Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 12/12/2024 23:53
Tin nóng:
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), ký kết vào cuối tháng 10/2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ thương mại song phương, đặc biệt mở ra cơ hội lớn cho ngành cá ngừ Việt Nam. Với nhu cầu ngày càng cao về thủy sản cao cấp như cá ngừ và tôm, UAE được xem là thị trường giàu tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá ngừ sang UAE đã đạt gần 4 triệu USD trong năm 2023, tăng 139% so với năm 2019, dù chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. CEPA dự kiến loại bỏ thuế nhập khẩu 5%, đơn giản hóa thủ tục hải quan, giúp giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh cho cá ngừ Việt Nam.
UAE, với nền kinh tế ổn định và mức sống cao, là thị trường lý tưởng cho thủy sản nhập khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa ưu đãi từ CEPA, doanh nghiệp Việt cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm giá trị gia tăng và quảng bá thương hiệu. Dù vậy, thách thức từ rào cản kỹ thuật và cạnh tranh gay gắt cũng đặt ra yêu cầu cao về chiến lược phát triển dài hạn.
Với lợi thế từ CEPA, ngành cá ngừ Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào UAE, gia tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Brazil, thành viên chủ chốt của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR – Mơ cô sua) với 300 triệu người tiêu dùng, tiếp tục khẳng định vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Năm 2024, quốc gia này trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ.
Theo Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt 104 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Riêng tháng 10/2024, con số này đạt hơn 15 triệu USD, tăng 15% so với tháng 10/2023. Đáng chú ý, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất cho Brazil, chiếm 36% tổng giá trị nhập khẩu, với mã phile cá tra đông lạnh được ưa chuộng nhất, đạt 86 triệu USD, tăng 56%.
Năm nay, kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Brazil đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Việc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – MERCOSUR đang được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, giảm rào cản thuế quan, và mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra sang khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới, nơi Brazil là nền kinh tế lớn nhất với nhu cầu thủy sản ngày càng cao.
Giá cà phê nhân xô tuần qua tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục hơn 128.000 đồng/kg, vượt xa mức giá cùng kỳ các năm trước.
Ghi nhận ngày 30/11, khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh tại các địa phương. Mức giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 131.000 đồng/kg
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho hay nguồn cung cà phê năm nay thấp do tình trạng chuyển đổi cây trồng của nông dân và sản lượng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, khô hạn. Đồng thời, nguồn cung cà phê Brazil - quốc gia sản xuất lớn cũng giảm trong niên vụ tới, khiến giá cà phê quốc tế tăng, kéo theo giá trong nước cũng đi lên.
Việt Nam - nhà sản xuất robusta lớn nhất thế giới - tháng 10 vừa qua xuất khẩu mặt hàng này giảm 11,6% so với tháng trước và giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Mưa lớn tại các vùng trồng cà phê đã gây chậm trễ thu hoạch, trong khi sản lượng robusta niên vụ 2023-2024 giảm 20%, mức giảm mạnh nhất trong 4 năm qua, đẩy giá robusta lên cao.
Cơn sốt giá cà phê được cho là bắt nguồn từ sự gia tăng thu mua mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc. Gần đây, Luckin Coffee, một hãng cà phê lớn của Trung Quốc, đã ký thỏa thuận với các nhà cung cấp Brazil để mua 240.000 tấn cà phê mỗi năm trong giai đoạn từ 2025 đến 2029.
Liên minh châu Âu (EU), hiện là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với tăng trưởng vượt bậc nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – EU (EVFTA). Sau 4 năm thực thi EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều tăng từ gần 49 tỷ USD lên gần 64 tỷ USD. Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực như công nghiệp, máy móc, nông sản, thủy sản đã tận dụng tốt ưu đãi thuế quan.
Ở chiều ngược lại, thông qua EVFTA, Việt Nam cũng đã đẩy mạnh nhập khẩu chủ yếu những nhóm hàng nguyên liệu để phục vụ sản xuất trong nước.
Tuy nhiên, hiện nay hàng hóa Việt Nam đang đối mặt với thách thức lớn từ chính sách xanh của EU, đặc biệt là Kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn (CEAP). Là một phần của Thỏa thuận Xanh châu Âu, CEAP đặt mục tiêu giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 với loạt quy định khắt khe áp dụng cho 7 lĩnh vực, gồm nhựa, dệt may, nông nghiệp và điện tử – các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Để đáp ứng các tiêu chuẩn này, doanh nghiệp Việt Nam buộc phải đầu tư nâng cấp công nghệ, cải thiện quy trình sản xuất, đồng thời đối mặt với chi phí tăng cao và cạnh tranh gay gắt. Dù vậy, nếu thích ứng tốt, doanh nghiệp không chỉ giữ vững thị phần tại EU mà còn nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đóng góp vào phát triển bền vững và khai thác tối đa lợi ích từ EVFTA.