Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 15/11/2024 04:35
Tin nóng:
"Cánh cửa" mở ra thị trường tỷ đô
Ông Quyền Anh Ngọc - Trưởng phòng ASEAN, Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là hiệp định thương mại tự do lớn nhất mà Việt Nam đang tham gia. Đặc biệt, trong thành viên của RCEP có đến 4 quốc gia là đối tác chiến lược toàn diện của Việt Nam.
Hiệp định có quy mô dân số 2,2 tỷ dân, GDP trên 26.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu. Đây cũng được xem là Hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới.
RCEP là Hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới. Ảnh minh hoạ |
Trong Hiệp định RCEP, các nước cam kết xoá bỏ, cắt giảm thuế nhập khẩu, không cam kết đối với thuế xuất khẩu. Cùng đó, việc mở cửa thị trường hàng hoá tương tự các FTA ASEAN hiện hành.
Các nước ASEAN xoá bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 85,9%-100% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực. Ngoài ra, các nước đối tác xoá bỏ thuế quan cho Việt Nam khoảng 90,7%-98,3% số dòng thuế; lộ trình dài nhất từ 15-20 năm kể từ khi FTA có hiệu lực.
Một số mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu được các nước xoá bỏ thuế quan ngay sau khi Hiệp định RCEP có hiệu lực gồm thuỷ sản, thịt, rau quả, nông sản. Bên cạnh đó là một số loại máy móc, trang thiết bị cơ khí; dụng cụ phụ tùng, máy móc, máy vi tính và thiết bị linh kiện điện tử. Ngoài ra còn có một số nhóm hàng giày, dép và bộ phận, phụ kiện của giày, dép; nguyên liệu dệt, hàng dệt may, quần áo, hoá chất.
Theo số liệu thống kê của Vụ Thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công Thương), ASEAN là thị trường xuất khẩu đứng thứ 4 của Việt Nam sau Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU). 10 tháng năm 2024, Việt Nam mang về 30,6 tỷ USD từ xuất khẩu hàng hóa sang khối ASEAN, tăng 13,9% so với kỳ trước.
Tính riêng thị trường nội khối RCEP, Trung Quốc tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với 50,8 tỷ USD, tăng 2,1% so với cùng kỳ. Việt Nam thu lần lượt 21 tỷ USD và 20,2 tỷ USD từ xuất khẩu hàng hóa sang Hàn Quốc và Nhật Bản, tăng lần lượt 6,9% và 4,6% so với cùng kỳ.
Thống kê của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cũng cho thấy, năm 2023, kim ngạch xuất khẩu sang khu vực RCEP đạt khoảng 146,5 tỷ USD, chiếm 41,3% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. 6 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu sang các nước RCEP đạt 72,9 tỷ USD, tăng 8% so với năm 2023 và chiếm 39,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Tính riêng các mặt hàng nông, lâm, thủy sản: Năm 2022 (năm đầu tiên thực thi Hiệp định) đều có tăng trưởng tốt hơn so với năm 2021 (Australia tăng 49,2%; Nhật Bản tăng 27,5%; ASEAN tăng 20,4%…).
Năm 2023, xuất khẩu sang Indonesia tăng 4,5 lần so với năm 2022; Philippines tăng 15,7%; Trung Quốc tăng 15,8%... 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng nông, lâm, thủy sản sang các thị trường trong khối đều ghi nhận kết quả tích cực. Đơn cử, Trung Quốc chiếm 21,5%, Nhật Bản 6,5% thị phần xuất khẩu; tăng lần lượt 11,4% và 5,9% so với cùng kỳ.
Doanh nghiệp cần chủ động nắm bắt thông tin thị trường
Nhận định về tiềm năng và lợi thế cho hàng xuất khẩu Việt Nam, ông Quyền Anh Ngọc nhấn mạnh tới việc đa dạng hoá nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất; ưu đãi thuế nhập khẩu tại thị trường xuất khẩu. Hơn nữa, môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thuận lợi, minh bạch hơn; quy tắc xuất xứ linh hoạt. Đặc biệt là tiết kiệm thời gian và chi phí đối với việc giao dịch, thông quan cũng như phát hành hoá đơn thương mại. Cùng đó là cơ hội tham gia vào các chuỗi giá trị trong khu vực.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần nỗ lực đổi mới sáng tạo, chủ động nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia các chuỗi cung ứng mới. Bên cạnh việc phối hợp chặt chẽ với Chính phủ, hiệp hội, doanh nghiệp cần chủ động nghiên cứu nắm vững cam kết cũng như xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp để khai thác tối đa cơ hội.
Kiểm tra trái cây trước khi xuất khẩu sang Trung Quốc tại Công ty Vina T&T Group - Ảnh: Ngọc Thành |
Cũng liên quan đến vấn đề tiếp cận thị trường, ông Đào Việt Anh - Trưởng phòng Quan hệ quốc tế, Cục xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) khuyến nghị cho hàng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Theo ông, thay đổi lớn nhất trong quan hệ giao thương với Trung Quốc là sự khắt khe dần trong các tiêu chuẩn về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm và truy xuất nguồn gốc.
Quốc gia này đã dần xóa bỏ hình thức nhập khẩu tiểu ngạch, khuyến khích nhập khẩu chính ngạch. Đặc biệt, từ 1/1/2024, doanh nghiệp khi xuất khẩu nông sản thực phẩm sang thị trường Trung Quốc phải tuân thủ theo Quy định 249 (Biện pháp quản lý thực phẩm xuất nhập khẩu) và Quy định 248 (Quản lý đăng ký doanh nghiệp sản xuất thực phẩm nước ngoài nhập khẩu thực phẩm vào Trung Quốc). Điều này đã đưa thương mại tiểu ngạch về với bản chất thương mại biên giới - chỉ phù hợp cho cư dân ở vùng biên giới.
"Điều này ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh của Việt Nam với Trung Quốc. Do đó, các doanh nghiệp Việt Nam, nhất là doanh nghiệp xuất khẩu nông sản muốn xuất hàng vào thị trường này phải chấp nhận những yêu cầu về chất lượng, truy xuất nguồn gốc khắt khe không kém thị trường Âu - Mỹ. Đặc biệt, áp lực cạnh tranh với các nông sản tại Trung Quốc và đến từ các nước ASEAN khác là rất lớn", ông Đào Việt Anh nhấn mạnh.
Với những đặc thù đó, ông Đào Việt Anh khuyến nghị doanh nghiệp Việt: Chủ trương xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu; xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo tiếng Trung, có hiểu biết về văn hóa Trung Quốc; tuân thủ quy định của Trung Quốc về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm - kiểm dịch, bao bì, truy xuất nguồn gốc; đầu tư nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong sản xuất, chế biến, bảo quản sản phẩm.
Cùng với đó, xúc tiến, tích cực vận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc; khai thác thị trường thông qua các nền tảng thương mại điện tử.
Với thị trường Malaysia, ông Lê Phú Cường - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Malaysia cho rằng, các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cần đáp ứng về tiêu chuẩn chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là về chứng nhận Halal. Nếu có chứng nhận này sản phẩm của doanh nghiệp sẽ hướng đến 100% dân số của Malaysia. Chứng nhận Halal như là minh chứng về sự an toàn, vệ sinh thực phẩm và chất lượng nói chung cho toàn bộ chuỗi cung ứng sản phẩm của mình.
Bên cạnh đó, Malaysia đang tăng cường kiểm soát giá cả sinh hoạt do thiếu hụt nguồn cung một số loại thực phẩm. Các doanh nghiệp sản xuất, sản phẩm thiết yếu như trứng, gạo... nên quan tâm kết nối với hệ thống phấn phối để gia tăng xuất khẩu.