởng mạnh, cơ hội lớn cho doanh nghiệp Việt

Thống kê 23 doanh nghiệp vận tải biển niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, năm 2024 doanh thu và lợi nhuận toàn ngành tăng rất mạnh. Hầu hết các bên đồng loạt lên kế hoạch mở rộng đón đầu cơ hội mới trong năm 2025.

Về thị trường, báo cáo từ Chứng khoán SSI cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ có thể đẩy mạnh nhập khẩu trước khi thuế mới của Tổng thống Donald Trump được áp dụng, tương tự giai đoạn 2017-2019, khiến nhu cầu vận chuyển và giá cước container lên cao. Ngoài ra, những áp lực tương tự căng thẳng Biển Đỏ sẽ có thể đẩy giá cước tăng mạnh hơn. SSI dự báo, lợi nhuận ngành này chưa đạt đỉnh trong năm 2025 mà có thể kéo sang năm 2026.

Cùng quan điểm, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định lợi nhuận doanh nghiệp ngành vận tải biển sẽ tăng 15% trong năm nay. Theo giới phân tích, giá cước có thể đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2025 nhờ khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài, nhưng sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi đội tàu mới đồng loạt được đưa vào khai thác tạo áp lực nguồn cung. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì dự báo khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2025 tăng trưởng 3% so với năm trước; trong đó dự báo tăng trưởng xuất khẩu từ các nước châu Á đạt 4,7%.

Với sự tham gia ngày càng sâu rộng trong chuỗi cung ứng thế giới, ngành vận tải biển Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa toàn cầu.

Vương quốc Anh - thị trường tiềm năng cho chè Việt Nam

Vương quốc Anh - thị trường tiềm năng cho chè Việt Nam

Theo số liệu mới nhất của Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu chè của cả nước đạt 17,33 nghìn tấn, với kim ngạch 28,31 triệu USD – giảm nhẹ 1,3% về lượng và 2,6% về giá so với cùng kỳ năm trước.

Dù vậy, Việt Nam vẫn tự hào khẳng định vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên trường quốc tế, với sản phẩm được gửi tới tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Các thị trường ghi nhận sự tăng trưởng về kim ngạch bao gồm Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập Xê Út, trong khi những thị trường trọng điểm như Pakistan, Hoa Kỳ, Malaysia lại có dấu hiệu suy giảm. Đặc biệt, chất lượng chè Việt Nam được người tiêu dùng quốc tế đánh giá cao, với nhiều sản phẩm nổi bật như chè xanh Mộc Châu, chè Thái Nguyên, chè Suối Giàng (Hà Giang), Ô long (Lâm Đồng) và các loại chè ướp hương sen, nhài.

Đáng chú ý, Vương quốc Anh đang nổi lên là thị trường tiềm năng khi năm 2024, Việt Nam là nhà cung cấp chè lớn thứ 14 cho nước này, đạt 994 tấn, trị giá 2,01 triệu USD – tăng mạnh về cả lượng và giá so với năm 2023.

Các chuyên gia nhận định, nhờ lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, cùng với hiệu lực của Hiệp định thương mại, sản phẩm chè Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường khó tính này trong thời gian tới.

Thương mại Việt Nam - Argentina tăng mạnh đầu năm 2025

Thương mại Việt Nam - Argentina tăng mạnh đầu năm 2025

Theo số liệu từ Viện Thống kê Argentina, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Argentina trong tháng 1/2025 đạt 331 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Argentina sang Việt Nam đạt 207 triệu USD, tăng 38%, chiếm 43% tổng xuất khẩu sang ASEAN.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Argentina từ Việt Nam đạt 124 triệu USD, tăng hơn 206%, chiếm 33% tổng nhập khẩu từ ASEAN.

Thương vụ Việt Nam tại Argentina cho biết, đà tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ nền kinh tế và thị trường tài chính Argentina cải thiện từ cuối năm 2024, cùng với chính sách nới lỏng xuất khẩu của nước này. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất gồm linh kiện điện tử, điện thoại di động, máy tính và hàng tiêu dùng. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu thức ăn gia súc, hạt ngô, da thuộc và thịt từ Argentina.

Dự báo trong năm 2025, thương mại song phương sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu ngô và bột đậu nành lớn nhất của Argentina, với triển vọng duy trì vị thế đối tác thương mại quan trọng trong khu vực.

Hai tháng đầu năm 2025: Hơn 33.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng

Hai tháng đầu năm 2025: Hơn 33.500 doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường mỗi tháng

Hai tháng đầu năm 2025, số lượng doanh nghiệp gia nhập thị trường có xu hướng tăng, song số doanh nghiệp rút lui vẫn cao hơn đáng kể.

Theo Cục Thống kê, tháng 2/2025, cả nước có 10.100 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 136,4 nghìn tỷ đồng. Dù giảm 4,9% về số lượng so với tháng trước, nhưng vốn đăng ký lại tăng mạnh 45%, phản ánh xu hướng đầu tư quy mô lớn hơn. So với cùng kỳ 2024, số doanh nghiệp thành lập mới tăng 34,4%, vốn đăng ký gấp 2,1 lần.

Tính chung hai tháng, hơn 49.800 doanh nghiệp mới gia nhập thị trường, bao gồm 20.800 doanh nghiệp thành lập mới và 29.100 doanh nghiệp quay lại hoạt động, tăng 19,3% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, số doanh nghiệp rút lui vẫn vượt xa.

Cụ thể, trong tháng 2, có 3.554 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh, 2.971 doanh nghiệp chờ giải thể và 1.737 doanh nghiệp hoàn tất giải thể. Tính chung hai tháng, tổng số doanh nghiệp rút lui lên tới 67.100, tức trung bình hơn 33.500 doanh nghiệp mỗi tháng. Đáng chú ý, số doanh nghiệp mới trong cả ba lĩnh vực kinh tế quan trọng đều giảm, đặc biệt lĩnh vực nông, lâm, ngư nghiệp giảm tới 25,7%.

Xuất khẩu xi măng Việt Nam suy giảm: Doanh nghiệp xoay trục tìm thị trường mới

Xuất khẩu xi măng Việt Nam suy giảm: Doanh nghiệp xoay trục tìm thị trường mới

Ngành xi măng Việt Nam đang đối diện với áp lực dư cung khi sản lượng thực tế lên tới 122 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn. Sự suy giảm của thị trường bất động sản đã khiến nhiều nhà máy phải dừng một số dây chuyền sản xuất, thậm chí đóng cửa dài hạn.

Tình hình xuất khẩu cũng không mấy khả quan khi trong tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn xi măng và clinker, thu về 76 triệu USD, giảm 4,1% về sản lượng và 11,2% về kim ngạch so với tháng trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 35 USD/tấn, giảm 7,4%.

Bangladesh hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi nhập hơn 586 nghìn tấn. Sản lượng này đã giảm 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Philippines và Malaysia cũng chứng kiến mức giảm lần lượt 39,8% và 21,2%. Trước tình trạng này, doanh nghiệp trong ngành buộc phải mở rộng tìm kiếm thị trường mới tại Mỹ, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm phụ thuộc vào các đối tác truyền thống.

Trung Quốc siết chặt sản lượng thép: Bước đi chiến lược vì môi trường và kinh tế

Trung Quốc siết chặt sản lượng thép: Bước đi chiến lược vì môi trường và kinh tế

Trung Quốc vừa công bố kế hoạch cắt giảm sản lượng thép nhằm tái cơ cấu nâng cao hiệu quả và đáp ứng mục tiêu giảm phát thải. Động thái này không chỉ giúp hạn chế tình trạng dư thừa công suất mà còn phù hợp với cam kết đạt đỉnh phát thải vào năm 2030 và trung hòa carbon vào năm 2060.

Là nhà sản xuất thép lớn nhất thế giới, Trung Quốc từ lâu đối mặt với bài toán sản xuất quá mức, gây biến động giá cả và căng thẳng thương mại. Chính phủ nước này yêu cầu các doanh nghiệp đóng cửa cơ sở lạc hậu, tập trung vào sản phẩm thép giá trị cao, ít phát thải hơn. Theo các chuyên gia, đây là lần đầu tiên Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Trung Quốc đưa ra đề xuất cắt giảm sản lượng trong kế hoạch dự thảo của mình.

Bên cạnh yếu tố môi trường, chính sách này cũng có tác động kinh tế sâu rộng. Việc cắt giảm có thể giúp ổn định giá thép, cải thiện lợi nhuận cho các nhà máy hoạt động hiệu quả, nhưng đồng thời cũng làm ảnh hưởng đến việc làm tại các trung tâm sản xuất lớn như Hà Bắc, Giang Tô. Chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ triển khai các biện pháp hỗ trợ, bao gồm nâng cấp công nghệ và đào tạo lại lao động.

Trên phạm vi toàn cầu, động thái này có thể khiến giá thép quốc tế tăng, tạo lợi thế cho các nhà sản xuất ở các nước khác nhưng cũng gây áp lực lên những ngành phụ thuộc vào thép Trung Quốc. Đồng thời, nó có thể làm dịu căng thẳng thương mại khi Bắc Kinh từng bị cáo buộc bán phá giá thép.

Mặc dù kế hoạch này được xem là bước đi chiến lược, song tính hiệu quả sẽ phụ thuộc vào khả năng thích ứng của ngành công nghiệp thép Trung Quốc với những thay đổi mang tính cấu trúc này.

Miễn lệ phí trước bạ cho ôtô điện thêm hai năm

Miễn lệ phí trước bạ cho ôtô điện thêm hai năm

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 51/2025, quyết định kéo dài thời gian miễn 100% lệ phí trước bạ đối với ôtô điện chạy pin thêm hai năm, đến ngày 28/2/2027.

Trước đó, theo chính sách áp dụng từ năm 2022, xe điện được miễn toàn bộ lệ phí trước bạ trong ba năm đầu và giảm 50% trong hai năm tiếp theo. Tuy nhiên, với quyết định mới, người mua ôtô điện sẽ tiếp tục được miễn phí hoàn toàn thay vì phải nộp 50% lệ phí trước bạ từ tháng 3 năm nay. Trong khi đó, các dòng xe hybrid vẫn không thuộc diện ưu đãi này.

Bộ Tài chính tính toán, việc gia hạn miễn phí trước bạ có thể làm giảm thu ngân sách khoảng 4.800 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn ba năm qua, chính sách ưu đãi này đã khiến ngân sách giảm thu gần 8.420 tỷ đồng, trong bối cảnh số lượng ôtô điện tăng mạnh, từ hơn 400 xe đăng ký mỗi tháng năm 2022 lên hơn 6.600 xe vào năm 2024.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu đến năm 2030, xe điện, hybrid và các dòng xe xanh khác sẽ chiếm khoảng 18-22% tổng doanh số toàn thị trường, tương đương 180.000-242.000 xe mỗi năm.

Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu từ New Zealand

Việt Nam tăng mạnh nhập khẩu từ New Zealand

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và New Zealand trong tháng 1/2025 đạt 122 triệu USD, tăng 8% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu giảm 14,8% xuống 61,05 triệu USD, trong khi nhập khẩu tăng mạnh 47,9%, đạt 61,26 triệu USD.

Điện thoại và linh kiện tiếp tục dẫn đầu kim ngạch xuất khẩu với 21,4 triệu USD, dù giảm 20% so với cùng kỳ năm trước. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đạt 6,4 triệu USD, tăng 22%. Các ngành hàng dệt may và giày dép lần lượt đạt 6,26 triệu USD và 4,27 triệu USD, trong đó giày dép tăng 18,9% YoY.

Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ New Zealand ghi nhận mức tăng đáng kể, đặc biệt là sữa và sản phẩm sữa với 39,7 triệu USD, tăng 73% so với năm trước. Rau quả nhập khẩu đạt 5,53 triệu USD, tăng 14%. Đáng chú ý, nguyên phụ liệu dệt may, da giày nhập khẩu tăng tới 272%, đạt 0,93 triệu USD.

Một số mặt hàng khác như sản phẩm hóa chất, máy móc, thiết bị có xu hướng giảm, nhưng tổng thể, thương mại song phương Việt Nam - New Zealand vẫn duy trì đà tăng trưởng tích cực.

Xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Mỹ lần đầu vượt mốc 9 tỷ USD

Xuất khẩu gỗ Việt Nam sang Mỹ lần đầu vượt mốc 9 tỷ USD

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam sang Mỹ năm 2024 đạt gần 9,1 tỷ USD, tăng 24% so với năm trước, đánh dấu lần đầu tiên kim ngạch xuất khẩu ngành này vượt mốc 9 tỷ USD. Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), sự gia tăng này đến từ nhu cầu cao tại thị trường Mỹ và khả năng thích ứng linh hoạt của doanh nghiệp Việt Nam.

Mỹ tiếp tục là thị trường lớn nhất của ngành gỗ Việt Nam, chiếm 56% tổng kim ngạch xuất khẩu trong năm 2024.

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực gồm ghế khung gỗ, nội thất phòng khách, phòng ăn và phòng ngủ tiếp tục chiếm tỷ trọng cao. Dự báo, nhu cầu sản phẩm gỗ tại Mỹ sẽ tăng mạnh khi lãi suất thế chấp dự kiến giảm xuống dưới 6% vào cuối năm 2025, tạo động lực cho thị trường bất động sản và ngành nội thất.

Để tận dụng cơ hội, doanh nghiệp cần cải tiến chất lượng, mở rộng kênh phân phối, ứng dụng công nghệ mới và theo dõi sát chính sách thương mại Mỹ nhằm đảm bảo khả năng cạnh tranh.

Trung Quốc tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, giảm từ Thái Lan

Trung Quốc tăng nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam, giảm từ Thái Lan

Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), Trung Quốc nhập khẩu 3,83 triệu tấn tinh bột sắn từ Việt Nam trong năm 2024, trị giá 1,92 tỷ USD, tăng 15,5% về lượng và 12,7% về trị giá so với năm 2023. Các nguồn cung chính gồm Thái Lan, Việt Nam, Lào, Indonesia và Campuchia.

Thái Lan vẫn là nhà cung cấp lớn nhất với 1,81 triệu tấn, trị giá 943 triệu USD, nhưng thị phần giảm xuống còn 47,4% về lượng và 49,04% về trị giá, thấp hơn nhiều so với mức 57,88% và 59,68% của năm 2023.

Trong khi đó, nhập khẩu tinh bột sắn từ Việt Nam tăng mạnh, đạt 1,56 triệu tấn, trị giá 757,72 triệu USD, tăng lần lượt 50,2% và 46,2% so với năm trước. Thị phần của Việt Nam trong tổng nhập khẩu tinh bột sắn của Trung Quốc đạt 40,84% về lượng và 39,41% về trị giá, vượt xa mức 31,42% và 30,39% của năm 2023.

Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu từ Lào, Campuchia, Ghana và Brazil, trong đó Lào chiếm 10,26% về lượng và Campuchia chiếm 1,31%. Ngược lại, nguồn cung từ Indonesia và Thái Lan đang thu hẹp. Cạnh tranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực dự báo sẽ tiếp tục gia tăng trong thời gian tới tại thị trường Trung Quốc.

Nước nào nhập khẩu nhiều chè nhất của Việt Nam?

Nước nào nhập khẩu nhiều chè nhất của Việt Nam?

Số liệu Tổng cục Hải quan cho biết, xuất khẩu chè trong tháng 1/2025 đạt 9.700 tấn, trị giá 16,4 triệu USD, giảm cả về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm 2024. Giá chè xuất khẩu bình quân trong tháng 1 đạt 1.693,7 USD/tấn.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) đánh giá xuất khẩu chè giảm đáng kể trong tháng 1 là do kỳ nghỉ lễ Tết Nguyên đán vào tuần cuối tháng 1, khiến hoạt động xuất khẩu hàng hóa bị gián đoạn.

Trong tháng vừa qua, Pakistan vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng chè của Việt Nam, chiếm tới 35,1% tổng lượng và 38,7% tổng trị giá xuất khẩu chè của cả nước. Cụ thể, xuất khẩu sang Pakistan trong tháng 1 đạt 3.400 tấn, trị giá 6,4 triệu USD, giảm về lượng và trị giá so với cùng kỳ năm trước. Trong nhiều năm qua, quốc gia này là thị trường xuất khẩu lớn nhất mặt hàng chè của Việt Nam.

Cũng trong tháng 1, mặt hàng chè xuất khẩu tới thị trường Nga nghi nhận mức tăng trưởng cao, đạt 632 tấn, trị giá 1,2 triệu USD; thị trường Đài Loan đứng ở vị trí số 3, đạt 713 tấn, trị giá 1,16 triệu USD.

Theo Hiệp hội chè, Việt Nam là một nước xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên thế giới. Chè Việt Nam đã có mặt tại hơn 70 quốc gia vùng lãnh thổ. Hiện Việt Nam đã chế biến được khoảng 15 loại chè khác nhau, chè đen và chè xanh là hai sản phẩm chủ lực, chiếm tỷ trọng lớn nhất trong xuất khẩu.

Hiện giá chè xuất khẩu bình quân của Việt Nam ước tính chỉ bằng 65% giá bình quân của các nước hàng đầu về xuất khẩu chè.

Nông sản Việt trước “hàng rào xanh” EU: Thách thức hay cơ hội bứt phá?

Nông sản Việt trước “hàng rào xanh” EU: Thách thức hay cơ hội bứt phá?

Các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam đang đối mặt với những yêu cầu khắt khe hơn từ Liên minh châu Âu (EU) khi khối này siết chặt quy định về an toàn thực phẩm. Theo Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, các thị trường như Thụy Điển, Đan Mạch và Na Uy đặt ra nhiều tiêu chuẩn nghiêm ngặt, từ giới hạn dư lượng hóa chất bảo vệ thực vật (MRLs) đến chứng nhận kiểm dịch thực vật.

Cụ thể, Quy định 2023/915 của EU sẽ giảm mức dư lượng cadmium tối đa trong các loại trái cây như dâu, cam quýt, xoài, chuối và dứa. Ngoài ra, EU cũng tăng cường giám sát nhập khẩu, áp dụng kiểm tra 50% đối với ớt từ Cộng hòa Dominica, 30% cam và ớt từ Ai Cập, 10% đậu và 20% ớt từ Kenya. Trong khi đó, các siêu thị Bắc Âu còn yêu cầu tiêu chuẩn riêng, nghiêm ngặt hơn cả quy định chung của EU.

Trước những "rào cản" này, doanh nghiệp Việt cần kiểm soát chặt chẽ dư lượng hóa chất, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và đạt các chứng nhận quốc tế như GlobalGAP, Rainforest Alliance. Việc áp dụng công nghệ xử lý sau thu hoạch và tuân thủ quy định kiểm dịch thực vật không chỉ giúp sản phẩm vượt qua vòng kiểm soát gắt gao mà còn tạo dựng uy tín tại thị trường EU.

Ngành tôm Việt Nam trước cơ hội bứt phá: Chìa khóa nằm ở FTA

Ngành tôm Việt Nam trước cơ hội bứt phá: Chìa khóa nằm ở FTA

Ngành tôm Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để vươn tầm trên thị trường thế giới nhờ lợi thế từ các hiệp định thương mại tự do (FTA). Hiện Việt Nam đã ký kết và đàm phán 17 hiệp định với hơn 60 quốc gia, mở ra nhiều dư địa xuất khẩu, đặc biệt vào các khu vực tỷ đô như CPTPP, EU và Hàn Quốc. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn chưa khai thác triệt để những ưu đãi này.

Việc tận dụng FTA không hề dễ dàng khi ngành tôm phải đáp ứng hàng loạt tiêu chuẩn khắt khe, đặc biệt tại thị trường EU. Để duy trì xuất khẩu bền vững, doanh nghiệp cần đảm bảo chất lượng sản phẩm đạt yêu cầu về an toàn thực phẩm, tồn dư hóa chất và truy xuất nguồn gốc.

Bộ Công Thương đang tích cực hỗ trợ ngành tôm bằng các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với đối tác quốc tế, đồng thời đẩy mạnh khai thác các hiệp định như EVFTA, CPTPP, RCEP và CEPA. Tận dụng hiệu quả các FTA không chỉ giúp gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn khẳng định vị thế ngành tôm Việt Nam trên bản đồ thương mại toàn cầu.

Trung Quốc gia tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam

Trung Quốc gia tăng nhập khẩu tôm từ Việt Nam

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) mới đây cho biết, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng mạnh trở lại trong quý 3 và 4 năm 2024. Theo đó, năm 2024, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023.

Trong đó xuất khẩu tôm hùm (tôm hùm đá sống) của Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2024. Hiện Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất tôm hùm của Việt Nam, chiếm đến 98 - 99%.

Theo số liệu của ITC, nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong năm 2024 đạt 6,8 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước đó. Chỉ nhập khẩu từ Việt Nam tăng trong khi Trung Quốc giảm nhập khẩu từ các nguồn cung còn lại.

Nguồn cung tôm nội địa của Trung Quốc giảm do ảnh hưởng thời tiết bất lợi, Ecuador cũng giảm xuất khẩu sang Trung Quốc trong năm 2024. Trung Quốc cũng đưa ra nhiều giải pháp nhằm tăng chi tiêu tiêu dùng trong dân, điều này hỗ trợ cho hoạt động xuất khẩu tôm của Việt Nam vào thị trường này.

Nửa đầu tháng 1/2025, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) cũng tăng mạnh 191% so với cùng kỳ năm 2024, đạt hơn 51 triệu USD.

VASEP khuyến cáo các doanh nghiệp xuất khẩu tôm nên tiếp tục tăng cường thế mạnh xuất khẩu tôm hùm và đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu, có giải pháp hấp dẫn kích thích nhu cầu tiêu thụ các mặt hàng tôm truyền thống khác.

    Trước         Sau    
Phiên bản di động