Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 10/05/2025 02:08
Tin nóng:
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) đã mang đến nhiều cơ hội mới cho nông sản Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào thị trường châu Âu. Tuy nhiên, bên cạnh những lợi thế thuế quan, các doanh nghiệp Việt Nam cũng phải đối mặt với những thách thức không nhỏ để đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của người tiêu dùng châu Âu.
Người tiêu dùng châu Âu ngày càng quan tâm đến chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường và các vấn đề xã hội. Các sản phẩm nông, lâm, thủy sản muốn có mặt trên thị trường EU phải đáp ứng những yêu cầu sản phẩm phải đảm bảo các tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm nghiêm ngặt của EU, không chứa chất cấm, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Các quy trình sản xuất phải giảm thiểu tác động đến môi trường, sử dụng ít hóa chất, bảo vệ đa dạng sinh học. Doanh nghiệp cần có các biện pháp giảm thiểu lượng khí thải carbon trong quá trình sản xuất và vận chuyển. Sản phẩm phải có nhãn năng lượng rõ ràng, giúp người tiêu dùng dễ dàng so sánh và lựa chọn. Đối với sản phẩm có nguồn gốc động vật, phải đảm bảo điều kiện chăn nuôi tốt, không gây đau đớn cho động vật. Các doanh nghiệp cần đảm bảo các quyền lợi của người lao động, không sử dụng lao động trẻ em, không phân biệt đối xử.
![]() |
Doanh nghiệp muốn xuất khẩu sang thị trường EU, sản phẩm phải tuân thủ rất nhiều tiêu chí. Ảnh minh họa |
Ngoài những yêu cầu về chất lượng sản phẩm, các doanh nghiệp Việt Nam còn phải đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật và thủ tục hành chính khác như: quy định SPS liên quan đến an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ thực vật. Quy định TBT liên quan đến các tiêu chuẩn kỹ thuật, quy định đánh giá sự phù hợp. Truy xuất nguồn gốc, bảo hộ tên xuất xứ, chỉ dẫn địa lý và các nội dung mới như lao động, minh bạch hóa thông tin, trách nhiệm xã hội, cơ chế điều chỉnh Carbon biên giới (CBAM), quy định chống phá rừng – EUDR.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Bỉ và EU, xu hướng tiêu dùng của người dân châu Âu đang có những chuyển biến đáng kể. Người tiêu dùng ngày càng quan tâm đến nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, đặc biệt là các sản phẩm nông, lâm, thủy sản. Họ đòi hỏi sản phẩm phải đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thân thiện với môi trường, được sản xuất theo quy trình đảm bảo phúc lợi động vật và có trách nhiệm xã hội. Bên cạnh đó, người tiêu dùng EU cũng tỏ ra mở lòng hơn với các sản phẩm mới lạ, độc đáo từ các quốc gia khác.
Để đáp ứng những yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, EU đã xây dựng một hệ thống pháp luật về an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật vô cùng chặt chẽ. Hệ thống này không chỉ là một rào cản mà còn là một cơ hội cho các doanh nghiệp muốn thâm nhập thị trường này. Bởi lẽ, một khi đáp ứng được các tiêu chuẩn khắt khe của EU, sản phẩm sẽ được người tiêu dùng tin tưởng và có cơ hội tiếp cận một thị trường lớn và tiềm năng.
Một trong những yêu cầu bắt buộc để xuất khẩu nông sản sang EU là giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật. Giấy chứng nhận này đảm bảo rằng sản phẩm không chứa các sinh vật gây hại, bảo vệ sức khỏe của người tiêu dùng và môi trường. Tuy nhiên, EU cũng có những quy định ngoại lệ, chẳng hạn như miễn giấy chứng nhận kiểm dịch đối với một số loại trái cây như dứa, chuối, dừa, sầu riêng và chà là.
Việc EU ban hành quy định mới về kiểm dịch thực vật, đồng thời công nhận Việt Nam là khu vực an toàn dịch bệnh, là một tín hiệu tích cực cho ngành nông nghiệp trong nước. Điều này chứng tỏ chất lượng nông sản Việt Nam ngày càng được quốc tế đánh giá cao. Tuy nhiên, để duy trì và phát triển thị trường xuất khẩu này, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo sản phẩm đạt tiêu chuẩn cao về an toàn thực phẩm, không chứa dư lượng thuốc bảo vệ thực vật vượt quá mức cho phép. Xây dựng hệ thống truy xuất nguồn gốc giúp người tiêu dùng EU truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, từ đó tăng lòng tin vào sản phẩm Việt Nam. Áp dụng các công nghệ hiện đại vào sản xuất và chế biến nông sản để nâng cao chất lượng và hiệu quả. Tham gia các chương trình liên kết giữa các doanh nghiệp Việt Nam và các đối tác tại EU để cùng nhau phát triển thị trường.
Ông Laurent Lourdais, Phó trưởng ban Thương mại, Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam, cho rằng để duy trì sự hiện diện tại thị trường EU, doanh nghiệp Việt Nam phải không ngừng đổi mới sản xuất, đảm bảo tiêu chí về môi trường và xã hội, xây dựng chuỗi cung ứng bền vững và tăng cường khả năng truy xuất nguồn gốc...
EU là thị trường tiêu thụ nông, lâm, thủy sản lớn thứ 3 thế giới. Hàng năm EU nhập khẩu khoảng trên 300 tỷ USD các mặt hàng nông, lâm, thủy sản, (Trong đó, nhập khẩu nông sản 190 tỷ USD, thủy sản 50 tỷ USD, gỗ và sản phẩm gỗ 59 tỷ USD (ITC, 2021). Theo dự báo của EU dự báo năm 2024 kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản của EU khoảng 345,14 tỷ USD, tốc độ tăng khoảng 7,16%; kim ngạch nhập khẩu nông, lâm, thủy sản của EU khoảng 323.4 tỷ USD tăng 6,44%. Kim ngạch nhập nông, lâm, thủy sản từ Việt Nam sang EU đạt khoảng 1,9% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của EU, xếp thứ 11 trong trong danh sách các nước xuất khẩu nông, lâm, thủy sản vào EU. EU cũng là một trong bốn thị trường xuất khẩu nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc và ASEAN. EU là khu vực có mức chi cho tiêu dùng thực phẩm lớn, hàng năm EU dành 1000 tỷ Euro cho thực phẩm và đồ uống, chiếm 21,4% tổng chi tiêu của hộ gia đình (11,8% chi tiêu cho lương thực - thực phẩm, 6,8% cho dịch vụ ăn uống, 1,6% cho đồ uống có cồn, và 1,2% cho đồ uống không cồn) (Eurostat, 2020). Cho đến nay EU công nhận Việt Nam và được phép xuất khẩu các động vật vào EU. Hiện tại chỉ có các nhóm sản phẩm có nguồn gốc động vật của Việt Nam được xuất khẩu sang EU là thủy sản và động vật thân mềm hai mảnh vỏ, ốc, đùi ếch, gelatine, collagen, một vài loại sản phẩm từ chế biến từ sản phẩm phụ động vật, thức ăn vật nuôi trong nhà và mật ong. Việt Nam hiện đang xem xét đăng ký để đưa sản phẩm gia cầm và thỏ vào danh mục được phép xuất khẩu vào EU. Danh sách các doanh nghiệp được EU chấp thuận gần 600 doanh nghiệp chủ yếu là doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản. Thủy sản 523 doanh nghiệp; Nhuyễn thể 2 mảnh vỏ, đùi ếch, ốc: 33 doanh nghiệp; Sản phẩm chế biến động vật geletine, collagen, mật ong: 16 doanh nghiệp. |