Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 15/11/2024 23:10
Tin nóng:
Việt Nam: Giao điểm hội tụ của RCEP
Theo bài viết đăng trên trang essra.org.cn, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) là Hiệp định thương mại tự do (FTA) có quy mô lớn nhất và quan trọng nhất ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương, do 15 thành viên là 10 nước thuộc Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand hợp thành. Là khu vực thương mại tự do có thành viên đa dạng nhất và phát triển năng động nhất, RCEP có những điểm sáng riêng.
Thứ nhất, việc ký kết RCEP làm cho thương mại của các nước thành viên đều phải thực hiện mức độ tự do hóa tương đối cao. Hơn 90% hàng hóa được giao dịch trong khu vực sẽ dần được hưởng mức thuế bằng 0, có hy vọng mang lại lợi ích cho các doanh nghiệp và người tiêu dùng ở các nước trong ngắn hạn. Cụ thể, trên cơ sở FTA “ASEAN+1” được ký kết ban đầu, các nước ASEAN tăng cường cam kết các loại hàng hóa khác được hưởng thuế quan bằng 0 với 5 nước đối tác, trong khi 5 nước này cũng tăng cường cam kết thuế quan bằng 0 cho hàng hóa của ASEAN.
Thứ hai, những lợi ích từ quy tắc cộng gộp xuất xứ của RCEP. Quy tắc cộng gộp xuất xứ là điểm sáng của RCEP trong lĩnh vực thương mại hàng hóa. Theo các quy định liên quan của quy tắc cộng gộp xuất xứ, các nước thành viên RCEP khác sẽ có chứng nhận xuất xứ RCEP nếu hàm lượng giá trị khu vực tích lũy đạt 40% và dễ nhận được hưởng ưu đãi thuế quan hơn. Đồng thời, quy tắc cộng gộp xuất xứ làm cho quá trình sản xuất hàng hóa trung gian mở rộng hơn nữa; có lợi cho việc tăng cường chuỗi sản xuất và chuỗi cung ứng khu vực; các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng có thể tự khắc phục tình trạng khó khăn về giá trị gia tăng hạn chế, dễ đạt đến tiêu chuẩn xuất xứ hơn và mở rộng tốt hơn thương mại trong nội khối.
RCEP tạo sự ổn định quan trọng cho hợp tác và phát triển khu vực... Ảnh: Pixabay |
Thứ ba, thương mại hàng hóa trở nên thuận tiện hơn. Các nước thành viên RCEP đã đạt được các điều khoản liên quan về tiêu chuẩn kỹ thuật, thủ tục hải quan, kiểm tra, kiểm dịch..., không ngừng giảm thiểu các rào cản thương mại, nâng cao hiệu quả thông quan hàng hóa, rút ngắn hơn nữa thời gian thông quan hàng hóa trong khu vực.
Ngoài ra, RCEP có những lợi thế riêng so với các FTA khác mà Việt Nam đã ký kết. Một là, có tính bổ sung hơn các FTA khác. Trước khi ký kết RCEP, Việt Nam đã ký FTA với các nước như Nhật Bản, Australia, New Zealand. Nhìn chung, RCEP không làm cho Việt Nam mở rộng sang các thị trường mới, nhưng giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn các quy tắc hiện có để hội nhập thị trường của các quốc gia này, xây dựng một thị trường thống nhất, từ đó kích thích tiềm năng không giới hạn và tối đa hóa lợi ích.
Hai là, RCEP có tính bao trùm. Về phạm vi, so với các hiệp định khác của ASEAN, RCEP không chỉ bao gồm thương mại hàng hóa (ưu đãi thuế quan, quy tắc xuất xứ, hải quan, bảo hộ thương mại...), mà còn mở rộng sang lĩnh vực thương mại dịch vụ và đầu tư; liên quan đến các lĩnh vực mới như thương mại điện tử, mua sắm chính phủ, doanh nghiệp vừa và nhỏ, hợp tác kinh tế và công nghệ.
Ba là, việc xây dựng quy tắc RCEP tương đối linh hoạt. Hiệp định Ðối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) đặt ra các tiêu chuẩn cao trong các lĩnh vực như quy tắc lao động và môi trường, chính sách cạnh tranh, doanh nghiệp nhà nước, giám sát quyền sở hữu trí tuệ, quy tắc Internet và nền kinh tế số…, tạo ra nhiều rào cản vô hình hơn cho các nước đang phát triển như Việt Nam. Trong khi, RCEP lại linh hoạt hơn, chú ý đến các giai đoạn phát triển và nhu cầu lợi ích khác nhau của các quốc gia trong quá trình đàm phán, và không thực hiện các tiêu chuẩn mở cửa thống nhất, để các quốc gia có trình độ phát triển kinh tế khác nhau đều được hưởng lợi.
Nắm bắt cơ hội, gia nhập chuỗi sản xuất toàn cầu
Là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, RCEP đã tập hợp các đối tác hợp tác trong khu vực và làm sâu sắc hơn chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị trong khu vực. Sau khi RCEP có hiệu lực, Việt Nam có nhiều cơ hội tham gia chuỗi sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu. Ngoài ra, theo quy tắc cộng gộp xuất xứ của RCEP, khi hàng hóa Việt Nam được xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP khác, hàng hóa trung gian của nhiều nước thành viên đều có thể được tính vào tiêu chuẩn giá trị gia tăng và cuối cùng cộng lại sẽ đạt được một tỷ lệ nhất định, đều được tính là xuất xứ trong khu vực. Điều này không chỉ có thể mở rộng thương mại giữa các thành viên RCEP, mà còn thúc đẩy hội nhập và phát triển sâu rộng của chuỗi giá trị và chuỗi cung ứng khu vực.
Tổ chức thương mại và phát triển Liên hợp quốc (UNCTAD) dự đoán, Việt Nam là điểm sáng thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) và thiên đường cho các nhà đầu tư nước ngoài: Thứ nhất, Việt Nam đã ký kết hàng loạt FTA với Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và ASEAN, giúp Việt Nam phát triển thành cơ sở sản xuất và trung tâm xuất khẩu quan trọng.
Thứ hai, Việt Nam có lợi thế đáng kể về dân số. Cùng với việc RCEP được ký kết, ngành sản xuất chế tạo của các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapore dịch chuyển sang nước khác, trong đó Việt Nam trở thành một trong những lựa chọn của các nhà đầu tư.
Thứ ba, tiêu dùng nội địa của Việt Nam tăng. Tầng lớp trung lưu ngày càng tăng của Việt Nam đang thúc đẩy tiêu dùng nội địa. Ngoài ra, tầng lớp trung lưu trẻ tuổi còn thông thạo công nghệ kỹ thuật số, vì vậy ngành thương mại điện tử, phân phối và logistics sẽ được hưởng lợi.
Thứ tư, điều kiện đầu tư của Việt Nam không ngừng được cải thiện. Trong lĩnh vực đầu tư, theo Chiến lược phát triển đến năm 2030, Việt Nam đang nỗ lực thúc đẩy phát triển các ngành như viễn thông, công nghệ thông tin, dịch vụ tài chính, bất động sản, công nghệ số.... Về môi trường đầu tư, tình hình trong nước của Việt Nam ổn định, cơ sở hạ tầng ngày càng hoàn thiện, cơ chế và chính sách đầu tư không ngừng cải tiến đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc thu hút đầu tư nước ngoài.
RCEP được 10 quốc gia thành viên ASEAN và 5 nước đối tác của ASEAN là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 37 do Việt Nam làm Chủ tịch. Theo quy định của Hiệp định RCEP, Hiệp định chính thức có hiệu lực sau 60 ngày kể từ thời điểm có ít nhất 6 nước ASEAN và 3 nước đối tác hoàn tất việc phê chuẩn/phê duyệt Hiệp định và nộp lưu chiểu cho Tổng Thư ký ASEAN. Đến ngày 2/11/2021, đã có 6 nước ASEAN, trong đó có Việt Nam, và 4 nước đối tác là Trung Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand nộp lưu chiểu văn kiện phê duyệt/phê chuẩn Hiệp định RCEP cho Tổng Thư ký ASEAN. Như vậy, Hiệp định RCEP chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022. Việc Hiệp định RCEP có hiệu lực từ tháng 1/2022 góp phần đa phương hóa các Hiệp định thương mại tự do mà ASEAN đã ký kết với từng nước đối tác trước đây, hài hòa các cam kết, quy định trong các hiệp định này, tối đa hóa các lợi ích kinh tế, đặc biệt là quy tắc xuất xứ và tạo thuận lợi cho thương mại, góp phần củng cố các chuỗi cung ứng khu vực… |