Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 16/04/2025 11:39
Tin nóng:
Thị trường Tết: Đặc sản vùng miền, sản phẩm OCOP sôi động trên chợ mạng Đặc sản Tây Bắc bỗng 'nóng' chợ mạng, giá 'leo thang' Bào ngư - hải sản thượng hạng nay giá rẻ bất ngờ |
Phá vỡ thế “bao vây” của địa lý và thị trường
Bù Đốp - huyện biên giới tỉnh Bình Phước với hơn 17% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số: S’tiêng, Khơme, Tày, Nùng,… một vùng đất tưởng chừng nằm ngoài lề của cuộc cách mạng số. Thế nhưng chính nơi đây, giữa những khó khăn về địa hình, trình độ và hạ tầng, lại đang là địa phương tiêu biểu trong việc phát triển mô hình kinh doanh hiện đại, đầy tiềm năng trên Chợ trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện là một trong những đơn vị tiên phong tham gia mô hình này. Gắn bó với đất đai, phát triển các loại cây ăn quả trên quy mô lớn và đầu tư vào chế biến sâu, hợp tác xã này không chỉ dừng lại ở việc sản xuất mà còn mạnh dạn chuyển mình sang hình thức bán hàng online, từng bước làm chủ công nghệ.
“Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước đã hỗ trợ chúng tôi tham gia mô hình chợ trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Nhờ vậy, hợp tác xã có thêm nhiều cơ hội giới thiệu, quảng bá và tiêu thụ các sản phẩm đặc trưng như mít ruột đỏ tươi, mít sấy dẻo, cây mít giống ruột đỏ, ổi, pate từ mít non…” - ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc hợp tác xã chia sẻ.
![]() |
Ông Nguyễn Viết Vị, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã Thương mại - Dịch vụ Phước Thiện bên giống mít ruột đỏ PT79. Ảnh: Trúc Mai |
Cũng trong dòng chảy chuyển đổi số ấy, Hợp tác xã bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng ở huyện Phú Riềng đang cho thấy sự nhanh nhạy với thời cuộc. Không chỉ dừng lại ở hình thức bán hàng truyền thống, hợp tác xã đã tích cực tham gia các phiên chợ trực tuyến được tổ chức định kỳ bởi Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước.
“Tham gia các phiên chợ trực tuyến giúp hợp tác xã linh hoạt hơn trong thời đại công nghệ thông tin. Đây là cơ hội tốt để tìm kiếm đại lý cấp 1, đưa trái bơ sáp Bình Phước đến với khách hàng ở nhiều nơi khác” - ông Dường Nhộc Sáng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã Mã Dưỡng nhấn mạnh.
Không riêng gì hai đơn vị nói trên, hàng loạt hợp tác xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số khác trên địa bàn tỉnh Bình Phước cũng đang chủ động tiếp cận mô hình phiên chợ trực tuyến như một cách để “phá vỡ thế bao vây” của địa lý và thị trường.
Hợp tác xã hồ tiêu hữu cơ Lộc Quang đưa các sản phẩm hạt tiêu và bột tiêu sấy thăng hoa lên gian hàng mạng. Hợp tác xã Thành Phương quảng bá dưa lưới Queen. Hợp tác xã cây ăn trái Bàu Nghé giới thiệu sầu riêng chín tươi và sầu riêng sấy. Hợp tác xã măng tre Thành Tâm đưa lên măng tre tươi, sấy khô và các sản phẩm chế biến như muối dưa. Hợp tác xã Phước Hưng chọn “đánh bóng” đặc sản hạt điều rang muối… Tất cả đều đang hòa nhịp vào một kênh tiêu thụ mới - chợ trực tuyến dành riêng cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
![]() |
Ông Dường Nhộc Sáng, Chủ tịch HĐQT, Giám đốc Hợp tác xã bơ sáp cao cấp Mã Dưỡng. Ảnh: TL |
Đưa nông sản “vươn xa”
Tại đây, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước, đơn vị giữ vai trò “nhạc trưởng” trong bản hòa tấu chuyển đổi số này cho biết, các phiên chợ trực tuyến được tổ chức đều đặn hàng năm, mỗi phiên kéo dài khoảng 90 phút và được livestream trực tiếp trên fanpage của Liên minh Hợp tác xã tỉnh, fanpage của Đài Phát thanh - Truyền hình và Báo Bình Phước, kênh Youtube của các đơn vị… Qua đó, các hợp tác xã không chỉ được quảng bá rộng rãi mà còn trực tiếp tương tác với khách hàng tiềm năng, nhận phản hồi tức thì, điều chỉnh sản phẩm và chiến lược bán hàng phù hợp hơn với thị trường.
Thành công này không đến từ sự may mắn mà là kết quả của một hành trình chuẩn bị bài bản. Trong khuôn khổ Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2025, Hệ thống Liên minh Hợp tác xã Việt Nam được giao nhiệm vụ hỗ trợ xây dựng và duy trì chợ sản phẩm trực tuyến cho vùng này. Tại Bình Phước, nơi có đến 30% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số và vị trí địa lý giáp Campuchia, mô hình chợ trực tuyến được xem là lựa chọn chiến lược để giúp kinh tế tập thể chuyển mình, thích ứng với thời đại số.
Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước đã phối hợp chặt chẽ với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Viện Khoa học Công nghệ và Môi trường (Liên minh Hợp tác xã Việt Nam) cùng các cơ quan chức năng tỉnh để tổ chức khảo sát tại 42 xã có đồng bào dân tộc thiểu số và 55 hợp tác xã tại các huyện Bù Đăng, Bù Gia Mập, Bù Đốp, Lộc Ninh, Hớn Quản. Kết quả khảo sát cho thấy phần lớn các hợp tác xã này có nền tảng công nghệ sản xuất ở mức trung bình và khá đồng đều, nhưng nhu cầu chuyển đổi số lại vô cùng bức thiết.
Từ cơ sở đó, hệ thống chợ sản phẩm trực tuyến được thiết kế bài bản, tích hợp trên nền tảng LGSP ngành công tác dân tộc, đảm bảo chia sẻ dữ liệu với hệ thống của Liên minh hợp tác xã Việt Nam theo đúng quy định tại Nghị định số 47/2020/NĐ-CP. Thông tin sản phẩm được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn GS1 về truy xuất nguồn gốc, một điểm cộng lớn giúp tạo niềm tin cho người tiêu dùng.
![]() |
Chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là cầu nối cho nông sản Bình Phước đến với người tiêu dùng. Ảnh: Hoàng Lan |
Không dừng ở kỹ thuật hạ tầng, các lớp tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng ứng dụng thương mại điện tử cho hợp tác xã và cộng đồng dân cư vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng được tổ chức đều đặn tại Bù Đăng, Bù Gia Mập. Các thiết bị hỗ trợ vận hành, máy tính, phần mềm quản lý... được cấp phát. Hợp tác xã được hướng dẫn cụ thể cách đăng ký sử dụng phần mềm, đăng tải thông tin cơ sở, sản phẩm, giấy chứng nhận, thông tin mua - bán, tìm đối tác… giúp từng bước “cởi trói” cho nông sản địa phương khỏi lối bán hàng truyền thống vốn bó hẹp trong phạm vi huyện, xã.
Sau 3 năm triển khai, phần lớn các hợp tác xã vùng dân tộc thiểu số tại Bình Phước đã nắm vững kỹ năng bán hàng trực tuyến, hiểu rõ các công cụ xúc tiến thương mại số, và quan trọng hơn cả là biết cách làm thương hiệu trên không gian mạng. Với những ưu điểm như nhanh chóng, tiện lợi, không rào cản địa lý, hình thức này dần trở thành kênh tiêu thụ quen thuộc, hấp dẫn người tiêu dùng.
“Bán hàng trực tuyến giúp hợp tác xã chúng tôi tiếp cận thị trường rộng hơn mà không cần phải qua trung gian. Điều đó giúp giảm chi phí, tăng hiệu quả kinh doanh. Sau 3 năm, chúng tôi đã tiếp cận tốt hơn với thương mại điện tử” - ông Nguyễn Viết Vị khẳng định.
Còn theo ông Dường Nhộc Sáng: “Đưa nông sản lên chợ trực tuyến không chỉ giúp bán hàng hiệu quả hơn mà còn mở ra cơ hội để tiếp cận thêm nhiều thị trường mới, nhiều nhóm khách hàng mà trước đây chúng tôi không thể với tới”.
Thói quen tiêu dùng của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số cũng đang thay đổi từng ngày. Từ chỗ e dè với công nghệ, giờ đây họ đã dần làm quen với hình thức mua sắm online, một cú chuyển mình âm thầm nhưng đầy sức nặng. Để không bị tụt lại phía sau, Liên minh Hợp tác xã tỉnh Bình Phước đã xác định rõ mục tiêu phải đẩy mạnh chuyển đổi số trong khu vực kinh tế tập thể, đưa chợ trực tuyến trở thành “sân chơi bình đẳng” cho nông sản vùng khó.
Ở nơi tưởng chừng “xa lạ” nhất với thương mại điện tử, một cuộc cách mạng đang âm thầm diễn ra. Chợ trực tuyến không chỉ mở ra cánh cửa tiêu thụ nông sản, mà còn mở ra tương lai, nơi công nghệ không còn là đặc quyền của đô thị, mà trở thành công cụ để đồng bào dân tộc thiểu số đứng vững trên chính mảnh đất của mình, đưa nông sản địa phương ra khỏi “ốc đảo”, vươn đến những thị trường lớn hơn, tiềm năng hơn.
Ngày 11/4/2025, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam đã chính thức đưa Chợ sản phẩm trực tuyến vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi (VCAMart) đi vào hoạt động. Lễ khởi động VCAMart diễn ra trong khuôn khổ Tháng Hành động hợp tác xã 2025 |