Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 26/04/2025 05:59
Tin nóng:
Giá sầu riêng có xu hướng tăng, kỳ vọng xuất khẩu mang về 3 tỷ USD Đâu là nguyên nhân khiến giá sầu riêng Musang King giảm sâu? Nguồn cung khan hiếm, giá sầu riêng Thái tăng lên trên 150.000 đồng/kg |
Những ngày cuối năm sát Tết 2025, khảo sát tại các đơn vị báo giá thu mua sầu riêng xuất khẩu tại khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long cho thấy, giá sầu riêng đã vượt mốc 200.000 đồng/kg, lên mức 202.000 - 220.000 đồng/kg.
Cụ thể, sầu riêng ở tỉnh Tiền Giang tăng cao kỉ lục, nhiều nhà vườn bội thu. Tại các nhà vườn huyện Cái Bè, Cai Lậy, theo thương lái thu mua sầu riêng, giá bán trái sầu riêng Monthong ở mức 220.000 đồng/kg, tuy nhiên sản lượng thu mua lại không nhiều. Sầu riêng Monthong loại A (cơm vàng, bột, đủ độ ngọt, 2.7 hộc, có trọng lượng từ 1,8 - 5,2 kg) giá thu mua 205.000 đồng/kg, hàng loại B (2.5 hộc, từ 1,6 - 5,7 kg) 185.000 đồng/kg. Sầu riêng Ri6, giá thu mua loại A có giá từ 125.000 - 135.000 đồng/kg (tùy kích cỡ), tăng khoảng 50.000 đồng/kg so với tháng trước, loại B từ 105.000 - 107.000 đồng/kg.
![]() |
Thời điểm sát Tết 2025, giá sầu riêng tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tăng mạnh. Ảnh minh họa |
Với mức giá này, mỗi kg nhà vườn có lãi từ 100.000 - 140.000 đồng (tùy loại). Trái sầu riêng giá tăng cao cũng do nguyên nhân là vụ nghịch thất mùa, dẫn đến khan hàng, sốt giá.
Các thương lái thu mua cho biết, từ ngày 24/12, giá thu mua sầu riêng đã đạt mốc 200.000 đồng do nhu cầu xuất khẩu tăng cao. So với cuối tháng 11, giá sầu riêng đã tăng ít nhất hơn 70.000 đồng/kg đối với loại A.
Thông tin về diễn biến giá sầu riêng, đại diện một doanh nghiệp cho biết, hiện nguồn cung sầu riêng trên địa bàn rất ít, dù thời điểm này đang là mùa thu hoạch trái nghịch vụ. Do lượng hàng quá ít nên những ngày qua, công ty đã tạm ngưng thu mua.
Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VinaFruit) cho biết giá sầu riêng đang tăng cao như hiện nay là để đáp ứng nhu cầu cho Tết âm lịch của Trung Quốc.
Ngoài ra, hiện sản lượng sầu riêng trái vụ ở các tỉnh miền Tây cũng không còn nhiều trong khi các tỉnh khác như Gia Lai, Đắk Lắk, Đăk Nông, Lâm Đồng… không có sầu riêng trái vụ để bán, điều này cũng tác động đến giá thu mua sầu riêng xuất khẩu. Ngay cả các thị trường xuất khẩu khác, hiện chỉ có Việt Nam có sầu riêng trái vụ xuất khẩu.
Thời gian thu hoạch sầu riêng trái vụ bắt đầu từ tháng 11 năm nay đến tháng 3 năm sau và sản lượng cũng không nhiều, ước tính giá trị xuất khẩu sầu riêng trái vụ cũng chỉ khoảng 100 triệu USD, chiếm 1/4 so với chính vụ.
Thời điểm cuối năm, sầu riêng xuất khẩu chủ yếu phục vụ cho nhu cầu lễ tết, biếu tặng của người dân Trung Quốc.
Theo số liệu từ của Hải quan Việt Nam, Trung Quốc tiếp tục là thị trường tiêu thụ sầu riêng lớn nhất của Việt Nam, chiếm 90% tổng kim ngạch xuất khẩu, tương đương hơn 2,8 tỷ USD trong 11 tháng năm 2024. So với cùng kỳ năm trước, xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc tăng trưởng 43%.
Thái Lan nhập khẩu sầu riêng Việt Nam đạt 177 triệu USD, tăng 82% so với năm trước. Các thị trường Hồng Kông (Trung Quốc) và Nhật Bản cũng có mức tăng trưởng lần lượt là 16% và 85%. Đặc biệt, Campuchia trở thành điểm sáng mới khi nhập khẩu sầu riêng Việt Nam đạt gần 3 triệu USD, tăng tới 139 lần so với năm 2023.
Theo VinaFruit, năm 2024 là năm bội thu của trái sầu riêng và ngành rau quả nói chung. Kim ngạch xuất khẩu rau quả năm nay ước đạt 7,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, sầu riêng chiếm gần một nửa số thu từ xuất khẩu rau quả.