Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 12/12/2024 17:47
Tin nóng:
Theo Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong số các thị trường chính thuộc EU, 4 quốc gia bao gồm Đức, Hà Lan, Bỉ và Đan Mạch đều ghi nhận mức tăng trưởng mạnh mẽ từ 11% đến 29%.
Người tiêu dùng châu Âu có sự đa dạng về thị hiếu đối với sản phẩm tôm. Tại các nước như Anh, Đức và Hà Lan, tôm tẩm bột được tiêu thụ nhiều nhờ tính tiện lợi. Trong khi đó, các thị trường cao cấp như Pháp, Tây Ban Nha và Ý lại chuộng tôm tươi do thói quen chế biến món ăn tại nhà. Tôm sú là mặt hàng phổ biến tại Pháp và Ý, còn các thị trường Bắc Âu như Đức, Thụy Điển, Đan Mạch và Hà Lan đặc biệt ưa thích các sản phẩm tôm có chứng nhận bền vững, đáp ứng tiêu chí thân thiện với môi trường.
Xuất khẩu tôm của Việt Nam sang thị trường EU đạt hơn 422 triệu USD. Ảnh: Vasep |
Cùng với đó, xu hướng mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến tại EU, đặc biệt đối với các sản phẩm đông lạnh và chế biến sẵn. Dịch vụ giao hàng nhanh kết hợp với bao bì phù hợp cho thương mại điện tử trở thành yếu tố quan trọng giúp sản phẩm tôm tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn.
Nam Âu là khu vực có nhu cầu nhập khẩu tôm lớn nhất châu Âu, bao gồm các quốc gia Tây Ban Nha, Pháp, Ý, Bồ Đào Nha và Hy Lạp. Khu vực này nổi bật với sự đa dạng trong tiêu dùng hải sản và lượng nhập khẩu tôm đã tăng mạnh. Trong năm 2023, năm quốc gia Nam Âu nhập khẩu 332.000 tấn tôm từ bên ngoài EU, phần lớn là tôm Penaeus, chiếm 64% khối lượng. Tôm có giá trị gia tăng chỉ chiếm 3% tổng lượng nhập khẩu, trong khi các loài đánh bắt tự nhiên như tôm đỏ Argentina và tôm hồng châu Á chiếm 31%.
Ngành nhà hàng - khách sạn (HORECA) đóng vai trò lớn trong tiêu thụ tôm tại Nam Âu, với đặc điểm văn hóa ăn tối ngoài trời và lượng khách du lịch đông đảo. Các nhà bán buôn thực phẩm lớn cung cấp trực tiếp cho các nhà hàng, khách sạn, nhưng phần lớn hải sản vẫn được bán thông qua các siêu thị và đại siêu thị hiện đại. Dù vậy, tại một số quốc gia như Hy Lạp và Bồ Đào Nha, các chợ cá truyền thống vẫn giữ vị trí quan trọng trong việc phân phối hải sản.
Hiện tại, EU là thị trường nhập khẩu tôm lớn thứ tư của Việt Nam, chiếm 13% tổng giá trị xuất khẩu. Tuy nhiên, thị trường này có sự cạnh tranh mạnh mẽ từ các quốc gia như Ấn Độ, Thái Lan, Ecuador và Brazil. Sản phẩm tôm Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và phúc lợi động vật. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp không chỉ nâng cao chất lượng sản phẩm mà còn cải tiến các quy trình sản xuất theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường.
Sự thành công tại thị trường EU đã khẳng định vị thế của tôm Việt Nam trên bản đồ xuất khẩu thế giới. Đây không chỉ là minh chứng cho chất lượng sản phẩm mà còn mở ra cơ hội để ngành tôm Việt Nam tiếp tục mở rộng thị phần và duy trì tăng trưởng bền vững trong tương lai.