Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 20/11/2024 23:36
Tin nóng:
Tiền gửi vào ngân hàng cao kỷ lục dù lãi suất "thủng đáy": Chuyên gia nói gì? Chuyên gia nêu 4 đề xuất quan trọng thúc đẩy phát triển toàn diện Khu thương mại tự do Đà Nẵng |
Trong bối cảnh hội nhập hiện nay, Việt Nam đang phải đối diện với hoạt động chuyển giá diễn ra ngày càng phức tạp, gây ra những tác động tiêu cực đối với nền kinh tế. Theo PGS.TS Nguyễn Hữu Ánh - Trường đại học Kinh tế Quốc dân cho hay, chuyển giá là hành vi định giá cho các giao dịch hàng hóa, dịch vụ giữa một doanh nghiệp với một doanh nghiệp liên kết khác, trong đó giá giao dịch không tuân theo thị trường. Giá được ấn định cao hơn hoặc thấp hơn giá thị trường để mang lại lợi ích xét trên góc độ toàn bộ tập đoàn liên kết.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ánh chỉ ra, hoạt động chuyển giá tuy giúp cho các doanh nghiệp tối đa hóa lợi nhuận, giảm rủi ro nhưng lại ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế, như: Thất thu về thuế, khó khăn trong vấn đề thanh tra, kiểm tra và đánh giá doanh nghiệp, thị trường bị độc quyền.
Chuyển giá là hành vi định giá cho các giao dịch hàng hóa, dịch vụ giữa một doanh nghiệp với một doanh nghiệp liên kết khác, trong đó giá giao dịch không tuân theo thị trường. |
Theo đó, việc chống chuyển giá là vấn đề phức tạp, đòi hỏi các ngành chức năng từ Trung ương tới địa phương cần quyết liệt hơn nữa, nhằm bảo đảm môi trường đầu tư bình đẳng, bền vững ở nước ta hiện nay.
Trước thực trạng này, nhằm ngăn chặn tình trạng chuyển giá trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp hiện nay, Bộ Tài chính cho biết, bộ vừa gửi hồ sơ tới Bộ Tư pháp thẩm định dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 132/2020/NĐ-CP quy định về quản lý thuế đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết.
Trong đó, dự thảo quy định cụ thể về các bên có quan hệ liên kết đối với trường hợp một doanh nghiệp bảo lãnh hoặc cho một doanh nghiệp khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào. Cụ thể, điều kiện là tổng dư nợ các khoản vốn vay của doanh nghiệp đi vay với doanh nghiệp cho vay hoặc bảo lãnh ít nhất bằng 25% vốn góp của chủ sở hữu của doanh nghiệp đi vay và chiếm trên 50% tổng dư nợ tất cả các khoản nợ trung và dài hạn của doanh nghiệp đi vay.
Bên cạnh đó, dự thảo cũng đã quy định cụ thể về trách nhiệm của các bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Trong đó, quy định Ngân hàng Nhà nước trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin, số liệu về các khoản vay, trả nợ nước ngoài của từng doanh nghiệp cụ thể có giao dịch liên kết trên cơ sở danh sách do cơ quan thuế yêu cầu.
Các thông tin này bao gồm dữ liệu về kim ngạch khoản vay, lãi suất, kỳ trả lãi, trả gốc, thực tế rút vốn, trả nợ (gốc, lãi) và các thông tin liên quan khác (nếu có).
Theo Bộ Tài chính đánh giá, về cơ bản dự thảo Nghị định đáp ứng được yêu cầu thực tiễn trong giai đoạn hiện nay, vừa đảm bảo tăng cường vai trò quản lý nhà nước đối với lĩnh vực quản lý thuế, chống thất thu thuế, chống gian lận thuế, chống chuyển giá đối với doanh nghiệp có giao dịch liên kết, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp trong hoạt động đầu tư, sản xuất, kinh doanh.