Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 16/12/2024 19:50
Tin nóng:
Thanh Hóa: Nỗ lực đưa sản phẩm nông sản “xuất ngoại” Thanh Hóa phấn đấu hoàn thành các mục tiêu xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống người dân |
Hệ thống điện mặt trời áp mái được lắp đặt tại Nhà máy nước sạch xã Hoằng Xuân (huyện Hoằng Hóa). Ảnh: Minh Hiền |
Tại tỉnh Thanh Hóa, theo thống kê của Sở Công Thương, toàn tỉnh hiện có 39 dự án nhà máy điện được quy hoạch với tổng công suất 5.486 MW. Hiện, có 19 dự án đã đi vào vận hành với tổng công suất hơn 2.488MW; 6 dự án đang và chuẩn bị đầu tư với tổng công suất 906 MW.
Trong đó, lĩnh vực năng lượng tái tạo đã phát triển được 5 hệ thống phát điện tận dụng nhiệt dư với tổng công suất 99,2 MW; Nhà máy Điện mặt trời Yên Thái đóng trên địa bàn xã Yên Thái (Yên Định) với công suất 30MW; 3 nhà máy điện sinh khối với tổng công suất 47,7MW của 3 nhà máy sản xuất đường mía Lam Sơn, Việt Đài và Nông Cống. Toàn tỉnh cũng đã phát triển được 619 hệ thống điện mặt trời mái nhà, tổng công suất 67.126,6 KWp.
Công trình điện mặt trời áp mái tại Công ty TNHH 888 (huyện Quảng Xương). Ảnh: Tùng Lâm |
Nhiều dự án điện năng lượng tái tạo đã phát huy hiệu quả trong việc cung ứng điện sạch, góp phần giảm phát thải nhà kính và bước đầu đáp ứng các tiêu chí sản xuất xanh, bền vững theo xu hướng tất yếu của thị trường.
Tại thị xã Bỉm Sơn, hệ thống thu hồi nhiệt dư để phát điện của Nhà máy Xi măng Long Sơn đã sản xuất được khoảng 260 triệu kWh điện/năm; đáp ứng hơn 40% nhu cầu sử dụng điện của nhà máy, giúp doanh nghiệp tiết kiệm được từ 300 - 400 tỷ đồng chi phí về điện mỗi năm.
Tại Quy hoạch Điện VIII, Thanh Hóa đã được quy hoạch một số dự án năng lượng tái tạo mới, trong đó, có một số dự án quy mô lớn trong lĩnh vực điện khí, điện gió. Ban Quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và các khu công nghiệp tỉnh Thanh Hóa đang tích cực thực hiện các thủ tục lựa chọn nhà đầu tư Dự án điện khí LNG Nghi Sơn công suất 1.500 MW. Dự án điện gió Bắc Phương - Nghi Sơn công suất 100 MW và Dự án điện gió Mường Lát 200 MW cũng đã được UBND tỉnh chấp thuận lắp cột đo gió để khảo sát.
Hiện nay, để thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, thu hút thành công các nhà đầu tư có kinh nghiệm, tài chính và năng lực trong lĩnh vực điện gió, điện khí, điện sinh khối, tỉnh Thanh Hóa đang tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp tăng cường thúc đẩy giải phóng mặt bằng, tạo mặt bằng sạch, cải thiện thủ tục hành chính rút ngắn thủ tục đầu tư. Đồng thời, tăng cường tích cực tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư quảng bá hình ảnh môi trường đầu tư xứ Thanh tới các nhà đầu tư nước ngoài, hướng tới thu hút nhà đầu tư lớn trên thế giới trong lĩnh vực.
Từ cuối năm 2020, Công ty TNHH May mặc Hoàng Tùng (xã Trung Chính, huyện Nông Cống) đã đầu tư 13 tỷ đồng lắp đặt hệ thống điện mặt trời áp mái, công suất 990 KWp tại 2 phân xưởng. Ảnh: Minh Lý |
Theo đại diện Sở Công Thương Thanh Hóa, cùng với các giải pháp trên, đơn vị sẽ tiếp tục tham mưu cho các cấp tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch đã đề ra với mục tiêu giảm phát thải khí nhà kính tiến tới loại bỏ nhiệt điện than trước năm 2040; tham mưu thu hút đầu tư phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo và năng lượng mới nhằm đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển công nghiệp và thương mại trên địa bàn tỉnh.
Cùng với đó, đơn vị sẽ cùng ngành điện tham mưu, quan tâm quy hoạch phát triển các hệ thống lưới điện thông minh, cải tiến công nghệ lưu trữ năng lượng, nâng cấp hệ thống truyền tải điện nhằm tăng cường hiệu quả sử dụng năng lượng và khả năng kết nối giữa các khu vực.
UBND tỉnh Thanh Hóa đang đề xuất bổ sung các nhà máy điện tái tạo như dự án: Điện sinh khối Như Thanh (10 MW), Nhà máy điện rác Nghi Sơn (20MW), Nhà máy điện rác Thọ Xuân (12MW), Nhà máy điện mặt trời Thanh Hóa I (160MWp)... vào Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện 8. |