Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 04/12/2024 15:23
Tin nóng:
Nhiều sản phẩm OCOP của xứ Thanh đã có mặt trên các thị trường khó tính Thanh Hóa quyết tâm xây dựng 100% xã, phường, thị trấn, huyện, thị xã, thành phố không ma túy |
Nhiều huyện đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Với những nỗ lực của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương và người dân trên địa bàn, đến nay, tỉnh Thanh Hóa đã có 2 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao là huyện Thọ Xuân và huyện Yên Định. Theo đó, huyện Thọ Xuân đã có bước phát triển mạnh mẽ, cơ sở vật chất, hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư đồng bộ. Bộ mặt đô thị và nông thôn có nhiều khởi sắc. Cơ cấu lao động chuyển dịch đúng hướng, tốc độ tăng giá trị sản xuất năm 2023 đạt 6,3% (xếp thứ 2 toàn tỉnh). Quy mô giá trị sản xuất theo giá thực tế đạt 21.596 tỷ đồng, huyện đứng đầu toàn tỉnh về sản xuất nông nghiệp và phát triển nông nghiệp công nghệ cao.
Gian trưng bày các sản phẩm OCOP của huyện Thọ Xuân năm 2023. Ảnh: Hoàng Minh |
Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt 63,86 triệu đồng, gấp 1,2 lần so với bình quân chung của tỉnh. Tỷ lệ nghèo đa chiều giảm nhanh và bền vững, năm 2023 tỷ lệ nghèo đa chiều giảm còn 2,56%. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân, y tế, giáo dục được chăm lo. Thọ Xuân đã đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM, hoàn thành 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao, 100% số xã thực hiện duy trì đạt chuẩn NTM, trong đó có 53,85% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM nâng cao và 7,69% số xã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Còn huyện Yên Định là huyện thứ 2 vừa được Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký quyết định đạt chuẩn NTM nâng cao. Đây là kết quả của sự quyết tâm cao, nỗ lực lớn, phấn đấu không ngừng của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Yên Định. Huyện Yên Định xác định xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, thường xuyên, liên tục, có điểm khởi đầu, không có điểm kết thúc và người dân là chủ thể thực hiện, chủ thể thụ hưởng các thành quả, lợi ích từ chương trình mang lại.
Báo cáo của huyện Yên Định cho thấy, giai đoạn 2016 - 2023, tổng huy động vốn đầu tư phát triển của huyện Yên Định đạt 24.472 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với giai đoạn 2011 - 2015; thu hút đầu tư được 84 dự án, với tổng vốn đăng ký gần 9.900 tỷ đồng. Thu nhập bình quân đầu người toàn huyện năm 2023 đạt 66,86 triệu đồng, đứng thứ 4 toàn tỉnh (tăng 2,4 lần so với thời điểm huyện đạt chuẩn NTM năm 2015).
Mô hình trồng dưa vàng đạt chứng nhận OCOP tại Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Định Hòa, huyện Yên Định. Ảnh: Lê Hà |
Đến nay, toàn huyện có 22/22 xã (100%) đạt chuẩn NTM; 11/11 xã đạt chuẩn NTM nâng cao (đạt 50%); 3 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu (đạt 13,6%); huyện duy trì đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM, đạt chuẩn 9/9 tiêu chí huyện NTM nâng cao; tỷ lệ hài lòng của người dân đối với xây dựng NTM nâng cao trên địa bàn huyện đạt 99,93%.
Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, ông Cáo Văn Cường - Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa - cho biết: “Thanh Hóa đã có huyện Thọ Xuân và huyện Yên Định đạt chuẩn NTM nâng cao. Trong năm 2025, tỉnh Thanh Hóa phấn đấu có thêm 2 huyện đạt chuẩn NTM nâng cao là Quảng Xương và Triệu Sơn. Hiện nay 2 huyện này đang nỗ lực để tiếp tục hoàn thiện các tiêu chí còn lại, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch tích cực, người dân được thụ hưởng nhiều quyền lợi từ chương trình xây dựng NTM nâng cao mang lại".
Phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới năm 2024
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa, đến nay tỉnh Thanh Hóa mới chỉ đạt chỉ tiêu số xã NTM kiểu mẫu và huyện NTM. Còn lại chỉ tiêu về số xã NTM, xã và huyện NTM nâng cao mới chỉ đạt từ 50 - 80%. Hiện Ban chỉ đạo chương trình xây dựng NTM các cấp đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành theo đúng lộ trình.
Theo kế hoạch năm 2024, tỉnh Thanh Hóa hiện còn thiếu 6 xã NTM nâng cao và 16 xã NTM. Qua rà soát, chỉ tiêu huyện và xã NTM nâng cao có thể hoàn thành. Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa nhận định, với các xã xây dựng NTM vẫn đang gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do các xã còn lại chủ yếu thuộc địa bàn miền núi, nguồn lực và điều kiện còn hạn chế nên một số tiêu chí, như tiêu chí về môi trường, thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo sẽ khó hoàn thành, đây cũng là rào cản lớn. Vì vậy, Ban chỉ đạo xây dựng NTM tỉnh Thanh Hóa cũng như các huyện đang tích cực hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương thực hiện nhằm hoàn thành các tiêu chí về đích NTM năm 2024 theo đúng thời gian, kế hoạch đề ra.
Chương trình xây dựng NTM đang tạo ra nhiều sản phẩm OCOP cho huyện Ngọc Lặc, góp phần nâng cao đời sống người dân. Ảnh: Hoàng Minh |
Để thực hiện quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM năm 2024, mới đây, ông Cao Văn Cường, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Thanh Hóa - Chánh văn phòng điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh này đã dẫn đầu đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh thực hiện tiêu chí xây dựng NTM cấp huyện, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, phát triển sản phẩm OCOP tại huyện Triệu Sơn, Ngọc Lặc.
Kết quả kiểm tra cho thấy, đến nay, 2 huyện đang gấp rút hoàn thiện các công trình còn lại theo kế hoạch đầu tư. Đối với các công trình chậm tiến độ, trưởng đoàn công tác yêu cầu các địa phương tích cực phối hợp với các nhà thầu và cơ quan liên quan, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công.
Theo báo cáo của Văn phòng điều phối NTM tỉnh Thanh Hóa, trong 10 tháng năm 2024, tỉnh Thanh Hóa đã huy động được hơn 6.000 tỷ đồng đầu tư cho chương trình xây dựng NTM. Tổng kế hoạch vốn đầu tư từ ngân sách Trung ương năm 2024 (gồm cả vốn năm 2023 kéo dài) cho tỉnh là hơn 575 tỷ đồng, đến nay tiến độ giải ngân đạt 85,87%. Bên cạnh đó, năm 2024, ngân sách tỉnh đã bố trí hơn 182 tỷ đồng cho chương trình, tiến độ giải ngân đạt 40,48%.