Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 19/12/2024 22:13
Tin nóng:
Cần đưa quy định phát triển công nghiệp bán dẫn vào Luật Công nghiệp công nghệ số Thủ tướng: Công nghiệp bán dẫn phải là đột phá trong phát triển kinh tế |
Chuyển dần từ “thu hút” sang “hợp tác” đầu tư
Trong xu thế phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp công nghệ cao, công nghiệp bán dẫn được nhận định có vị thế quan trọng. Để đón đầu xu hướng chuyển dịch và cơ hội đầu tư, tỉnh Bắc Ninh đã chuẩn bị các điều kiện cần thiết, trong đó có đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn.
Trong số 1.600 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn hiệu lực đến thời điểm này, số dự án thuộc về các ngành sản xuất công nghệ cao chiếm tỷ lệ lớn. Đặc biệt những năm gần đây, Bắc Ninh chuyển từ thu hút sang hợp tác đầu tư.
Sự hiện diện của các Tập đoàn lớn cho thấy quy mô của ngành điện tử tại Bắc Ninh đủ lớn để kéo sự phát triển của công nghiệp bán dẫn. Ảnh: Thảo Đan |
Hiện, Bắc Ninh đã thu hút Amkor Technology - Tập đoàn dẫn đầu toàn cầu về công nghệ và kỹ thuật đóng gói, thử nghiệm chất bán dẫn đầu tư xây dựng nhà máy quy mô lớn tại khu công nghiệp Yên Phong II-C hồi đầu tháng 10/2023, với tổng số vốn đầu tư đăng ký giai đoạn I khoảng 530 triệu USD. Tập đoàn cam kết đến năm 2035 sẽ nâng quy mô đầu tư lên số vốn 1,6 tỷ USD. Đây được coi là dấu mốc khởi đầu quan trọng để Bắc Ninh chính thức xuất hiện trên bản đồ thế giới về sản xuất linh kiện bán dẫn; đồng thời là động lực mới trong phát triển công nghiệp công nghệ cao của tỉnh những năm tiếp theo. Qua đó, tạo hiệu ứng, lan tỏa để thu hút nhà đầu tư lớn trên thế giới.
Ngoài Amkor Technology, các khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng đã thu hút một số dự án đầu tư về lĩnh vực bán dẫn như: Nhà máy thiết bị bán dẫn Micro Commercial Components (Khu công nghiệp Yên Phong I), vốn đầu tư 90 triệu USD, sản xuất và lắp ráp thiết bị bán dẫn, bao gồm sản phẩm quang điện, sản phẩm gắn kết bề mặt và các sản phẩm điện tử thông minh khác.
Hay Tập đoàn Victory Giant Technology lựa chọn Khu công nghiệp VSIP Bắc Ninh là địa điểm để triển khai dự án đầu tư xây dựng nhà máy mới ở Việt Nam. Victory Gaint Technology là doanh nghiệp lớn chuyên sản xuất, kinh doanh các linh kiện điện tử, chất bán dẫn, có nhiều đối tác, khách hàng lớn tại nhiều quốc gia trên thế giới…
Những đối tác quen thuộc của Tập đoàn Apple tại Việt Nam là Foxconn và Goertek cũng triển khai tăng vốn, mở thêm nhà máy.
Giới chuyên gia đánh giá, với sự hiện diện của các dự án này cho thấy quy mô của ngành điện tử tại Bắc Ninh đủ lớn để kéo theo sự phát triển của ngành vi mạch bán dẫn; đồng thời thể hiện đúng chiến lược thu hút đầu tư được tỉnh tập trung vào các dự án có công nghệ cao, tăng hàm lượng khoa học, suất đầu tư lớn, giảm định mức sử dụng đất, nâng cao tỷ trọng nội địa hóa sản phẩm.
Đáng nói, địa phương này đang chuyển dần từ “thu hút” sang “hợp tác” đầu tư. Theo đó, từ đầu năm 2024 đến nay, Bắc Ninh đã và đang đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nước ngoài. Cụ thể, về xúc tiến đầu tư tại chỗ, tỉnh đã chủ động gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp lớn đầu tư tại địa phương để thúc đẩy mở rộng quy mô sản xuất và kêu gọi doanh nghiệp vệ tinh, như: Tổ hợp Samsung Việt Nam, công ty TNHH Canon Việt Nam, các doanh nghiệp Trung Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản tiêu biểu…
Ngoài ra, lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành chức năng đã tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp trong và ngoài nước đến tìm hiểu cơ hội, nhằm trao đổi hợp tác, xúc tiến đầu tư vào Bắc Ninh như: Tập đoàn Công nghệ CMC, đoàn doanh nghiệp Cộng hòa Liên bang Đức, Công ty Kine SIC Semi (Mỹ), Cộng hòa Séc, Cộng hòa Hungary…
Theo Quy hoạch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Bắc Ninh chú trọng phát triển ngành công nghiệp theo chiều sâu. Mục tiêu đến năm 2030, ưu tiên phát triển một số ngành công nghiệp như sản xuất thiết bị điện tử; sản xuất linh kiện, phụ tùng phục vụ ngành hàng không, sản xuất thiết bị công nghệ cao và dược phẩm, thiết bị công nghiệp y khoa; đến năm 2050 sẽ trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế trong khu vực Đông Nam Á.
Chuẩn bị nguồn nhân lực để không bỏ lỡ cơ hội "vàng"
Một thực tế cần nhìn nhận không chỉ ở Bắc Ninh đó là nhiều tập đoàn lớn trên thế giới đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất nhưng không sẵn sàng chuyển giao bí quyết công nghệ. Do vậy, công nghiệp chế biến chế tạo trên địa bàn chủ yếu dừng lại ở công đoạn gia công, lắp ráp, đóng gói, giá trị gia tăng thấp và phụ thuộc nhiều vào việc nhập khẩu nguyên vật liệu, các sản phẩm trung gian.
Chính vì vậy, để phát huy được lợi thế từ nguồn vốn FDI, Bắc Ninh chú trọng đầu tư phát triển hạ tầng và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực phục vụ ngành công nghiệp công nghệ cao. Theo đó tỉnh Bắc Ninh đã ban hành Nghị quyết số 05/2024/NQ-HĐND quy định hỗ trợ nhà giáo, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đại học đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao và ngành công nghiệp bán dẫn.
Cụ thể, hỗ trợ nhà giáo có trình độ sau đại học được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình đào tạo chất lượng cao, ngành công nghiệp bán dẫn tại các cơ sở đào tạo công lập trực thuộc tỉnh và có cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm với Giáo sư nam 200 triệu đồng, nữ 220 triệu đồng; Phó Giáo sư nam 140 triệu đồng, nữ 160 triệu đồng; Tiến sĩ nam 100 triệu đồng, nữ 120 triệu đồng; Thạc sĩ ngành công nghiệp bán dẫn nam 80 triệu đồng, nữ 100 triệu đồng.
Hỗ trợ kinh phí nhà ở trị giá 1 tỷ đồng nếu các Giáo sư, Phó giáo sư, Tiến sĩ ở ngoài tỉnh được tuyển dụng, tiếp nhận giảng dạy chương trình cam kết làm việc lâu dài ít nhất 10 năm; hỗ trợ 100% học phí và chi phí tài liệu học tập cho nhà giáo đang công tác tại các trường công lập trực thuộc tỉnh tham gia chương trình đào tạo ngắn hạn để học chuyển đổi, bồi dưỡng nâng cao thuộc chuyên ngành công nghiệp bán dẫn tại trường đại học, học viện trong nước và nước ngoài tổ chức.
Đối với người học nghề, tỉnh hỗ trợ học phí các ngành, nghề theo chương trình đào tạo: Mức chi hỗ trợ học phí cho học sinh, người lao động đã tốt nghiệp THPT tham gia học trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp theo chương trình đào tạo chất lượng cao và nghề liên quan đến công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo hoạt động trên địa bàn từ 1.640.000 - 2.940.000/tháng/người tùy theo bậc học và năm học khác nhau. Đồng thời hỗ trợ học phí đào tạo ngắn hạn để chuyển đổi đáp ứng nhân lực ngành công nghiệp bán dẫn tại cơ sở đào tạo; mức chi hỗ trợ tối đa 1.500.000 đồng/người/tháng.
Ths. Nguyễn Thị Hoàng Quyên - Viện Nghiên cứu Phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bắc Ninh - cho rằng, để hiện thực hóa mục tiêu đến năm 2050 trở thành trung tâm đổi mới công nghệ cao và nghiên cứu, thiết kế (R&D) trong khu vực Đông Nam Á, trong các bước đi hiện thực hóa mục tiêu đó, Bắc Ninh xác định nhiệm vụ chiến lược đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt các dự án có vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng về vi mạch bán dẫn toàn cầu.
Vì vậy, địa phương chú trọng đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ phát triển doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch bán dẫn. Mở rộng quy mô và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn; tăng cường đầu tư cho đào tạo, khoa học - công nghệ, thu hút đội ngũ chuyên gia, nhà khoa học để tham gia phát triển các ngành điện tử, vi mạch bán dẫn...
Về hạ tầng, Bắc Ninh đã xác định nhiệm vụ chiến lược đó là đẩy mạnh thu hút đầu tư, đặc biệt những dự án có vai trò trọng yếu trong chuỗi cung ứng về vi mạch bán dẫn toàn cầu. Đồng thời đầu tư nâng cấp hạ tầng kỹ thuật các khu công nghệ cao, đổi mới sáng tạo để hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp ngành điện tử, vi mạch bán dẫn.
Bên cạnh đó, thúc đẩy hình thành các doanh nghiệp trong nước có khả năng phát triển các sản phẩm điện tử, vi mạch “Make in Viet nam,” kiên trì tìm kiếm cơ hội tham gia sâu vào khâu sản xuất để từng bước tiếp thu và làm chủ công nghệ sản xuất vi mạch.
Với sự chủ động đi trước một bước trong đào tạo nguồn nhân lực, Bắc Ninh quyết tâm biến những tiềm năng thành thế mạnh, thực hiện mục tiêu trở thành một trong những trung tâm công nghiệp bán dẫn của cả nước. |