Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 20/11/2024 17:24
Tin nóng:
Ngành Công Thương Đồng bằng sông Cửu Long: Hỗ trợ doanh nghiệp kết nối giao thương Hải Phòng: Đẩy mạnh kết nối giao thương, hỗ trợ doanh nghiệp cung ứng toàn cầu |
Hỗ trợ doanh nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm
Chia sẻ tại Tọa đàm giữa các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài nhiệm kỳ 2024-2027 với các hiệp hội và doanh nghiệp do Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức mới đây, ông Phạm Thanh Bình – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao – Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc cho biết: Thực tế hiện nay, thời lượng công việc ngoại giao phục vụ kinh tế của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài chiếm đến 50%, đặc thù có những địa bàn chiếm tới 70-80% thời lượng công việc dành cho ngoại giao phục vụ kinh tế.
“Làm công tác đối ngoại phải ra sản phẩm, tạo ra của cải vật chất, những người làm công tác đối ngoại tự hào về sự lớn mạnh của doanh nghiệp Việt Nam, để lại dấu ấn Việt Nam không chỉ trong kinh doanh, mà còn đóng góp vào hình ảnh, vị thế đất nước trong công tác đối ngoại” – Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Thanh Bình chia sẻ thêm.
Thời gian tới, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu. Ảnh ST |
Liên quan đến ngoại giao kinh tế, bà Đoàn Phương Lan – Vụ trưởng Vụ Tổng hợp kinh tế - Bộ Ngoại giao cho rằng: Hỗ trợ doanh nghiệp là trung tâm của ngoại giao kinh tế và trong các kế hoạch công tác của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài thì hỗ trợ doanh nghiệp cũng là nhiệm vụ trọng tâm.
“Thời gian tới, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, duy trì tăng trưởng xuất khẩu tại các thị trường chủ chốt thông qua những kế hoạch và hành động cụ thể” – bà Đoàn Phương Lan cho biết thêm.
Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt, trọng tâm của hoạt động đối ngoại chính là ngoại giao kinh tế. Trong hơn 40 hoạt động đối ngoại cấp cao từ đầu năm 2024 đến nay, có nhiều hoạt động xúc tiến, quảng bá ở nước ngoài, qua đó góp phần hiện thực hóa các cam kết cấp cao, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam.
Năm 2025, Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt dự báo, tình hình kinh tế thế giới và khu vực tiếp tục phức tạp, khó lường, song vẫn đem lại những cơ hội mới. Trong đó nổi bật có 2 điểm: Thứ nhất, sự xuất hiện của các xu thế phát triển mới của kinh tế thế giới, gắn với sự phát triển xanh, phát triển số, khoa học – công nghệ và đổi mới sáng tạo. Thứ hai, sự hứng khởi, quan tâm và đánh giá cao của các đối tác, đặc biệt doanh nghiệp nước ngoài về điều hành vĩ mô của Chính phủ, quyết tâm hoàn thiện thể chế, đổi mới sáng tạo, đánh giá cao cơ hội của Việt nam trong các xu thế mới.
“Năm 2025 cũng là năm tăng tốc, bứt phá, quyết định kết quả thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025. Trên cơ sở các thành tựu về kinh tế - xã hội và đối ngoại thời gian qua, Bộ Ngoại giao và mạng lưới 93 Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài sẽ tiếp tục triển khai quyết liệt công tác ngoại giao kinh tế, đặc biệt trong tạo dựng môi trường ổn định và thuận lợi; huy động mọi nguồn lực phục vụ thương mại, đầu tư và thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới” – Thứ trưởng Đỗ Hùng Việt khẳng định.
Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài là hỗ trợ kết nối giao thương. Ảnh ST |
Khẳng định vai trò của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài
Thực tế thời gian qua, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam đã nhận được sự hỗ trợ tích cực của các Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài trong việc cung cấp thông tin, thâm nhập thị trường xuất khẩu.
Theo ông Lê Anh Tuấn – Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro): Nhờ có Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại UAE mà sản phẩm gạo Việt Nam mang thương hiệu Hapro đã có thể xuất hiện trên kệ tại các siêu thị của UAE từ rất sớm.
Còn theo ông Trương Văn Cẩm – Phó chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS): Từ chỗ chưa có tên trong bản đồ xuất khẩu dệt may thế giới, đến nay ngành dệt may Việt Nam đã vươn lên vị trí 3 thế giới sang Trung Quốc và Bangladesh.
“Để có được kết quả trên, bên cạnh lợi ích từ tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam thì sự hỗ trợ của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài đóng một vai trò hết sức quan trọng” – ông Trương Văn Cẩm thông tin.
Để tiếp tục thâm nhập thị trường xuất khẩu, đại diện nhiều doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp bày tỏ mong muốn tiếp tục nhận được sự hỗ trợ của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, trong đó đặc biệt là vấn đề chia sẻ thông tin, kết nối thị trường.
Cụ thể, ông Nguyễn Vân - Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp ngành công nghiệp hỗ trợ Hà Nội (HANSIBA) đề nghị các đại sứ, trưởng cơ quan đại diện cần tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối giới thiệu các đối tác có nhu cầu hợp tác đầu tư, sản xuất, chuyển giao công nghệ, tài trợ nguồn vốn đầu tư với các doanh nghiệp ngành công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ trong nước.
Bên cạnh đó cần quan tâm, thực hiện các thủ tục hành chính về thị thực, visa… cho các đoàn đối tác, các doanh nghiệp, doanh nhân đối tác khi có chương trình sang Việt Nam công tác. Phối hợp với các bộ, ngành trong nước như Tổng cục Hải quan, Bộ Công Thương, Bộ Khoa học và Công nghệ… để thẩm định, kịp thời thông quan cho các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ khi nhập khẩu các máy móc, thiết bị sản xuất chế biến chế tạo về Việt Nam.
Khẳng định, nhiệm vụ trọng tâm của các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài là hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp, tuy nhiên, để công tác hỗ trợ đạt hiệu quả cao, các Trưởng Cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cũng cần chủ động tìm hiểu thông tin, tìm hiểu những quy định tại thị trường nhập khẩu để đáp ứng tốt hơn nhu cầu thị trường, đồng thời tránh được những rủi ro cho doanh nghiệp.