Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 04/12/2024 00:55
Tin nóng:
Tỉnh Bắc Ninh mới giải ngân được 2.763 tỷ đồng vốn đầu tư công Bắc Ninh nỗ lực hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024 |
Vướng từ cơ chế... đến đầu tư
Trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh hiện có 106 chợ song đa số chợ có quy mô nhỏ, chưa có chợ đầu mối thực hiện chức năng bán buôn, thu gom và phát luồng hàng hóa. Đáng nói, phần lớn các chợ trên địa bàn đã xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn, trong đó có một số chợ công tác cháy chữa cháy không đảm bảo đã phải dừng hoạt động. Điển hình như chợ Nhớn đã phải đóng cửa 2 năm, khiến người dân và tiểu thương buôn bán gặp nhiều khó khăn do phải kinh doanh trong khu vực tạm bợ, manh mún không an toàn.
Hầu hết các mô hình hoạt động chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn gặp khó. Ảnh: Văn Giang |
Qua tìm hiểu của phóng viên, sở dĩ các mô hình hoạt động chợ trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh còn gặp khó là do phần lớn đầu tư từ nhiều năm trước, trong khi việc đầu tư, cải tạo, nâng cấp không được thường xuyên, liên tục; cùng với đó công tác thu hút nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa gặp nhiều vướng mắc.
Về vấn đề cơ chế, theo ông Nguyễn Hữu Đông - Trưởng ban quản lý chợ TP. Bắc Ninh, sau khi Nghị định số 60/2024/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ có hiệu lực đã có nhiều quy định gợi mở cho đầu tư phát triển chợ, nhưng do phần lớn chợ trên địa bàn TP. Bắc Ninh là tài sản công nên doanh nghiệp còn lúng túng việc thanh lý tài sản công này được thực hiện như thế nào để có thể vào đầu tư.
Tương tự, ông Nguyễn Hồng Chiến - Giám đốc công ty TNHH Ki Ba - chủ đầu tư chợ Kiêu tại TP. Từ Sơn - cho biết, doanh nghiệp được cấp quyết định chủ trương đầu tư từ năm 2016, hoàn thành và đưa vào sử dụng từ 2018. Tuy nhiên đến nay công tác giải phóng mặt bằng vẫn gặp nhiều vướng mắc nên việc triển khai thực hiện dự án gặp nhiều khó khăn.
Nhiều doanh nghiệp, địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh cũng chia sẻ, họ có khả năng tự cân đối ngân sách để đầu tư nâng cấp cải tạo hạ tầng chợ nhằm đáp ứng các yêu cầu về phòng cháy chữa cháy, văn minh thương mại... nhưng không thể triển khai do vướng mắc cơ chế.
Ngoài cơ chế, quá trình đầu tư xây dựng chợ ở một số địa phương, chủ đầu tư chưa tính đến thói quen cũng như tâm lý mua sắm của người dân, cộng với năng lực kinh nghiệm quản lý, khai thác chợ của một số nhà đầu tư hạn chế, nên khó thu hút được tiểu thương tham gia kinh doanh.
Bên cạnh đó, sự phối kết hợp giữa nhà đầu tư và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền, vận động thương nhân vào kinh doanh trong chợ chưa thường xuyên, liên tục, chưa gắn với lợi ích của thương nhân nên thương nhân không vào kinh doanh trong chợ mà tổ chức mua bán hàng hóa trước chợ hoặc lề đường cạnh chợ, gây mất an toàn giao thông.
Những khó khăn, vướng mắc nêu trên đang là rào cản đối với các nhà đầu tư chợ, kìm hãm sự phát triển hệ thống chợ của tỉnh Bắc Ninh.
Cùng tháo gỡ điểm nghẽn
Để đẩy nhanh tiến độ đầu tư xây dựng, chuyển đổi mô hình quản lý, khai thác, kinh doanh chợ trên địa bàn tỉnh, mang lại lợi ích cho chính bản thân doanh nghiệp và lợi ích chung cho tỉnh, ngay sau khi các Luật và Nghị định quy định chi tiết được ban hành, UBND tỉnh Bắc Ninh đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan tham mưu xây dựng văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh được Luật và Nghị định giao.
Đến thời điểm này, tỉnh Bắc Ninh đã ban hành một số văn bản liên quan, như: Tại kỳ họp thứ 21 khoá XIX, HĐND tỉnh ngày 27/9/2024, HĐND tỉnh Bắc Ninh đã thông qua Nghị quyết số 333 phê duyệt danh mục 19 khu đất thực hiện đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư có sử dụng đất trên địa bàn, trong đó có Dự án đầu tư chợ Tẩy huyện Gia Bình
Hay tại Quyết định số 423/QĐ-UBND ngày 6/8/2024 cũng đã phê duyệt danh mục dự án thu hút đầu tư tỉnh Bắc Ninh năm 2024, định hướng năm 2030 gồm 167 dự án, trong đó có dự án chợ Khắc Niệm (TP. Bắc Ninh) chợ Đầu mối Thuận Thành, chợ tại xã Việt Đoàn (huyện Tiên Du), chợ tại xã Đức Long (huyện Quế Võ), Chợ tại xã Thái Bảo (huyện Gia Bình)
Mới đây nhất, ngày 8/10/2024, UBND tỉnh Bắc Ninh ban hành Văn bản số 3823 giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành, địa phương triển khai thực hiện Nghị định số 60/2024 về phát triển và quản lý chợ để khắc phục những khó khăn vướng mắc trong phát triển và quản lý chợ, như: Xây dựng kế hoạch phát triển hệ thống chợ trên địa bàn đến năm 2030 để xác định mục tiêu, vị trí, thời gian, nguồn vốn đầu tư chợ; giao UBND cấp huyện rà soát hạ tầng chợ, công bố hạng chợ, xây dựng phương án xóa bỏ các điểm kinh doanh tự phát, lấn chiếm hàng lang, lề đường, không đảm bảo về an ninh trật tự, vệ sinh môi trường…
Ngoài những văn bản nêu trên, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Bắc Ninh ông Nguyễn Xuân Đương cũng giải đáp thắc mắc ông Nguyễn Hữu Đông - Trưởng ban quản lý chợ TP. Bắc Ninh nêu phần trên. Ông Đương cho biết: Việc thanh lý tài sản kết cấu hạ tầng chợ được quy định tại Điều 30, Nghị định 60. Tuy nhiên, Nghị định này không quy định hình thức xử lý bán tài sản kết cấu hạ tầng chợ, nhưng có quy định trường hợp đất gắn với tài sản hạ tầng chợ thuộc trường hợp thu hồi theo quy định của pháp luật đất đai. Theo đó, các trường hợp chợ do UBND TP. Bắc Ninh đầu tư, quản lý thuộc trường hợp này thì UBND thành phố phối hợp với cơ quan tài nguyên và môi trường để triển khai thực hiện theo quy định của Luật Đất đai.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Bắc Ninh Hồ Nguyên Hồng cũng chia sẻ: Việc chính quyền tỉnh giao đất thành nhiều lần cho doanh nghiệp giai đoạn trước là những chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư. Tuy nhiên, những trường hợp dự án đầu tư chợ đang bị chậm tiến độ do vướng giải phóng mặt bằng, sẽ được các cấp chính quyền tỉnh Bắc Ninh sớm thực hiện quyết liệt, đôn đốc các trường hợp thuộc diện thu hồi đất sớm bàn giao đất cho dự án.
Nhấn mạnh hệ thống chợ ở thời điểm hiện nay cũng như về sau có vai trò quan trọng trong đời sống dân sinh, phát triển thương mại dịch vụ trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Ninh ông Vương Quốc Tuấn yêu cầu, đến ngày 30/12/2024, các huyện, thị xã, thành phố phải hoàn thành xây dựng kế hoạch tổng thể về phát triển, củng cố hệ thống chợ trên địa bàn của địa phương mình, trên cơ sở rà soát tổng thể hiện trạng hệ thống các chợ đang hoạt động, nguồn lực đầu tư... để có kế hoạch thời gian chuyển đổi, mô hình hoạt động cho phù hợp, hiệu quả.
Trên cơ sở quy hoạch, các huyện, thị xã, thành phố xây dựng lộ trình thu hút đầu tư đối với những địa điểm, vị trí quy hoạch để phát triển chợ, tập trung thu hút đầu tư từ nay đến năm 2027, chậm nhất đến năm 2030 hoàn thành củng cố hoạt động của chợ.