Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 27/12/2024 07:07
Tin nóng:
Cần chính sách gì để phát triển thị trường bán lẻ hiện đại tại Việt Nam? Chuyên gia, doanh nghiệp ‘hiến kế’ giải pháp phát triển bền vững chuỗi phân phối bán lẻ hiện đại |
Tạo nhiều công ăn, việc làm
Việt Nam đang đứng trước ngã rẽ quan trọng trong phát triển thương mại điện tử, khi mà tốc độ tăng trưởng những năm gần đây duy trì từ 18 - 25% mỗi năm. Năm 2024, quy mô thị trường bán lẻ vượt mốc 25 tỷ USD.
Theo bà Lại Việt Anh - Phó Cục trưởng Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số: “Lĩnh vực bán buôn, bán lẻ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế”.
Cùng chia sẻ về vấn đề này, ông Trần Minh Tuấn – Vụ trưởng Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) – nhấn mạnh, bán buôn, bán lẻ đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế và việc làm. Ông Tuấn đưa ra con số so sánh: Các cửa hàng tạp hóa, chợ truyền thống và doanh nghiệp bán lẻ đang chiếm 3,91% doanh thu thuần sản xuất, kinh doanh và 3,19% tổng số lao động; còn doanh thu của doanh nghiệp bán buôn chiếm khoảng 27,60% và khoảng 8,76% tổng số lao động hoạt động trong lĩnh vực bán buôn.
Trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/ tháng. Ảnh: Quân Bảo |
Theo số liệu khảo sát, trung bình 1 người tiêu dùng Việt Nam mua hàng trực tuyến tới 4 lần/tháng, như vậy với thị trường gần 100 triệu dân, chiếm 1,23% dân số thế giới, lại nằm cạnh các thị trường lớn như Trung Quốc, Ấn Độ, ASEAN… lĩnh vực bán buôn, bán lẻ vẫn sẽ tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, hỗ trợ sự lưu thông hàng hóa từ sản xuất đến tiêu dùng, tạo công ăn việc làm cho người lao động và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế.
Do vậy "Việc hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ không thể chậm trễ và cần được đẩy mạnh theo hướng đưa toàn bộ hoạt động bán buôn, các doanh nghiệp, tạp hóa, cửa hàng bán lẻ từ môi trường thực lên môi trường số để tiếp cận khách hàng trên nhiều kênh số khác nhau, mang lại giá trị, hiệu quả cao hơn”, bà Lại Việt Anh nhấn mạnh.
Để hỗ trợ chuyển đổi số bán buôn và bán lẻ, năm qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số và Bộ Thông tin và Truyền thông đã xây dựng bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số; xây dựng và triển khai hệ thống đánh giá mức độ chuyển đổi số; bộ tiêu chí về giải pháp công nghệ uy tín; ứng dụng các giải pháp công nghệ; huy động nguồn lực địa phương; nhân rộng từ mô hình thí điểm.
Nhiều thách thức cần hóa giải
Bên cạnh những thuận lợi vẫn còn không ít thách thức trong chuyển đổi số hiện nay, như: Thiếu nền tảng công nghệ, kết nối người bán và người mua tại Việt Nam với đối tác trên toàn cầu; thiếu hạ tầng logistic, nền tảng thanh toán đồng bộ, thúc đẩy hoạt động thương mại điện tử xuyên biên giới...
Chia sẻ của một số công ty công nghệ cho thấy, doanh nghiệp có thể gặp phải 8 thách thức phổ biến khi triển khai bán lẻ hợp kênh, đó là: Kiểm soát không chặt chẽ; khó khăn trong việc liên kết thông tin online và offline; chưa cá nhân hóa trải nghiệm khách hàng; sai sót trong việc đo lường; mất kết nối trong chuỗi cung ứng; quy trình thủ công, chưa tự động hóa; xung đột giữa các kênh; chưa có quy trình hoàn trả hàng hóa rõ ràng.
Để khắc phục những khó khăn tồn tại, năm 2025, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số sẽ ban hành bộ tiêu chí đánh giá mức độ chuyển đổi số doanh nghiệp và phương thức phối hợp với địa phương để triển khai đánh giá. Đồng thời ban hành bộ tiêu chí đánh giá nền tảng số uy tín; chương trình phối hợp với nhà cung cấp giải pháp hỗ trợ bán buôn, bán lẻ; xây dựng phương thức kết nối, triển khai với địa phương trong việc kết nối đơn vị cung cấp giải pháp và doanh nghiệp, hộ kinh doanh…
Từ thực tế hỗ trợ triển khai Chương trình thí điểm hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số tại quận Phú Nhuận (TP. Hồ Chí Minh) tháng 9/2024, bà Cao Mỹ Hạnh – Công ty cổ phần công nghệ Sapo – cho biết: Qua quá trình hỗ trợ, Sapo đã ghi nhận một số kết quả tiêu biểu như: 6 doanh nghiệp trên địa bàn quận Phú Nhuận đã đưa vào vận hành kinh doanh có ứng dụng phần mềm chuyển đổi số; hỗ trợ và khuyến khích 2.000 cửa hàng/hộ kinh doanh/doanh nghiệp tìm hiểu về giải pháp quản lý và bán hàng hợp kênh Sapo; sẵn sàng mở rộng các chương trình khuyến mãi đặc biệt tăng thêm thời gian trải nghiệm và tài liệu hướng dẫn đến các cửa hàng...
“Chương trình thúc đẩy và hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số trên toàn quốc là một sáng kiến quan trọng, góp phần thúc đẩy quá trình chuyển đổi số của Việt Nam. Sapo với vai trò là đơn vị nền tảng thực thi và triển khai hướng dẫn luôn sẵn sàng đầu tư và nỗ lực cải tiến hỗ trợ góp phần xây dựng một nền kinh tế số hiện đại và năng động”, bà Hạnh bày tỏ.
Giới chuyên gia phân tích, quy mô thị trường bán buôn, bán lẻ Việt Nam không nhỏ, tiềm năng và dư địa cho phát triển thương mại điện tử rất lớn; trong khi đặc tính của thương mại điện tử là không có ranh giới, do đó nếu các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực bán buôn, bán lẻ không chuyển đổi sẽ bị mất thị trường.
Đã đến lúc các doanh nghiệp bán lẻ trong nước phải nắm bắt cơ hội, tạo ra sự bứt phá nhằm nâng cao vị thế, chất lượng sản phẩm, cũng như đưa ra những chiến lược phát triển phù hợp, nhanh chóng chiếm lĩnh thị phần bán lẻ tại Việt Nam.
Vì vậy, song song với sự hỗ trợ của nhà nước, doanh nghiệp cần nâng tầm bản thân, nghiên cứu các quy tắc nội khối để tận dụng lợi ích của các FTA. Để có thể cạnh tranh với các doanh nghiệp nước ngoài, doanh nghiệp bán lẻ nội địa cần liên kết thành các tổng công ty, tập đoàn bán lẻ lớn, xây dựng thương hiệu bán lẻ của riêng mình; chú trọng đẩy mạnh nghiên cứu thị trường, marketing sản phẩm, đẩy mạnh xúc tiến thương mại...
Theo lộ trình, năm 2025 Chương trình thí điểm hỗ trợ cửa hàng bán lẻ chuyển đổi số sẽ mở rộng ra cả nước. Năm 2026 và các năm tiếp theo, sẽ đánh giá tác động, định kỳ cập nhật và khảo sát. |