Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 23:16
Tin nóng:
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), ký kết vào cuối tháng 10/2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ thương mại song phương, đặc biệt mở ra cơ hội lớn cho ngành cá ngừ Việt Nam. Với nhu cầu ngày càng cao về thủy sản cao cấp như cá ngừ và tôm, UAE được xem là thị trường giàu tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá ngừ sang UAE đã đạt gần 4 triệu USD trong năm 2023, tăng 139% so với năm 2019, dù chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. CEPA dự kiến loại bỏ thuế nhập khẩu 5%, đơn giản hóa thủ tục hải quan, giúp giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh cho cá ngừ Việt Nam.
UAE, với nền kinh tế ổn định và mức sống cao, là thị trường lý tưởng cho thủy sản nhập khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa ưu đãi từ CEPA, doanh nghiệp Việt cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm giá trị gia tăng và quảng bá thương hiệu. Dù vậy, thách thức từ rào cản kỹ thuật và cạnh tranh gay gắt cũng đặt ra yêu cầu cao về chiến lược phát triển dài hạn.
Với lợi thế từ CEPA, ngành cá ngừ Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào UAE, gia tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,15 triệu tấn cà phê với giá trị 4,6 tỷ USD, giảm về lượng nhưng lại tăng về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá cà phê xuất khẩu trung bình tăng, lên mức 3.967 USD/tấn.
Việt Nam hiện xuất khẩu cà phê sang 37 thị trường chính trên thế giới. Trong đó, hai thị trường có lượng xuất khẩu trên 100 nghìn tấn là Đức và Italy với sản lượng 136.173 tấn và 106.341 tấn.
Trong top 10 thị trường, Tây Ban Nha là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 của Việt Nam với 87.833 tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước. Đứng sau lần lượt là Nhật Bản, Mỹ, Nga.
Bên cạnh các thị trường chủ lực như EU, Mỹ, Nhật Bản, hiện Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), hiện nay khi dần bước vào hoạt động thu hoạch chính vụ, giá cà phê xuất khẩu vẫn neo trên 100.000 đồng/kg.
Giá cà phê Việt Nam trong cả niên vụ 2024/2025 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do sản lượng giảm.
Tính đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 600 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất cho mặt hàng tôm Việt Nam, chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu. Đặc biệt, quý III/2024, xuất khẩu tôm tăng mạnh 19% sau khi giảm trong quý II, đạt 263 triệu USD. Động lực cho sự phục hồi này bao gồm giảm hàng tồn kho và nhu cầu tăng cao vào dịp lễ cuối năm.
Về sản phẩm, tôm chân trắng chiếm phần lớn với 85,5% trong cơ cấu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tiếp đến là tôm sú với 8,9%, còn lại là các loại tôm khác. Đáng chú ý, giá trị tôm sú chế biến tăng trưởng 44%, trong khi các loại tôm khác tươi/đông lạnh tăng mạnh tới 188%.
Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng dao động từ 9,6 - 10,3 USD/kg và tôm sú từ 14,9 - 19,3 USD/kg, trong đó giá tôm chân trắng tăng nhẹ so với quý II nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Thông tin từ Cục Nông nghiệp nước ngoài Hoa Kỳ (FAS.USDA) cho thấy Việt Nam đang có lợi thế trong thị trường Hoa Kỳ so với các đối thủ như Ấn Độ và Ecuador.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 10/2024, Việt Nam đạt kỷ lục trong xuất khẩu gạo với sản lượng 800.000 tấn, thu về 505 triệu USD, nâng tổng khối lượng xuất khẩu 10 tháng đầu năm lên 7,8 triệu tấn với giá trị gần 4,9 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng mạnh, đạt 10,2% về lượng và 23,4% về giá trị so với năm ngoái, nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 12% lên 626,2 USD/tấn.
Gạo Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần tại Philippines, chiếm gần 80% lượng nhập khẩu, và đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính. Trong khi đó, tình hình cung ứng gạo hạn chế từ các nước xuất khẩu chính đang tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông và châu Phi.
Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam vẫn cao hơn các nước, với gạo 5% tấm dao động ở mức 524 USD/tấn, vượt 34 USD/tấn so với Thái Lan và 84 USD/tấn so với Ấn Độ. Dù Ấn Độ đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu và giá gạo châu Á có xu hướng giảm, gạo Việt Nam vẫn duy trì sức cạnh tranh nhờ chất lượng và nguồn cung ổn định.
Cà phê Decaf xuất khẩu giá cao nhất đạt 4.695 USD/tấn |
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), trong niên vụ 2023 - 2024, mặt hàng cà phê Decaf (cà phê khử cafein) trở thành một trong nhóm 3 loại cà phê nhân xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Niên vụ vừa qua, xuất khẩu cà phê decaf đạt 37.000 tấn, trị giá 172 triệu USD. Với kim ngạch xuất khẩu này, cà phê Decaf đứng thứ 3 trong nhóm cà phê nhân sau cà phê nhân Robusta với 1,2 triệu tấn và cà phê nhân Arabica đạt 53.000 tấn.
Trong nhóm cà phê nhân xuất khẩu niên vụ 2023 - 2024, giá xuất khẩu cà phê Decaf là cao nhất với mức bình quân 4.695 USD/tấn; cao hơn cả giá xuất khẩu trung bình của cà phê nhân Arabica và Robusta.
Tại thị trường Việt Nam, xu hướng sử dụng cà phê Decaf cũng đang gia tăng đặc biệt tại các đô thị lớn.
Thời điểm này, dự báo khu vực trồng cà phê chính của Việt Nam sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá. Lượng mưa từ tháng 11/2024 - 1/2025 dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn và mùa mưa có khả năng kết thúc muộn so với trung bình nhiều năm.