Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 23/11/2024 22:10
Tin nóng:
Việt Nam đang tận dụng tốt cơ hội từ Hiệp định RCEP Nhiều chuyên gia quốc tế lạc quan về Hiệp định RCEP trong thời gian tới Hiệp định RCEP: Động lực mới cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam |
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ví là một "siêu hiệp định", bởi có sự tham gia của 15 nền kinh tế châu Á - Thái Bình Dương. Các quốc gia này là 10 thành viên của Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 đối tác thương mại là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia và New Zealand.
Ngoài ra, RCEP cũng bao gồm thị trường 2,2 tỷ người và 26,2 nghìn tỷ USD sản lượng toàn cầu. Sự hợp tác này sẽ tạo ra một nhóm thương mại bao gồm khoảng 30% dân số thế giới, cũng như nền kinh tế toàn cầu.
RCEP là Hiệp định thương mại có quy mô lớn nhất thế giới. Ảnh minh họa |
Theo các chuyên gia, được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN và từng đối tác, Hiệp định RCEP trở thành FTA bao trùm, thiết lập các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất tạo thuận lợi thương mại và đầu tư giữa các quốc gia thành viên qua thiết lập một khu vực thương mại tự do đầy tiềm năng.
Bên cạnh đó, RCEP gần như quy tụ tất cả các nguồn cung nhập khẩu hàng hóa lớn nhất của Việt Nam, quy tụ tất cả các đối tác FDI hàng đầu của Việt Nam, kỳ vọng mang lại cú hích lớn gia tăng chuỗi sản xuất, cung ứng trong nội khối.
Đặc biệt, nguồn cung, nguồn trung gian của phần lớn sản phẩm nhập khẩu vào Việt Nam đến từ khu vực RCEP và đầu ra của một số sản phẩm cũng ở khu vực này. Khi cả chuỗi cung ứng nằm trong cùng một khu vực và có một bộ xuất xứ hoàn chỉnh thì đó chính là lợi thế để các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia sâu hơn, nhiều hơn, hiệu quả hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.
Khẳng định RCEP sẽ tạo ra chuỗi cung ứng mới trong khu vực và Việt Nam sẽ trở thành một "mắt xích" của chuỗi cung ứng đó, tạo cơ hội lớn cho xuất khẩu, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập (Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam - VCCI) cho hay, khi xuất khẩu theo chuỗi cung ứng gia tăng, Việt Nam sẽ giảm được nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
RCEP tạo ra cơ hội để Việt Nam cải thiện giá trị gia tăng và tăng năng suất, khắc phục tình trạng gia công hiện nay bằng cách: Thúc đẩy mở rộng thị trường, nâng cao hiệu quả kinh tế theo quy mô, thu hút đầu tư các ngành sản xuất thượng nguồn để cải thiện giá trị gia tăng và tăng năng suất lao động; tăng cường chuyên môn hoá vào các ngành mà Việt Nam đang có lợi thế... Từ đó, "lôi kéo" thêm nhiều FDI trong chuỗi cung ứng đến Việt Nam, giúp các doanh nghiệp trong nước tham gia nhiều hơn vào các chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách tận dụng lợi thế về quy tắc xuất xứ trong RCEP, nâng cao tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan với các đối tác trong RCEP.
RCEP sẽ giải quyết được một số vấn đề lớn cho doanh nghiệp ngành dệt may. Ảnh: Minh Đức |
Đơn cử, đối với ngành may mặc, hàng may mặc của Việt Nam phụ thuộc lớn vào vải nhập khẩu do các doanh nghiệp FDI, đặc biệt là các thương hiệu lớn, đã có sẵn chuỗi cung ứng riêng. Mặt khác, các doanh nghiệp trong nước chủ yếu gia công cho nước ngoài theo nguồn cung nguyên liệu, mẫu mã thiết kế được các đối tác nước ngoài chỉ định.
Xu hướng chuyển dịch chuỗi cung ứng của ngành may mặc thể hiện thông qua việc nhập khẩu thành phẩm ngành may mặc (quần áo) từ các thị trường lớn trong RCEP đang giảm hoặc tăng chậm lại, trong khi đó, xuất khẩu và FDI vẫn tăng cao. Điều này đã giúp Việt Nam duy trì vững chắc ở top 3 thế giới về xuất khẩu hàng may mặc.
RCEP sẽ giúp đẩy nhanh thu hút FDI và dịch chuyển chuỗi cung ứng ngành may mặc vào Việt Nam, nhờ mở rộng hơn nữa thị trường xuất khẩu thông qua các biện pháp cắt giảm thuế quan và quy tắc RoO linh hoạt, cũng như khả năng nhập khẩu nguyên phụ liệu đầu vào thấp hơn từ các đối tác lớn trong RCEP.
Đồng quan điểm, ông Lê Anh Dũng - Chủ tịch Viện Nghiên cứu Đầu tư Quốc tế (ISC) - cho rằng, với việc thiết lập nên các tiêu chuẩn và cơ chế thống nhất cho toàn bộ khu vực, Hiệp định RCEP sẽ mở thêm nhiều cơ hội kết nối thương mại và đầu tư của Việt Nam với các nền kinh tế thành viên. Đồng thời, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp của Việt Nam tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng.
Tuy nhiên, theo ông Dũng, doanh nghiệp trong nước còn đối mặt với thách thức như năng lực cạnh tranh thấp, công nghiệp phụ trợ non kém, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên, nhiên vật liệu nhập khẩu, công nghệ và phương thức sản xuất lạc hậu, chưa tham gia sâu vào chuỗi cung ứng, thiếu đội ngũ lao động có trình độ, kỹ năng…
Để vượt qua các thách thức, nắm bắt cơ hội từ dịch chuyển chuỗi cung ứng trên toàn cầu, doanh nghiệp Việt Nam cần áp dụng các chiến lược toàn diện bao gồm đa dạng hóa nguồn cung và thị trường, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng sản phẩm, phát triển thương hiệu và liên kết đối tác.
Đồng thời, doanh nghiệp cần đầu tư vào nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển bền vững và nâng cao năng lực tài chính. Từ đó, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển lâu dài trong chuỗi cung ứng toàn cầu.