Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 31/03/2025 11:34
Tin nóng:
Nhiều doanh nghiệp tăng trưởng doanh thu nhờ thương mại điện tử Chế biến sâu: ‘Chìa khóa’ để xuất khẩu tôm vươn tầm Việt Nam chi gần 86 triệu USD nhập khẩu đậu tương |
Các địa phương điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng
Năm nay là năm đầu tiên Chính phủ giao chỉ tiêu tăng trưởng cho các địa phương. Đối với 2 địa phương ở miền Trung là Quảng Bình và Quảng Trị, Hội đồng Nhân dân các địa phương này cũng đã điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tạo nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
![]() |
Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch I- hình minh hoạ (Ảnh: Thành Long) |
Cụ thể, Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình đã quyết nghị mục tiêu tăng trưởng tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh năm 2025 đạt từ 7% - 7,5%, thấp hơn mục tiêu Chính phủ giao là 8%. Do đó, kỳ họp Hội đồng Nhân dân tỉnh Quảng Bình thứ 20, khóa XVIII đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng theo tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, tạo nền tảng để đạt tốc độ tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030.
Tỉnh Quảng Trị cũng đặt mục tiêu tốc độ tăng tổng sản phẩm (GRDP) trên địa bàn năm 2025 tăng 8% so với năm 2024; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội đạt 32.800 tỷ đồng.
Mục tiêu tăng trưởng liệu có khả quan?
Trong năm 2024, tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (GRDP) đạt 7,18%. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt hơn 6.960 tỷ đồng (kế hoạch 6.100 – 6.300 tỷ đồng).
Theo báo cáo của UBND tỉnh Quảng Bình, đóng góp lớn nhất cho tăng trưởng kinh tế năm 2024 là khu vực dịch vụ; tiếp đến là khu vực công nghiệp - xây dựng. Cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng khu vực dịch vụ, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản. Cụ thể, GRDP khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,08%, đóng góp 0,55 điểm % vào mức tăng trưởng chung.
GRDP khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 9,7%, đóng góp 2,7 điểm % vào mức tăng trưởng chung. Cụ thể, khu vực công nghiệp tăng 6,3%, đóng góp 0,79 điểm % nhờ sự nỗ lực của các doanh nghiệp sản xuất trong việc nâng cao chất lượng sản phẩm, tìm kiếm thị trường tiêu thụ, nhiều đơn hàng mới được ký kết. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến có mức tăng khá so với cùng kỳ góp phần thúc đẩy ngành công nghiệp duy trì tăng trưởng. Bên cạnh đó, khu vực xây dựng tăng 12,44%, đóng góp 1,91 điểm % với nhiều dự án và công trình lớn được đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công. GRDP khu vực dịch vụ tăng 7,23%, đóng góp 3,67 điểm % vào mức tăng trưởng chung nhờ sự tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch kéo theo sự phát triển của các ngành kinh doanh vận tải, dịch vụ khác, hoạt động thương mại tiếp tục duy trì đà tăng trưởng, cung - cầu hàng hóa thiết yếu được đảm bảo.
Đối với lĩnh vực dịch vụ, ngành du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh Quảng Bình với mục tiêu tăng trưởng 8% nhiều cơ hội triển vọng cho địa phương này.
Bám sát Nghị quyết này, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành kế hoạch hành động cụ thể, trong đó yêu cầu các sở, ngành, địa phương trong chỉ đạo, điều hành, quản lý phải phấn đấu tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh toàn tỉnh năm 2025 đạt tối thiểu 8% và chỉ đạo các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2025.
Theo đó, tỉnh Quảng Bình đặt ra nhiều nhiệm vụ cụ thể như: siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, đảm bảo mục tiêu “rõ người, rõ việc, rõ thời hạn"; đổi mới mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa trong quản lý kinh tế; theo dõi và đẩy nhanh tiến độ các dự án công nghiệp trọng điểm, có vai trò quan trọng để đưa vào hoạt động trong năm 2025, đưa vào vận hành Nhà máy Nhiệt điện Quảng Trạch 1 trong năm 2025; triệt để tiết kiệm các khoản chi thường xuyên; đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm 2025; đẩy nhanh chuyển đổi số một cách sâu rộng, toàn diện...
“Tăng trưởng 8% là yêu cầu của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ, chúng ta phải làm được, đó là mức tối thiểu. Giai đoạn sau này, với tinh thần phát triển 2 con số thì năm 2025 bắt buộc các địa phương bằng mọi giá phải tăng trưởng 8% trở lên mới đạt. Kịch bản tăng trưởng cả năm tỉnh đã xây dựng, việc triển khai trước mắt thông qua HĐND và triển khai trong các ngành. Sau này, các giải pháp của sở, ngành sẽ đi liền với việc thực hiện theo kịch bản tăng trưởng”- ông Trần Phong- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình cho hay.
Năm 2024, tỉnh Quảng Trị thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhưng với sự nỗ lực và quyết tâm cao của Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh đã đạt được những kết quả quan trọng. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 5,97% so với năm 2023.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,37%; khu vực công nghiệp - xây dựng tăng 6,12%; khu vực dịch vụ tăng 7,04%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng với việc tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng và dịch vụ; giảm tỉ trọng nông nghiệp.
Tỉnh Quảng Trị cũng đã bổ sung một số nhiệm vụ, giải pháp để đạt được các mục tiêu tăng trưởng mới như đẩy nhanh việc hoàn thành các dự án trọng điểm, các chương trình mục tiêu quốc gia, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển kinh tế, xã hội.