Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 11/12/2024 22:27
Tin nóng:
Việt Nam nhập khẩu hồ tiêu từ những thị trường nào? Việt Nam đã nhập khẩu bao nhiêu hồ tiêu từ thị trường Indonesia? |
Theo số liệu của Trung tâm Thống kê Ngoại thương Nhà nước Brazil (Comex Stat), Brazil đã xuất khẩu 4.302 tấn hồ tiêu các loại trong tháng 11, tăng 18,8% so với tháng trước nhưng giảm 43,5% so với cùng kỳ năm ngoái.
Với kết quả này, tổng lượng xuất khẩu hồ tiêu của Brazil trong 11 tháng đầu năm chỉ đạt 57.290 tấn, giảm mạnh 21,8% (15.987 tấn) so với cùng kỳ năm 2023. Mặc dù vậy, nhờ giá duy trì ở mức cao nên kim ngạch xuất khẩu thu về vẫn đạt 227,6 triệu USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ.
Theo đó, giá tiêu xuất khẩu của Brazil trong 11 tháng đạt bình quân 4.501 USD/tấn, tăng 45%.
Giá tiêu xuất khẩu sang Việt Nam đạt bình quân 3.662 USD/tấn, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Ảnh: Lê Sơn |
Về thị trường, UAE đã vượt qua Việt Nam để vươn lên trở thành thị trường xuất khẩu chính của hồ tiêu Brazil trong 11 tháng năm 2024 với khối lượng đạt 7.556 tấn, tăng 7,2% so với cùng kỳ và chiếm 13,2% thị phần xuất khẩu tiêu của quốc gia Nam Mỹ này.
Ngược lại, xuất khẩu hồ tiêu của Brazil sang Việt Nam giảm mạnh 50,9% đạt 7.230 tấn, chiếm 12,6% thị phần. Các thị trường xuất khẩu chính tiếp theo bao gồm: Pakistan: 6.356 tấn, tăng 9,5% và chiếm 11,1%; Ấn Độ 5.982 tấn, tăng 8,5% và chiếm10,4%; Senegal 5.252 tấn, giảm 10%...
Đáng chú ý, lượng hồ tiêu xuất khẩu của Brazil vào thị trường Mỹ tăng đột biến 13 lần, lên mức 3.602 tấn.
Giá tiêu xuất khẩu của Brazil sang các thị trường đều tăng mạnh trong 11 tháng đầu năm. Trong đó, giá tiêu xuất khẩu sang Việt Nam đạt bình quân 3.662 USD/tấn, tăng 20,4% so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng vẫn là mức giá thấp nhất trong số 20 quốc gia nhập khẩu tiêu hàng đầu từ Brazil.
Sản lượng tiêu của Brazil giảm mạnh trong năm vừa qua do ảnh hưởng bởi El Nino. Tuy nhiên, diện tích canh tác ở Brazil đã tăng trong những năm gần đây, quốc gia này được cho là có tiềm năng sản xuất vụ mùa lớn hơn từ năm 2025 trở đi.
Theo số liệu sơ bộ của Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam (VPSA), trong tháng 11, Việt Nam đã nhập khẩu 4.381 tấn hồ tiêu các loại, bao gồm 3.522 tấn tiêu đen và 859 tấn tiêu trắng, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 24,0 triệu USD, so với tháng 10 lượng nhập khẩu giảm 9,1%.
Olam Việt Nam, Harris Spice và Trân Châu là 3 doanh nghiệp nhập khẩu chủ yếu trong tháng vừa qua với khối lượng đạt lần lượt là 1.873 tấn, 678 tấn và 357 tấn, trong đó nhập khẩu của Olam tăng 85,1%.
Về thị trường, Indonesia vẫn là quốc gia cung cấp chủ yếu hồ tiêu lớn nhất, chiếm 87,6% đạt 3.836 tấn.
Luỹ kế từ đầu năm đến hết tháng 11, Việt Nam đã nhập khẩu tổng cộng 32.977 tấn hồ tiêu các loại, trong đó tiêu đen đạt 28.978 tấn và tiêu trắng đạt 3.999 tấn, tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 155,3 triệu USD, so với cùng kỳ năm trước lượng nhập khẩu tăng 34,7%, kim ngạch tăng 92,6%.
Về doanh nghiệp nhập khẩu, Olam Việt Nam là doanh nghiệp nhập khẩu lớn nhất trong 11 tháng, chiếm 34,5% tỷ trọng với khối lượng đạt 11.383 tấn. Tiếp theo là các doanh nghiệp: Trân Châu: 4.042 tấn, Harris Spice: 2.016 tấn.
Cũng theo VPSA, Indonesia là quốc gia cung cấp hồ tiêu lớn nhất cho Việt Nam sau 11 tháng, đạt 14.123 tấn và chiếm 42,8% tổng nhập khẩu. Trong khi đó, nhập khẩu từ Brazil giảm 39,9% đạt 9.203 tấn.
Bà Hoàng Thị Liên, Chủ tịch Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam nhận định năm nay, giá tiêu tăng mạnh nhờ các thị trường Mỹ, châu Âu và Trung Đông. Ngược lại, thị trường quan trọng là Trung Quốc lại giảm mua.
Còn theo nhận định của các chuyên gia, giá hồ tiêu hiện đã bước qua chu kỳ giảm và đang bắt đầu chu kỳ tăng giá do nguồn cung sụt giảm.
Tuy nhiên, do sức ép mua hàng vào đầu vụ chưa cao, nên các hộ nông dân không nên quá nôn nóng bán tiêu sớm, đặc biệt là không nên vay vốn để trữ tiêu nhằm tránh những rủi ro do biến động thị trường. Thay vào đó, cần cân đối ngân sách cho việc dự trữ tiêu, đến khoảng cuối năm sau có thể giá sẽ tốt hơn.
Theo báo cáo tháng 11 của Harris Spice, điều kiện thời tiết năm nay không thuận lợi tại Ấn Độ. Giai đoạn khô hạn trong tháng 6–7 và sau đó là mưa lớn vào tháng 8–9, đã gây rụng bông và gia tăng bệnh dịch trên cây tiêu. Các cơn mưa rải rác vẫn tiếp diễn do gió mùa Đông Bắc kéo dài ở một số khu vực miền Nam Ấn Độ.
Tại Việt Nam, mưa kéo dài sau đợt khô hạn nghiêm trọng đầu năm nhìn chung thuận lợi cho sản xuất tiêu. Quá trình ra hoa và đậu quả diễn ra tốt ở hầu hết khu vực trồng tiêu ở Tây Nguyên. Do đó, sản lượng vụ tới dự kiến sẽ tăng và thu hoạch bắt đầu vào tháng 2.
Còn tại Brazil, lượng hàng tăng lên do thu hoạch tại bang Para và Espirito Santo đã tạo ra áp lực bán. Điều kiện thời tiết năm nay không thuận lợi do khô hạn trong giai đoạn đầu của mùa vụ. Hoạt động thu hoạch ở các khu vực phía Đông Nam dự kiến sẽ bắt đầu vào đầu năm 2025.
Dự báo trong trung hạn, Harris Spice cho rằng sự biến động giá sẽ phụ thuộc nhiều vào sản lượng tại Việt Nam và Brazil. Dù dự kiến sản lượng tốt ở cả hai quốc gia, xu hướng của thị trường sẽ phụ thuộc vào mức độ sẵn sàng bán của người sản xuất, đặc biệt khi giá của các loại cây trồng thay thế khác ở mức cao trong năm qua đã tăng đáng kể khả năng giữ hàng của họ.