Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 31/12/2024 06:17
Tin nóng:
Số liệu Tổng cục Hải quan Việt Nam cho biết, tính từ đầu năm đến hết ngày 15/12/2024, xuất khẩu cà phê của Việt Nam đạt 1,26 triệu tấn với kim ngạch thu về kỷ lục 5,2 tỷ USD, giảm 16,5% về lượng nhưng tăng 32,4% so với cùng kỳ năm trước.
Trước đó, lượng cà phê xuất khẩu trong tháng 11 cũng ở mức thấp nhất trong cùng kỳ hơn 15 năm qua.
Về thị trường xuất khẩu, Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục là thị trường tiêu thụ cà phê lớn nhất của Việt Nam trong 11 tháng năm 2024, chiếm 38,4% tổng kim ngạch xuất khẩu với kim ngạch đạt trên 1,89 tỷ USD, (tương đương gần 478 nghìn tấn), giảm về lượng nhưng tăng về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023. Ngoài EU, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sang các thị trường hàng đầu khác như Nhật Bản, Mỹ, Nga đều tăng về kim ngạch giảm về lượng.
Cà phê Việt Nam chủ yếu được tiêu thụ tại các thị trường truyền thống như châu Âu, châu Mỹ và Nhật Bản. Tuy nhiên, những năm gần đây, các thị trường gần như Trung Quốc và các quốc gia Đông Nam Á đang nổi lên, mở ra những cơ hội mới cho ngành cà phê Việt Nam.
Cuối tháng 12/2024, Ủy ban châu Âu (EC) chính thức ban hành lệnh cấm sử dụng bisphenol A (BPA) trong các vật liệu tiếp xúc với thực phẩm và đồ uống, nhằm bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng. Quyết định này, dựa trên khuyến nghị của Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA) vào năm 2023, đặt ra áp lực đáng kể cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đặc biệt là ngành sản xuất bao bì thực phẩm và đồ uống tại Việt Nam.
EFSA cảnh báo, BPA – một hóa chất thường thấy trong bao bì – có thể gây hại sức khỏe qua đường ăn uống, dẫn đến việc giảm mức dung nạp hàng ngày xuống thấp hơn 20.000 lần so với giới hạn năm 2015. Lệnh cấm bao gồm giai đoạn chuyển đổi 18 tháng để doanh nghiệp thích nghi, trừ các trường hợp không thể thay thế.
Ủy viên Y tế EU đánh giá rằng, việc bảo vệ công dân và duy trì tiêu chuẩn an toàn thực phẩm cao là ưu tiên hàng đầu của EU.
Vì các yếu tố kể trên, các doanh nghiệp Việt Nam cần nhanh chóng kiểm tra nguyên liệu, cập nhật quy trình sản xuất, tìm giải pháp thay thế BPA, đảm bảo chứng nhận chất lượng và hợp tác chặt chẽ với đối tác EU. Việc tuân thủ quy định mới không chỉ giúp bảo vệ uy tín sản phẩm mà còn mở ra cơ hội lớn tại thị trường EU.
Năm 2024 đánh dấu bước đột phá của ngành thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Đông đạt mức tăng trưởng 18%, đưa khu vực này trở thành một trong những thị trường nhập khẩu lớn nhất. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), 11 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang Trung Đông đạt 334 triệu USD, chiếm 4% tổng giá trị xuất khẩu toàn ngành. Dự kiến, đến cuối năm, con số này sẽ vượt 360 triệu USD.
Hai mặt hàng chủ lực là cá ngừ và cá tra. Cá ngừ ghi nhận kim ngạch gần 105 triệu USD, chiếm 31%, nhờ các sản phẩm đóng hộp tiện lợi. Cá tra đóng góp 134 triệu USD, chiếm 40%, với các sản phẩm phù hợp thị hiếu địa phương. Israel dẫn đầu khu vực với tăng trưởng 35%, theo sau là UAE, Ả Rập Xê Út và Qatar.
Tuy nhiên, các doanh nghiệp Việt Nam cần vượt qua rào cản tiêu chuẩn Halal và tình hình chính trị bất ổn tại một số quốc gia để tận dụng cơ hội. Việc đầu tư công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đa dạng hóa danh mục hàng hóa sẽ giúp ngành thủy sản Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường quốc tế.
Theo thông tin từ Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển, Thuỵ Điển với sự phụ thuộc lớn vào nguồn cung nhập khẩu được xem là thị trường tiềm năng cho rau quả tươi. Trước năm 2021, lượng rau quả nhập khẩu của quốc gia này đạt khoảng 1 triệu tấn mỗi năm. Tuy nhiên, vào năm 2023, con số này giảm còn 887.000 tấn do ảnh hưởng của lạm phát và suy giảm nhu cầu tiêu dùng. Mặc dù vậy, thị phần nhập khẩu từ các quốc gia đang phát triển lại tăng lên 24%, mở ra cơ hội lớn cho các nhà xuất khẩu như Việt Nam.
Các chuỗi siêu thị lớn như ICA, Coop và Axfood chiếm gần 20% doanh thu bán lẻ thực phẩm tại Thụy Điển, trong khi Helsingborg là trung tâm phân phối quan trọng cho hàng hóa nhập khẩu. Từ tháng 10 đến tháng 5, khi nhu cầu rau quả tươi tăng cao, các sản phẩm của Việt Nam, đặc biệt là thanh long, xoài và chanh leo, có cơ hội chiếm lĩnh thị trường trong giai đoạn "trống mùa".
Bên cạnh đó, xu hướng tiêu dùng bền vững, đặc biệt là nhu cầu đối với các sản phẩm hữu cơ, cũng đang gia tăng mạnh mẽ. Để thành công tại Thụy Điển, các doanh nghiệp Việt Nam cần đảm bảo chất lượng sản phẩm, tuân thủ các chứng nhận quốc tế như GLOBALG.A.P và Fairtrade, đồng thời phát triển các sản phẩm hữu cơ và nắm bắt xu hướng tiêu dùng này.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam, xuất khẩu tôm 11 tháng thu về gần 3,6 tỷ USD, tăng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Với sự tăng trưởng ở các thị trường tiêu thụ chính đều ghi nhận ở mức 2 con số, xuất khẩu tôm năm 2024 dự báo sẽ đạt từ 4- 4,3 tỷ USD.
Tuy chưa thể vượt được kim ngạch xuất khẩu tôm kỷ lục của Việt Nam năm 2022 (4,3 tỷ USD), nhưng cũng đã cho thấy ngành hàng tôm đang có sự hồi phục rõ nét so với năm 2023 (3,4 tỷ USD).
Xuất khẩu tôm cho thấy tín hiệu khả quan ở nhiều thị trường. Xuất khẩu sang Mỹ và EU đều ghi nhận sự tăng trưởng ổn định. Trung Quốc đang có những chính sách thúc đẩy tiêu dùng, có thể giúp gia tăng nhu cầu nhập khẩu tôm từ Việt Nam.
Giá tôm xuất khẩu có dấu hiệu tăng, đặc biệt là tôm chân trắng, giúp cải thiện biên lợi nhuận cho doanh nghiệp.
Giá nguyên liệu tôm cũng đang ở mức tích cực, điều này sẽ hỗ trợ cho sản xuất và xuất khẩu.
Bên cạnh đó, sản phẩm tôm chế biến đang có sự phát triển mạnh mẽ, là tín hiệu tích cực, cho thấy doanh nghiệp đang chuyển hướng sang sản phẩm giá trị gia tăng.