Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 28/11/2024 11:24
Tin nóng:
Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định RCEP Hiệp định RCEP: Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam RCEP: Sức bật mới giúp doanh nghiệp tiến vào chuỗi cung ứng |
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là một hiệp định thương mại tự do (FTA) giữa 10 nước ASEAN và 5 đối tác là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Hiệp định chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử.
Mặc dù thời gian qua, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường RCEP có nhiều khởi sắc và dư địa mở rộng thị trường còn rất lớn, song cũng tồn tại những khó khăn, hạn chế không nhỏ chờ đón doanh nghiệp nước ta. Một trong những thách thức lớn nhất là hàng hóa xuất khẩu bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại và các rào cản kỹ thuật khác.
Theo thống kê, chỉ riêng trong ASEAN, 4 nước gồm Malaysia, Indonesia, Philippines và Thái Lan đã điều tra tới 52 vụ việc phòng vệ thương mại với hàng hóa Việt Nam.
Hàn Quốc đã điều tra và áp dụng 4 biện pháp chống bán phá giá với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Thị trường Australia đã điều tra 18 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Đại diện Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương phổ biến về quy định phòng vệ thương mại trong RCEP - Ảnh: Mai Hương |
Quy định về lĩnh vực phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP được nêu tại Chương 7, trong đó có một số vấn đề kỹ thuật phức tạp như quy định cấm áp dụng phương pháp tính toán quy về 0 (zeroing), nghĩa vụ công bố các dữ kiện trọng yếu và xử lý thông tin mật trong điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp và các cam kết cụ thể về biện pháp tự vệ RCEP chuyển tiếp.
Để triển khai các quy định này và hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các ưu đãi của Hiệp định cũng như chủ động bảo vệ sản xuất trong nước trong quá trình thực thi, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 07/2022/TT-BCT ngày 23/3/2022 hướng dẫn thực hiện các biện pháp phòng vệ thương mại trong Hiệp định RCEP. Thông tư số 07/2022/TT-BCT gồm 4 Chương 15 Điều.
Phân tích nguyên nhân khiến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam bị điều tra phòng vệ thương mại ngày càng nhiều, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) cho rằng, Việt Nam là nền kinh tế mở, đặc biệt là khi Việt Nam đã và đang tham gia đàm phán, ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do quan trọng, mở ra cơ hội lớn cho xuất khẩu.
Tuy nhiên, sự vươn lên của các trung tâm sản xuất hàng hóa mới nổi như Việt Nam với thế mạnh hàng hóa có giá cả phải chăng, đạt tiêu chuẩn chất lượng đã làm cho nhiều thị trường nhập khẩu, đặc biệt là một số nền kinh tế phát triển áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại với tần suất cao hơn.
Thực tế hiện nay, các vụ việc có xu hướng điều tra khắt khe hơn. Các nước đang có xu hướng thắt chặt, đưa ra các yêu cầu cao hơn đối với chính phủ, doanh nghiệp bị điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại. Tính chất các vụ việc cũng sẽ ngày càng phức tạp, khó khăn hơn trong ứng phó, xử lý.
Sắt thép là một trong những mặt hàng bị điều tra phòng vệ thương mại nhiều nhất - Ảnh: Tiến Đạt |
Ông Trịnh Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại, Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, Cục Phòng vệ thương mại thường xuyên theo dõi và cung cấp danh sách cảnh báo sớm một số mặt hàng xuất khẩu có nguy cơ bị điều tra phòng vệ thương mại, điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ.
Bên cạnh việc đưa ra các cảnh báo xuất khẩu, việc cảnh báo sớm còn bao gồm nhiều hoạt động được triển khai một cách đồng bộ và thường xuyên như đào tạo, nâng cao nhận thức, kiến thức về phòng vệ thương mại một cách tổng quát và chuyên sâu cho các đối tượng liên quan như doanh nghiệp sản xuất xuất khẩu, hiệp hội, các cơ quan quản lý nhà nước liên quan tại trung ương và địa phương…
Cùng đó, Cục Phòng vệ thương mại còn phối hợp trao đổi, cung cấp thông tin về phòng vệ thương mại, như là các thay đổi trong chính sách phòng vệ thương mại trên thế giới, thay đổi về xu hướng phòng vệ thương mại hay các thông lệ quốc tế mới về phòng vệ thương mại để các doanh nghiệp, hiệp hội liên quan có sự cập nhật kịp thời.
Trong bối cảnh Hiệp định RCEP được thực thi, xuất khẩu hàng hoá Việt Nam sang thị trường nội khối gia tăng, vì thế, các nguy cơ đối diện với các biện pháp phòng vệ thương mại từ thị trường là khó tránh khỏi. Do đó, doanh nghiệp các ngành hàng cần quan tâm, tìm hiểu về quy định phòng vệ thương mại của Hiệp định RCEP.
Đồng thời, cần lưu ý xu hướng, thị hiếu tiêu dùng, đặc biệt là những yêu cầu về tiêu dùng xanh, tiêu dùng sạch, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong chế biến, đóng gói, bảo quản sản phẩm, đồng thời áp dụng chiến lược quảng bá và xây dựng thương hiệu theo phân khúc thị trường phù hợp.