Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 16/12/2024 15:26
Tin nóng:
Gạo xuất khẩu ở mức giá thấp nhất kể từ tháng 7/2023 Giá gạo xuất khẩu của Ấn Độ ‘rơi tự do’, thị trường thế giới có chao đảo? Giá gạo xuất khẩu của Việt Nam đắt đỏ nhất thế giới |
Giá gạo đồ xuất khẩu từ Ấn Độ ổn định trong tuần qua nhờ nhu cầu mạnh từ châu Phi, dù nguồn cung gia tăng từ sản lượng vụ mới đã phần nào gây áp lực giảm giá. Trong khi đó, giá gạo của Việt Nam giảm do nguồn cung dồi dào, còn giá gạo Thái Lan tăng nhẹ do đồng Baht tăng giá.
Gạo đồ 5% tấm của Ấn Độ, nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới, được báo giá ở mức 444 - 450 USD/tấn trong tuần qua, không thay đổi so với tuần trước. Gạo trắng 5% tấm của Ấn Độ được báo giá ở mức 450 - 458 USD/tấn trong tuần qua.
Một nhà phân phối gạo ở New Delhi cho biết, đồng Rupee giảm giá đang giúp các công ty xuất khẩu chào bán gạo với giá cạnh tranh, dù giá thu mua từ nông dân tăng. Đồng Rupee của Ấn Độ đã chạm mức thấp kỷ lục so với đồng USD trong tuần qua, làm tăng lợi nhuận của các công ty xuất khẩu.
Giá gạo của Việt Nam giảm do nguồn cung dồi dào, còn giá gạo Thái Lan tăng nhẹ do đồng Baht tăng giá. Ảnh: AP |
Trong khi đó, theo Hiệp hội Lương thực Việt Nam, gạo 5% tấm của Việt Nam được chào bán ở mức 509 USD/tấn, giảm so với mức 517 USD/tấn của tuần trước.
Theo một thương nhân tại Thành phố Hồ Chí Minh, giá gạo giảm sau khi Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự báo nguồn cung gia tăng.
Còn tại Thái Lan, giá gạo 5% tấm tăng nhẹ từ mức 510 USD của tuần trước lên 510 - 515 USD/tấn. Một thương nhân tại Bangkok cho biết, nhu cầu giao dịch khá trầm lắng ở thời điểm sắp hết năm, đồng thời nói thêm rằng nguồn cung vụ tới sẽ cao do mực nước dồi dào. Một thương nhân khác nhận định, giá tăng nhẹ là do đồng Baht mạnh lên.
Trong khi đó, cơ quan khí tượng Nhật Bản cho hay, các đặc điểm của hiện tượng La Nina đang trở nên rõ rệt khi mùa đông đến gần.
Thương mại lúa gạo toàn cầu trong năm 2025 ước đạt kỷ lục 57,2 triệu tấn, tăng 910.000 tấn so với dự báo trước đó. Dự báo về xuất khẩu gạo trong năm 2025 đã được nâng lên đối với các quốc gia bao gồm Dominica, Guinea, Ấn Độ, Lào, Thái Lan và Việt Nam, nhưng lại giảm xuống đối với Myanmar, Trung Quốc và Mỹ.
Về trong nước, theo cập nhật của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn An Giang, giá một số loại lúa được thương lái thu mua như: IR 50404 từ 7.600 - 7.800 đồng/kg, giảm 100 - 200 đồng/kg; lúa OM 5451 có giá từ 8.600 - 8.800 đồng/kg; Đài thơm 8 (tươi) từ 9.200 - 9.200 đồng/kg, tăng 100 đồng/kg; OM 18 (tươi) cũng từ 9.000 - 9.100 đồng/kg…
Với mặt hàng gạo trên thị trường bán lẻ tại An Giang, gạo thường có giá từ 17.000 - 18.000 đồng/kg; gạo thơm thái hạt dài từ 20.000 - 22.000 đồng/kg; gạo Jasmine từ 18.000 - 20.000 đồng/kg; gạo trắng thông dụng 17.500 đồng/kg, gạo Nàng Hoa 21.500 đồng/kg…
Gạo nguyên liệu IR 504 ở mức 9.900 - 10.050 đồng/kg; gạo thành phẩm IR 504 bình ổn 12.100 - 12.300 đồng/kg.
Hiện nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nhanh chóng xuống giống dứt điểm trong tháng 12/2024 để cho thu hoạch trước khi hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2024 - 2025 đến. Tiền Giang sẽ xuống giống gần 41.000 ha với sản lượng cả vụ ước trên 285.000 tấn lúa. Đây là vụ chính trong năm nên địa phương tập trung thâm canh, ứng dụng khoa học công nghệ, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị nhằm giành vụ sản xuất mới thắng lợi.
Tỉnh hướng nông dân sử dụng phổ biến các giống lúa thơm và lúa chất lượng cao, có khả năng chịu hạn và chịu mặn tốt như: VD 20, OM 6976, OM 7347, Nàng Hoa 9, OM 5451,… Đặc biệt là ưu tiên các giống lúa được thương lái hoặc doanh nghiệp liên kết sản xuất - tiêu thụ, bao tiêu, đầu ra thuận lợi và nông dân bán được giá.