Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 31/03/2025 11:38
Tin nóng:
Gắn kết, hợp tác để cùng phát triển
Thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, thời gian qua, các địa phương của tỉnh Bắc Kạn đã triển khai nhiều dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị, gắn với tiêu thụ sản phẩm bước đầu đem lại hiệu quả tích cực.
Đáng chú ý, các hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số tham gia mô hình sản xuất theo chuỗi đã nâng cao thu nhập, đời sống cải thiện nhiều mặt, từ đó khuyến khích nhân dân ngày càng tích cực tham gia các mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng, nâng cao giá trị trên cùng đơn vị diện tích.
Khoai tây là cây trồng lâu năm tại huyện Na Rì nhưng trước đây chỉ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, chưa trở thành hàng hóa. Năm 2021, Hợp tác xã Bình Minh (thôn Bản Đâng, xã Hữu Thác, huyện Na Rì) được UBND huyện Na Rì quyết định phê duyệt hỗ trợ chủ trì thực hiện Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây, nhằm duy trì ổn định mức năng suất tối ưu và nâng cao chất lượng sản phẩm từ cây khoai tây trên địa bàn; nâng cao trình độ kỹ thuật trong chăm sóc, thu hoạch và bảo quản; góp phần thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp của địa phương theo hướng hàng hóa.
![]() |
Người dân xã Trần Phú, huyện Na Rì thu hoạch khoai tây. Sản phẩm được Hợp tác xã Bình Minh bao tiêu. Ảnh: Hương Dịu |
Thực hiện dự án, Hợp tác xã Bình Minh chủ trì liên kết với Hợp tác xã Sản xuất, kinh doanh nông nghiệp Quang Trung bao tiêu sản phẩm của 90 hộ dân trồng khoai tây. Anh Bàn Hữu Thân - Giám đốc Hợp tác xã Bình Minh cho biết, trong quá trình thực hiện Dự án, hợp tác xã gặp thuận lợi là nguồn lực có sẵn tại địa phương, khí hậu và đất đai ở đây phù hợp với trồng cây khoa tây. Được hợp hỗ trợ đầu tư về giống, phân bón, hướng dẫn kỹ thuật canh tác nên bà con phấn khởi tham gia dự án.
Đặc biệt là Hợp tác xã Bình Minh cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên bà con yên tâm sản xuất. Qua sản xuất thực tế cho thấy, mặc dù là sản xuất vụ đông nhưng cây khoai tây đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân, cao hơn trồng ngô, lúa vụ sản xuất chính.
Theo lãnh đạo UBND huyện Na Rì, Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây do Hợp tác xã Bình Minh chủ trì thực hiện được đánh giá có hiệu quả thiết thực. Dự án thực hiện thành công đã tạo được liên kết tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị, tạo cơ sở bước đầu để tiến tới xây dựng thương hiệu khoai tây tại địa phương, giúp hợp tác xã có nguyên liệu ổn định để cung ứng cho đơn vị tiêu thụ theo hợp đồng đã ký kết… Đồng thời, tạo công ăn việc làm cho người dân là đồng bào dân tộc thiểu số trong vụ đông, không bỏ phí đất sản xuất, giúp người dân giảm nghèo, đặc biệt là góp phần tích cực trong công cuộc xây dựng nông thôn mới tại xã Trần Phú.
![]() |
Sản phẩm nghệ qua chế biến, đóng gói của Hợp tác xã Nông nghiệp Tân Thành, TP. Bắc Kạn. Ảnh: Hương Dịu |
Nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao
Theo thống kê của UBND tỉnh Bắc Kạn, từ năm 2022 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện gần 660 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, trong đó Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị hơn 90 dự án; Dự án hỗ trợ phát triển sản xuất cộng đồng hơn 560 dự án.
Nguồn vốn được thực hiện chủ yếu từ 3 Chương trình mục tiêu quốc gia. Giai đoạn 2022 - 2023 đã thực hiện giải ngân 119.552 triệu đồng/181.899 triệu đồng, đạt 65,7% kế hoạch; năm 2024 tổng kinh phí đã giải ngân 151.985 triệu đồng/200.524 triệu đồng, đạt 75,7% vốn giao.
Toàn tỉnh có 72 hợp tác xã/92 dự án thực hiện sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm tập trung vào các sản phẩm chủ lực của địa phương gồm các cây trồng và vật nuôi như quế, hoa cúc, cây nghệ, dong riềng, chăn nuôi cá, chăn nuôi trâu, bò, lợn, gà sinh sản…
Quá trình triển khai đã có gần 4.450 hộ tham gia, gồm trên 1.890 hộ nghèo; gần 840 hộ cận nghèo; gần 100 hộ mới thoát nghèo; hộ khác hơn 1.600 hộ.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Kạn, thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất được triển khai đã giúp người dân thay đổi nhận thức, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật, mở rộng quy mô sản xuất hàng hóa và ký kết hợp đồng tiêu thụ sản phẩm với các công ty, doanh nghiệp, siêu thị lớn tại Hà Nội và nhiều tỉnh thành trên cả nước. Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào từng bước được nâng lên, góp phần tăng thu nhập, tạo công ăn việc làm cho lao động nông thôn, xóa đói giảm nghèo tại các địa phương.
![]() |
Sản phẩm miền dong của Hợp tác xã Tài Hoan, huyện Na Rì được thị trường tin dùng. Ảnh: Đình Văn |
Một số dự án phát huy hiệu quả tốt như: Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm khoai tây của Hợp tác xã Bình Minh, xã Trần Phú và các xã lân cận; Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm dong riềng của Hợp tác xã Tài Hoan, xã Côn Minh (Na Rì). Dự án liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm Hoa Cúc của Hợp tác xã Dương Quang, TP. Bắc Kạn. Dự án liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm khoai tây Marabel của Hợp tác xã Nam Cường (Chợ Đồn). Dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm bò vàng sinh sản của Hợp tác xã Nghiên Loan (Pác Nặm).
Ông Nông Quang Nhất, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết, qua thực tế triển khai và thông qua công tác kiểm tra, giám sát tại các địa phương thực hiện dự án hỗ trợ phát triển sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị gắn với tiêu thụ sản phẩm, nhìn chung các dự án đã được tổ chức triển khai thực hiện tương đối tốt, các chủ trì liên kết, tổ nhóm cộng đồng đã tổ chức triển khai thực hiện dự án cơ bản theo đúng các nội dung hỗ trợ và quyết định phê duyệt dự án của cấp có thẩm quyền.
Để phát huy hiệu quả của các dự án, trong thời gian tới tỉnh, sẽ tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn người dân, các chủ trì liên kết, tổ nhóm cộng đồng tổ chức triển khai thực hiện các dự án đảm bảo theo đúng các quy định, hướng dẫn; tiếp tục duy trì và tự mở rộng triển khai thực hiện các nội dung của dự án sau khi được Nhà nước hỗ trợ phải phát huy được hiệu quả nguồn vốn đã đầu tư, từ đó duy trì và nhân rộng những mô hình mang lại hiệu quả kinh tế cao, phát huy tốt tiềm năng thế mạnh.
Hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã và người dân tham gia thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất để tạo ra các sản phẩm có thương hiệu và nâng cao giá trị sản phẩm trên thị trường, từng bước nâng cao hiệu quả tổ chức sản xuất trong nông nghiệp, nông thôn, góp phần quan trọng thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập và xây dựng nông thôn mới ở các địa phương.
Chỉ đạo các địa phương thực hiện có chất lượng việc thẩm định, phê duyệt các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất bảo đảm tổ chức triển khai thực hiện theo đúng mùa vụ và đúng các quy định hiện hành. Tăng cường, đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn. Kịp thời hướng dẫn, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện...
Lãnh đạo UBND tỉnh Bắc Kạn cho biết: Với những giải pháp đồng bộ đang được triển khai, Bắc Kạn kỳ vọng các dự án hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị sẽ tiếp tục phát huy hiệu quả, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là bà con vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi đóng góp tích cực vào mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh. |