Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 15/11/2024 00:08
Tin nóng:
Trung Quốc giảm nhập khẩu hồ tiêu Việt Nam, Indonesia vươn lên dẫn đầu 10 tháng, Việt Nam chi 108 triệu USD để nhập khẩu hồ tiêu |
Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Indonesia (BPS), Indonesia đã xuất khẩu 8.179 tấn hồ tiêu trong tháng 9 năm 2024, tăng 93% so với tháng trước và gấp 4,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ yếu là do xuất khẩu sang Việt Nam tăng đột biến 3,8 lần so với tháng trước và gấp 23,5 lần cùng kỳ năm ngoái, đạt 3.934 tấn. Đây cũng là lượng tiêu lớn nhất mà Việt Nam nhập khẩu từ Indonesia trong 4 năm qua, kể từ tháng 9/2020.
Giá tiêu nhập khẩu của Việt Nam từ Indonesia trong tháng 9 đạt bình quân 5.919 USD/tấn, tăng 0,6% so với tháng trước và tăng 41,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn thấp hơn mức giá bình quân 6.459 USD/tấn mà Việt Nam đã xuất khẩu ra thị trường quốc tế trong cùng thời gian.
Tính chung 9 tháng đầu năm, Indonesia đã xuất khẩu 35.249 tấn hồ tiêu, tăng mạnh 85,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đà tăng trưởng này được hỗ trợ bởi một vụ tiêu đen lớn hơn và giá tăng nhanh đã thúc đẩy hoạt động thanh lý các kho dự trữ dài hạn.
Trong đó, Việt Nam là thị trường nhập khẩu lớn nhất, với khối lượng đạt 9.452 tấn, tăng 3,4 lần (240,9%) so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm 26,8% thị phần. Tiếp đến là thị trường Trung Quốc đạt 5.877 tấn, tăng 64,3% và chiếm 16,7%; Mỹ đạt 5.004 tấn, tăng 68,3% và chiếm 14,2%...
Việt Nam là thị trường nhập khẩu hồ tiêu lớn nhất của Indonesia, với khối lượng đạt 9.452 tấn, tăng 240,9% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Thu Trang |
Tại thị trường nội địa Việt Nam, giá tiêu vẫn đang chịu áp lực khi nhu cầu chậm lại, trong khi người bán tìm cách huy động vốn để đầu tư vào cà phê, loại nông sản đang trong mùa thu hoạch. Mặc dù vậy, nguồn cung hạn chế giúp cho giá tiêu vẫn đang cao hơn khoảng hơn 70% so với đầu năm và gấp đôi cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong tháng 10, xuất khẩu hồ tiêu của Việt Nam đạt 18.415 tấn, trị giá 120,6 triệu USD, tăng 7,7% về lượng và 9,1% về trị giá so với tháng trước, đồng thời so với cùng kỳ năm ngoái giảm 4,8% về lượng và tăng tới 65,3% về trị giá.
Luỹ kế trong 10 tháng đầu năm, xuất khẩu mặt hàng gia vị này đạt 218.732 tấn, trị giá 1,11 tỷ USD, giảm 3% về lượng nhưng tăng đến 47% về trị giá so với cùng kỳ năm 2023.
Như vậy, mới hết 10 tháng nhưng ngành tiêu đã trở lại top câu lạc bộ xuất khẩu tỷ đô sau 6 năm rời xa mốc này. Kết quả này cũng giúp cho hồ tiêu trở thành mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất kể từ đầu năm đến nay.
Chủ yếu là nhờ giá tiêu xuất khẩu trong 10 tháng tăng 51,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 5.077 USD/tấn.
Chỉ tính riêng trong tháng 10, giá tiêu xuất khẩu bình quân lên tới 6.548 USD/tấn, tăng 1,4% so với tháng trước và tăng 73,6% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giá cao nhất đạt được trong 8 năm qua, kể từ tháng 1/2017.
Ông Phan Minh Thông - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Phúc Sinh cho rằng, ngành hồ tiêu Việt Nam đang được hưởng lợi nhờ giá xuất khẩu ở mức cao do nguồn cung hạn chế.
Theo đó, năm nay nông dân trồng tiêu được hưởng lợi nhờ giá bán tăng quá cao. Ngược lại, doanh nghiệp xuất khẩu lại không mua được nhiều tiêu trong nước. Đây cũng là một phần lý do Phúc Sinh đã phải nhập khẩu hồ tiêu rất nhiều từ Brazil và Indonesia trong năm nay.
Nguyên nhân là bởi, sản lượng giảm, bà con giữ hạt tiêu lại đầu cơ. Cùng với đó, tình trạng hạn hán kéo dài khiến nguồn cung hồ tiêu trong nước ngày càng khó khăn.
Ông Hoàng Phước Bính, Phó Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu Chư Sê (Gia Lai), cho biết, giá tiêu ở Việt Nam giảm là do Indonesia vừa vào vụ thu hoạch. Mặt khác, do đang vào đầu vụ cà phê nên nhiều đại lý tranh thủ bán ra hạt tiêu trong kho để mua cà phê.
Ông Bính dự báo giá tiêu vụ 2025 sẽ cao hơn vụ 2024 (lúc cao nhất là 160 nghìn đồng/kg). Nguyên nhân trước hết là do nắng nóng kéo dài đầu năm 2024 đang ảnh hưởng lớn tới năng suất cây hồ tiêu, dẫn tới sản lượng năm 2025 tiếp tục giảm.
Không chỉ Việt Nam, sản lượng cũng được dự báo giảm ở nhiều nước khác. Trong khi đó, phần lớn người trồng tiêu ở Việt Nam hiện đều có nguồn thu khác từ cà phê, sầu riêng …, nên không vội bán ra sau khi thu hoạch mà sẽ chờ đến khi thấy giá tốt hơn thì mới bán.
Về thị trường thế giới, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, trong ngắn hạn, giá tiêu thế giới sẽ biến động theo xu hướng giảm. Tuy nhiên, xu hướng giảm sẽ không kéo dài do nguồn cung hạn chế, nhu cầu nhập khẩu tăng theo yếu tố mùa vụ.
Tại các thị trường nhập khẩu lớn, nhu cầu tăng tại Mỹ, EU và châu Á, nhưng tại Trung Đông và Trung Quốc vẫn trầm lắng. Mức tồn kho giảm đáng kể khiến người dân và các đại lý hạn chế bán ra.
Hiện Brazil đang là quốc gia sản xuất và xuất khẩu hạt tiêu đen lớn thứ hai thế giới, chiếm 17-18% nguồn cung toàn cầu. Tuy nhiên, do sản lượng giảm, xuất khẩu hạt tiêu của Brazil vụ mùa 2024 giảm năm thứ 3 liên tiếp.
Trong khi đó, vụ mùa hạt tiêu mới 2025 của Việt Nam dự kiến sẽ chậm hơn 1 tháng. Điều này sẽ tạo sự thiếu hụt nhất định về nguồn cung, qua đó sẽ tác động tích cực lên giá hạt tiêu thế giới.