Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 14:43
Tin nóng:
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường Hoa Kỳ tăng 10% Xuất khẩu thủy sản: Vượt sóng gió phòng vệ thương mại, vươn mình tỏa sáng Xuất khẩu tôm của Việt Nam tăng 13% |
Tôm chế biến: Điểm sáng trong bức tranh chung
Cả nước trong năm qua đã hứng chịu những diễn biến thời tiết cực đoan. Miền Trung nắng nóng kéo dài, Tây Nguyên hạn hán gay gắt, Đồng bằng sông Cửu Long đối mặt với tình trạng xâm nhập mặn, và các tỉnh phía Bắc liên tục hứng chịu bão lũ. Những diễn biến này đã gây ra thiệt hại nặng nề cho các vùng nuôi tôm, ảnh hưởng trực tiếp đến sản lượng và chất lượng tôm.
Bên cạnh những thách thức từ thiên nhiên, ngành tôm Việt Nam còn phải đối mặt với những áp lực từ thị trường quốc tế. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, lạm phát tăng cao tại các thị trường nhập khẩu chính, cùng với dịch bệnh tôm phức tạp đã khiến cho hoạt động xuất khẩu gặp nhiều khó khăn.
Mặc dù vậy, theo dự báo, sản lượng tôm toàn cầu sẽ có sự phục hồi vào cuối năm 2024 và ổn định trở lại vào năm 2025. Tuy nhiên, xuất khẩu tôm đông lạnh vẫn chịu áp lực lớn từ giá cả cạnh tranh với các quốc gia như Ecuador và Ấn Độ.
Dự báo, sản lượng tôm toàn cầu sẽ có sự phục hồi vào cuối năm 2024 và ổn định trở lại vào năm 2025. Ảnh: VASEP |
Dù đối mặt với nhiều khó khăn, tôm chế biến của Việt Nam vẫn giữ được vị thế tốt trên thị trường quốc tế. Do vậy, xuất khẩu tôm chân trắng chế biến vẫn tăng gần 10%, trong khi xuất khẩu tôm chân trắng đông lạnh tăng nhẹ hơn với mức 4,5%. Sản lượng tôm nước lợ của Việt Nam đã vượt 1,1 triệu tấn trong 3 quý đầu năm 2024. Tính đến đầu tháng 10, xuất khẩu tôm đã mang về cho Việt Nam gần 3 tỷ USD, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này cho thấy, chất lượng và uy tín của tôm Việt Nam vẫn được người tiêu dùng quốc tế tin tưởng.
Đáng chú ý, ngày 22/10/2024, một tin vui lớn đã đến với ngành tôm Việt Nam khi Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) công bố kết quả cuối cùng của cuộc điều tra về thuế chống bán phá giá (AD) và thuế chống trợ cấp (CVD) đối với tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu.
Theo đó, mức thuế mà Việt Nam phải chịu thấp hơn đáng kể so với các đối thủ cạnh tranh trực tiếp như Ấn Độ và Ecuador. Quyết định này được xem là một tín hiệu tích cực, mở ra nhiều cơ hội mới cho ngành tôm Việt Nam trong thời gian tới.
Việc Hoa Kỳ áp dụng mức thuế cao hơn đối với tôm nhập khẩu từ Ấn Độ và Ecuador sẽ khiến giá thành sản phẩm của các nước này tăng lên đáng kể, giảm đi tính cạnh tranh trên thị trường Mỹ. Ngược lại, với mức thuế thấp hơn, tôm Việt Nam sẽ có lợi thế về giá cả, từ đó thu hút được nhiều đơn hàng hơn.
Cùng với quyết định của DOC, mùa lễ hội cuối năm cũng là một yếu tố thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ tôm tăng cao. Đây là cơ hội vàng để các doanh nghiệp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu, đặc biệt là các sản phẩm tôm chế biến sâu, đáp ứng nhu cầu đa dạng của thị trường. Với những lợi thế hiện có, ngành tôm Việt Nam đang ngày càng tiến gần hơn tới mục tiêu xuất khẩu 10 tỷ USD.
Cơ hội lớn từ Hiệp định CEPA
Bên cạnh những cơ hội trên, Việt Nam và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) vừa chính thức ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện (CEPA), mở ra một chương mới đầy triển vọng cho ngành thủy sản, đặc biệt là tôm Việt Nam tại thị trường Trung Đông.
Với việc UAE cam kết xóa bỏ thuế quan ngay khi Hiệp định có hiệu lực đối với nhiều ngành hàng chủ lực của Việt Nam, trong đó có thủy sản, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm sẽ có thêm nhiều lợi thế cạnh tranh. Việc loại bỏ thuế quan sẽ giúp giảm đáng kể chi phí sản xuất và xuất khẩu, tăng tính cạnh tranh của tôm Việt Nam so với các đối thủ.
UAE là một trong những trung tâm thương mại lớn của khu vực Trung Đông, việc thâm nhập thị trường này sẽ giúp tôm Việt Nam tiếp cận được với nhiều khách hàng tiềm năng hơn.
Hiệp định CEPA được đánh giá là một FTA mang tính đột phá, mở ra nhiều cơ hội mới cho doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp trong ngành thủy sản. Tuy nhiên, bên cạnh những cơ hội, các doanh nghiệp cũng phải đối mặt với không ít thách thức. UAE là một thị trường rất cạnh tranh, với sự tham gia của nhiều quốc gia có sản phẩm thủy sản chất lượng cao. Ngoài ra, với các nước Ả rập thì yêu cầu về chứng chỉ Halal rất quan trọng nhưng do đây không phải là thị trường truyền thống nên doanh nghiệp cần nỗ lực hơn nữa để có thể cạnh tranh với các nước khác vốn đã quen với các quy định nhập khẩu này từ rất lâu.
Để tận dụng tối đa cơ hội từ CEPA và vượt qua những thách thức, các doanh nghiệp thủy sản Việt Nam cần tập trung vào sản xuất các sản phẩm tôm chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường UAE và các tiêu chuẩn Halal. Đầu tư vào xây dựng thương hiệu, tạo dựng lòng tin cho người tiêu dùng. Ngoài ra, các doanh nghiệp xuất khẩu cần đa dạng hóa sản phẩm, không chỉ tập trung vào các sản phẩm truyền thống mà cần không ngừng đổi mới, sáng tạo, đưa ra thị trường những sản phẩm mới, có giá trị gia tăng cao. Áp dụng khoa học công nghệ hiện đại vào sản xuất, tối ưu hóa quy trình, giảm thiểu lãng phí. Tích cực xây dựng hệ thống chứng nhận Halal cho các sản phẩm tôm, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của thị trường.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), UAE hiện nằm trong số 20 thị trường lớn nhất của tôm Việt Nam, với kim ngạch trên dưới 20 triệu USD/năm. Trong giai đoạn từ 2018 - 2022, UAE đứng thứ 16 trong những thị trường xuất khẩu tôm Việt Nam, chiếm khoảng 0,5% tổng kim ngạch xuất khẩu tôm đi các thị trường. Tuy là thị trường nhỏ, nhưng UAE được coi là thị trường tiềm năng vì nhu cầu tiêu thụ thủy sản trong đó có tôm ngày một tăng và nhất là khi Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA) vừa mới được ký kết, mở thêm cơ hội cho xuất khẩu tôm sang thị trường này. 9 tháng đầu năm nay, kim ngạch xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt 7,4 triệu USD, chiếm tỷ trọng 0,3% và tăng trưởng 34% so với cùng kỳ năm 2023. Sản phẩm tôm xuất khẩu chính sang thị trường này gồm: tôm sú tươi đông lạnh, tôm chân trắng PDTO hấp đông lạnh, tôm EZP tươi đông lạnh, tôm sú nguyên con đông lạnh, tôm chân trắng hấp đông lạnh, tôm PD tươi đông lạnh, tôm chân trắng tẩm bột đông lạnh, tôm chân trắng tươi đông lạnh, tôm chân trắng Nobashi tươi đông lạnh... Như vậy, có thể kỳ vọng với Hiệp định CEPA mới được ký kết, tôm Việt Nam sẽ được hưởng ưu đãi thuế cao nhất, sớm nhất, để có thể tăng thị phần tại thị trường này. |