Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 02/01/2025 19:22
Tin nóng:
Hàng hóa có tính bổ trợ
Phát biểu tại Hội thảo Phát huy vai trò của các cơ quan đại diện của Việt Nam trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa hội nhập kinh tế quốc tế do Bộ Ngoại giao phối hợp với Tạp chí Kinh tế Việt Nam tổ chức ngày 30/12, ông Đỗ Ngọc Hưng- Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, cho hay, theo thống kê của Ủy ban Thương mại Quốc tế Hoa Kỳ, 10 tháng năm 2024, tổng kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã lên đến 122 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu 112 tỷ USD, nhập khẩu khoảng 10 tỷ USD từ Hoa Kỳ. Như vậy, thặng dư thương mại của Việt Nam với Hoa Kỳ đạt 102 tỷ USD, đứng thứ ba chỉ sau Trung Quốc và Mexico.
Ông Đỗ Ngọc Hưng- Tham tán thương mại Việt Nam tại Hoa Kỳ phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Vneconomy |
Ông Đỗ Ngọc Hưng cũng cho hay, hàng hóa của Việt Nam mang tính chất bổ trợ chứ không hoàn toàn trực tiếp cạnh tranh với hàng hóa sản xuất trong nước tại Hoa Kỳ. Qua đó, giúp người tiêu dùng Hoa Kỳ tiếp cận với hàng hóa của Việt Nam có chất lượng và mẫu mã ngày càng được cải thiện, giá cả cạnh tranh.
Hiện nay, Việt Nam đang là đối tác lớn thứ tám của Hoa Kỳ, một số sản phẩm xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam sang Hoa Kỳ, như: Máy vi tính, sản phẩm điện và điện tử; máy móc, thiết bị phụ tùng; điện thoại và linh kiện; dệt may đạt được; gỗ và sản phẩm gỗ; hạt tiêu; sắt thép…
Đại diện Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ cũng nhấn mạnh, Việt Nam vẫn tiếp tục là đối tác tin cậy của Hoa Kỳ trong việc thực hiện chính sách chuyển dịch và đa dạng hóa chuỗi cung ứng.
Theo dự báo, tổng lượng hàng hóa bán buôn và bán lẻ tại Hoa Kỳ sẽ tiếp tục gia tăng, đặc biệt là các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh xuất khẩu và cạnh tranh. Do vậy, đây chính là cơ hội cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục gia tăng kim ngạch và thâm nhập vào thị trường Hoa Kỳ.
“Trong buổi làm việc gần đây với Thương vụ, lãnh đạo của Tập đoàn Walmart cũng khẳng định rằng Việt Nam tiếp tục là đối tác chiến lược lâu dài, dự kiến sẽ tiếp tục mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam trong thời gian tới”, Đỗ Ngọc Hưng cho hay. Đồng thời thông tin thêm, dự kiến trong quý I/2025, Walmart sẽ phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội nghị phổ biến, cung cấp thông tin hữu ích cho khoảng 150-200 nhà bán buôn, bán lẻ lớn của Việt Nam nhằm đưa hàng hóa vào hệ thống phân phối, nhất là sàn giao dịch thương mại điện tử của Walmart.
Khuyến nghị cho doanh nghiệp nhỏ và vừa
Dù có nhiều cơ hội gia tăng xuất khẩu sang Hoa Kỳ nhưng ông Đỗ Ngọc Hưng cũng lưu ý, doanh nghiệp Việt Nam trong quá trình tiếp cận thị trường Hoa Kỳ tiếp tục tìm hiểu tập quán và thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng nước sở tại. Các nhà phân phối có thói quen thu mua hàng hóa thông qua các môi giới trung gian.
Dệt may là một trong những mặt hàng Việt Nam xuất khẩu số lượng lớn sang Hoa Kỳ. Ảnh minh họa |
Cùng đó, doanh nghiệp có chiến lược thâm nhập theo phân khúc thị trường đối với từng mặt hàng. Phát triển kênh phân phối cho các gian hàng trên sàn thương mại điện tử lớn tại Hoa Kỳ như Amazon hay Walmart, đồng thời tiếp tục duy trì các kênh phân phối của thị trường trung gian.
Phối hợp với hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp tại các bang và tiểu bang của Hoa Kỳ, các nhà phân phối lớn và cơ quan xúc tiến thương mại của Hoa Kỳ để tham gia các hội chợ lớn.
Cộng đồng người Việt Nam tại Hoa Kỳ rất lớn, với tinh thần luôn hướng về quê hương, đất nước và mong muốn sử dụng các sản phẩm Việt Nam có chất lượng. Đây sẽ là kênh phân phối cũng như tiềm năng to lớn đối với các doanh nghiệp phân phối của Việt Nam.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Việt Nam cũng cần đặc biệt tuân thủ các quy định của Hoa Kỳ trong việc thực hiện các đạo luật như đạo luật về chống lao động cưỡng bức đối với các mặt hàng có thâm dụng lao, đặc biệt là ngành dệt may và da giày, chuẩn bị tâm lý và sẵn sàng ứng phó với các vụ việc về phòng vệ thương mại do tần suất và hình thức điều tra của Hoa Kỳ ngày càng lớn và phức tạp. Tham gia các chương trình, các khóa đào tạo của Cục Phòng vệ Thương mại để có thể học hỏi kinh nghiệm ứng phó với các cơ quan điều tra của Hoa Kỳ trong trường hợp bị tiến hành điều tra. Cần phối hợp với Thương vụ trong việc xác minh tính pháp lý của các doanh nghiệp Hoa Kỳ.
“Doanh nghiệp Việt Nam cũng cần nghiên cứu để đưa các chuỗi sản xuất vào đầu tư, cũng như mở các nhà máy tại Hoa Kỳ, với quy mô từ nhỏ đến lớn, nhằm tận dụng các lợi thế và ưu đãi mà Hoa Kỳ cung cấp cho các doanh nghiệp đầu tư”, Tham tán Đỗ Ngọc Hưng khuyến nghị.
Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu truyền thống và lớn của Việt Nam, với cơ cấu mặt hàng xuất nhập khẩu có tính bổ trợ hai bên còn tiềm năng gia tăng kim ngạch thương mại song phương.