Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 15/11/2024 21:37
Tin nóng:
Sở Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, chương trình Mỗi xã một sản phẩm (chương trình OCOP) là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới; phát triển các sản phẩm OCOP gia tăng giá trị từ chính những sản phẩm, dịch vụ lợi thế mang giá trị tri thức địa phương, cộng đồng, làng nghề. Chương trình được triển khai tại tỉnh Thừa Thiên Huế từ năm 2018 theo khung chương trình chung của cả nước.
Bộ sản phẩm Rổ rá của Hợp tác xã mây tre đan Bao La tham gia giới thiệu, kết nối cung cầu. Ảnh: Nguyễn Tuấn |
Đến nay, đã có 7 làng nghề truyền thống/20 làng nghề truyền thống được công nhận đã có sản phẩm OCOP. Tiêu biểu như làng nghề truyền thống mây tre đan Bao La đã có sản phẩm OCOP 4 sao (và là sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao; làng nghề dệt dèng truyền thống tại A Lưới có sản phẩm OCOP 4 sao (sản phẩm Khăn choàng dèng Nhâm); làng nghề nước mắm An Dương, xã Phú Thuận; làng nghề nước mắm Tân Thành, (xã Quảng Công) có sản phẩm OCOP tiềm năng 5 sao …
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Hồ Đăng Khoa – Chi cục Trưởng Chi cục phát triển nông thôn – Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thừa Thiên Huế cho biết, lợi thế của địa phương với nhiều ngành nghề truyền thống, làng nghề truyền thống nổi tiếng, có bề dày lịch sử và kỹ xảo nghề đặc trưng. Qua đó, tỉnh Thừa Thiên Huế đã rất quan tâm để hỗ trợ, chuẩn hóa, phát triển các sản phẩm OCOP từ các nghề, làng nghề truyền thống. Khi tham gia chương trình OCOP, sản phẩm làng nghề được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn, quy chuẩn sản phẩm hàng hóa, phù hợp thị trường và dựa trên giá trị truyền thống của địa phương thông qua giá trị đặc trưng khác biệt từ chính câu chuyện sản phẩm.
Qua đó đã đạt một số kết quả như, tại các kỳ tổ chức Festival nghề truyền thống Huế, các sản phẩm làng nghề truyền thống đã được quảng bá đến với người tiêu dùng và khách du lịch với mẫu mã phong phú đa dạng và đậm nét văn hóa độc đáo, góp phần khẳng định và nâng cao vị thế văn hóa Huế, văn hóa di sản. Một số tour du lịch làng nghề lồng ghép, kết hợp với phát triển du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng tại các làng nghề…
Tuy nhiên, theo ông Hồ Đăng Khoa việc phát triển nghề, làng nghề truyền thống gắn với chương trình OCOP gặp những khó khăn, hạn chế.
Sản xuất tại làng nghề tại địa phương có quy mô hộ gia đình không đăng ký kinh doanh là chủ yếu, sản xuất nhỏ lẻ, manh mún; thiết bị công nghệ lạc hậu; năng lực trình độ tổ chức sản xuất còn yếu, thiếu tính liên kết và hợp tác trong sản xuất. Do đó, một số làng nghề hiện đang hoạt động cầm chừng, khó khôi phục; thị trường tiêu thụ sản phẩm làng nghề ngày càng bị thu hẹp, sản phẩm làng nghề không có sức cạnh tranh với các sản phẩm thay thế hoặc hàng ngoại nhập nên người lao động bỏ nghề, chuyển đổi sang nghề khác, làng nghề hoạt động khó khăn. Bên cạnh đó, năng lực xúc tiến thương mại của các sản phẩm làng nghề còn yếu, chưa theo kịp với nhu cầu thị trường.
Một số nghề, làng nghề truyền thống như: Gốm Phước Tích, Phong Hòa, Rèn Hiền Lương, Phong Hiền, chài lưới… chỉ mang tính chất tượng trưng bảo tồn nghề truyền thống, không thu hút nhiều hộ, lao động tham gia và mang lại hiệu quả kinh tế không cao.
Ngoài ra, cơ sở hạ tầng giao thông, điện, công nghiệp... phát triển chưa đồng bộ, công tác đầu tư phát triển hạ tầng còn nhiều hạn chế đặc biệt là hạ tầng cho các cụm công nghiệp, làng nghề ở các huyện và thị xã.
Thời gian tới, Ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề, làng nghề truyền thống gắn với chương trình OCOP và du lịch nông thôn. Khôi phục, bảo tồn các nghề truyền thống, làng nghề truyền thống có nguy cơ mai một, thất truyền; hỗ trợ phát triển các làng nghề, làng nghề truyền thống đang hoạt động hiệu quả và làng nghề mới; lồng ghép và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển du lịch nông thôn như tăng cường huy động các nguồn lực xã hội, nguồn tài trợ của các tổ chức hợp tác quốc tế.
Ngoài ra, rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách liên quan đến bảo tồn, phát triển làng nghề nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho đầu tư và phát triển nghề, làng nghề. Đẩy mạnh công tác ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong phát triển sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP gắn với du lịch trong xây dựng nông thôn mới hiệu quả, phù hợp với tình hình từng địa phương và năng lực số của người vận hành, người sử dụng.
Công tác chuyển đổi số cần diễn ra trên toàn bộ các hoạt động, trước hết là công tác quảng bá, truyền thông và kinh doanh trên các nền tảng số, mạng xã hội. Tiếp tục hỗ trợ cho chủ thể sản xuất tại cơ sở nghề, nghề truyền thống, làng nghề truyền thống tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm; tăng cường xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm làng nghề, sản phẩm OCOP làng nghề đạt chuẩn để tiêu thụ và phục vụ khách du lịch…, ông Khoa cho biết thêm.