Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 16/12/2024 17:53
Tin nóng:
Giá lúa ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tuần qua tăng ở một vài loại. Giá lúa neo ở mức cao đang là động lực tốt để nông dân xuống sớm vụ Đông Xuân 2024-2025 cũng như để né hạn mặn.
Xuất khẩu gạo 11 tháng đã đạt những kỷ lục mới với gần 8,5 triệu tấn, giá trị 5,31 tỷ USD, tăng 10,6% về khối lượng và tăng 22,4% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Tuy nhiên, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 517 USD/tấn, giảm so với mức 520 USD/tấn vào tuần trước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến hết tháng 11, cả nước đã gieo cấy được 7.825.000ha lúa, bằng 104% cùng kỳ. Diện tích lúa đã thu hoạch đạt 6.853,8 nghìn ha, bằng 100,1% so với cùng kỳ; sản lượng ước trên diện tích thu hoạch đạt 42,12 triệu tấn, bằng 101,1% so với cùng kỳ, năng suất bình quân đạt 61,5 tạ/ha, tăng 0,6 tạ/ha.
Tính đến cuối tháng 11, các tỉnh phía Nam đã gieo cấy được 712.600ha lúa Đông Xuân niên vụ 2024-2025, tăng 70,4% so với cùng kỳ năm trước. Riêng tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, do giá lúa hiện ổn định ở mức cao nên ngay sau khi thu hoạch lúa Thu Đông sớm, bà con nông dân một số nơi sớm khẩn trương xới, dọn đất để xuống giống sản xuất vụ lúa Đông Xuân, diện tích gieo cấy đạt 705.700ha, tăng 69,8% so với cùng kỳ năm trước.
Theo số liệu của Hiệp hội Hồ tiêu và Cây gia vị Việt Nam, trong tháng 11/2024, Việt Nam xuất khẩu được 15.948 tấn hồ tiêu các loại, giảm so với cùng kỳ năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu đạt 106,5 triệu USD.
Tính chung 11 tháng năm 2024, xuất khẩu hồ tiêu đạt 235.335 tấn với tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2176 tỷ USD, trong đó, tiêu đen đạt 1,361 tỷ USD, tiêu trắng đạt 181,5 triệu USD. Tuy sản lượng xuất khẩu giảm nhưng kim ngạch xuất khẩu lại tăng gần 47% so với cùng kỳ năm trước.
Hồ tiêu đã trở thành mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 11 tháng năm 2024. Kim ngạch xuất khẩu tiêu tăng mạnh là nhờ giá tiêu xuất khẩu trong 11 tháng cao so với cùng kỳ năm ngoái, đạt bình quân 5.198 USD/tấn.
Trong 11 tháng qua, Hoa Kỳ là thị trường xuất khẩu lớn nhất của hồ tiêu Việt Nam đạt 67.802 tấn. Tiếp theo là các thị trường UAE, Đức, Hà Lan Hàn Quốc, Pakistan.
VPSA nhận định, năm nay, giá tiêu tăng mạnh nhờ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Ngược lại, thị trường qian trọng là Trung Quốc lại giảm mua. Kỳ vọng trong năm 2025 Trung Quốc sẽ quay lại thị trường.
Tại thị trường trong nước, giá tiêu (ngày 6/12) quay đầu tăng cao, giá trung bình ở mức 143.400 đồng/kg.
Theo thống kê từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong tháng 10/2024 đạt gần 1,54 tỷ USD, tăng 22,9% so với tháng trước và tăng 19,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức tăng trưởng ấn tượng, đưa kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt mức cao nhất kể từ đầu năm.
Tính chung 10 tháng đầu năm, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 13,22 tỷ USD, tăng 21,2% so với cùng kỳ năm 2023. Thị trường Mỹ tiếp tục là điểm đến lớn nhất, chiếm 55,5% tổng kim ngạch với hơn 7,34 tỷ USD, tăng 25,2%. Theo sau là Trung Quốc đạt 1,72 tỷ USD, tăng 22,3%, và Nhật Bản với 1,42 tỷ USD, tăng 2,5%.
Đặc biệt, xuất khẩu sang Ấn Độ ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng, đạt 25,1 triệu USD trong tháng 10, tăng 60,5% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 10 tháng, xuất khẩu tới thị trường này đạt hơn 140 triệu USD, tăng 50,9%.
Việt Nam hiện là nhà xuất khẩu gỗ hàng đầu Đông Nam Á và đứng thứ hai thế giới về sản phẩm đồ gỗ giá trị gia tăng. Với sản phẩm đã hiện diện tại 170 thị trường toàn cầu, ngành gỗ dự kiến duy trì đà tăng trưởng 20-23% trong năm 2024, mở ra triển vọng lạc quan cho năm 2025 nhờ nhu cầu gia tăng từ các thị trường chính.
Brazil, thành viên chủ chốt của Khối Thị trường chung Nam Mỹ (MERCOSUR – Mơ cô sua) với 300 triệu người tiêu dùng, tiếp tục khẳng định vị thế là đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam tại khu vực Mỹ Latinh. Năm 2024, quốc gia này trở thành thị trường nhập khẩu cá tra lớn thứ ba của Việt Nam, sau Trung Quốc và Mỹ.
Theo Hải quan Việt Nam, 10 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu cá tra sang Brazil đạt 104 triệu USD, tăng 24% so với cùng kỳ. Riêng tháng 10/2024, con số này đạt hơn 15 triệu USD, tăng 15% so với tháng 10/2023. Đáng chú ý, Việt Nam là nguồn cung cá thịt trắng lớn nhất cho Brazil, chiếm 36% tổng giá trị nhập khẩu, với mã phile cá tra đông lạnh được ưa chuộng nhất, đạt 86 triệu USD, tăng 56%.
Năm nay, kỷ niệm 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Brazil đã nâng cấp quan hệ lên đối tác chiến lược. Việc đàm phán Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam – MERCOSUR đang được kỳ vọng sẽ tạo đột phá, giảm rào cản thuế quan, và mở rộng thị trường xuất khẩu cá tra sang khối kinh tế lớn thứ 5 thế giới, nơi Brazil là nền kinh tế lớn nhất với nhu cầu thủy sản ngày càng cao.
Giá cà phê nhân xô tuần qua tiếp tục tăng mạnh, đạt mức cao kỷ lục hơn 128.000 đồng/kg, vượt xa mức giá cùng kỳ các năm trước.
Ghi nhận ngày 30/11, khu vực Tây Nguyên tiếp tục tăng mạnh tại các địa phương. Mức giá cà phê trung bình hiện ở quanh mốc 131.000 đồng/kg
Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, cho hay nguồn cung cà phê năm nay thấp do tình trạng chuyển đổi cây trồng của nông dân và sản lượng bị ảnh hưởng bởi biến đổi khí hậu, khô hạn. Đồng thời, nguồn cung cà phê Brazil - quốc gia sản xuất lớn cũng giảm trong niên vụ tới, khiến giá cà phê quốc tế tăng, kéo theo giá trong nước cũng đi lên.
Việt Nam - nhà sản xuất robusta lớn nhất thế giới - tháng 10 vừa qua xuất khẩu mặt hàng này giảm 11,6% so với tháng trước và giảm hơn 11% so với cùng kỳ năm ngoái. Mưa lớn tại các vùng trồng cà phê đã gây chậm trễ thu hoạch, trong khi sản lượng robusta niên vụ 2023-2024 giảm 20%, mức giảm mạnh nhất trong 4 năm qua, đẩy giá robusta lên cao.
Cơn sốt giá cà phê được cho là bắt nguồn từ sự gia tăng thu mua mạnh mẽ của thị trường Trung Quốc. Gần đây, Luckin Coffee, một hãng cà phê lớn của Trung Quốc, đã ký thỏa thuận với các nhà cung cấp Brazil để mua 240.000 tấn cà phê mỗi năm trong giai đoạn từ 2025 đến 2029.