Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 15/11/2024 04:57
Tin nóng:
Đắk Nông: Năm 2024 sản lượng cà phê dự kiến đạt gần 344 tấn |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, diện tích cà phê toàn tỉnh năm 2024 là khoảng 143.000 ha, trong đó diện tích đang thu hoạch là 131.000 ha. Năng suất trung bình ước tính khoảng 26,2 tạ/ha, với tổng sản lượng dự kiến đạt 343.540 tấn, giảm 1,51 tạ/ha so với năm 2023, và tổng sản lượng giảm khoảng 16.000 tấn.
Nguyên nhân chính là do đợt nắng nóng và thiếu nước kéo dài vào những tháng đầu năm, trùng với giai đoạn cà phê ra hoa, đậu quả, làm nhiều vườn cà phê héo lá, khô hoa, quả non, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng.
Mặc dù năng suất và sản lượng có phần giảm so với năm trước, việc giá cà phê tăng liên tục và chất lượng cà phê được cải thiện đã giúp người trồng cà phê tại Đắk Nông cải thiện kinh tế, có thêm vốn để tái đầu tư và chăm sóc cây cà phê tốt hơn. Điều này cũng giúp họ kiên định với cây cà phê, không canh tác sang các loại cây trồng khác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho biết, 10 tháng năm nay Việt Nam đã xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn cà phê, thu về 4,6 tỷ USD. Số lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,8% nhưng giá trị lại tăng mạnh hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Niên vụ cà phê 2024-2025 của Việt Nam đang đứng trước nhiều biến động lớn về sản lượng và giá cả. Theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng cà phê của Việt Nam ước đạt 29 triệu bao, trong đó có 24,4 triệu bao dành cho xuất khẩu và 4,6 triệu bao phục vụ tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng, đến tình trạng bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do khủng hoảng chính trị kéo dài giữa các khu vực.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa), nhận định rằng niên vụ 2023-2024 là một năm đầy khó khăn khi giá cà phê Robusta tăng kỷ lục trên 5.000 USD/tấn, thậm chí cao hơn cả cà phê Arabica. Theo ông Nam đây là một hiện tượng hiếm gặp trên thị trường. Đặc biệt, giá cà phê trong nước đạt mức cao nhất trong 30 năm, tăng 33% về giá trị dù sản lượng xuất khẩu giảm 12,7%. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giao hàng đúng hẹn, dẫn đến nguy cơ mất thị trường vào tay các nguồn cung khác.
Với xu hướng giá cà phê hạ nhiệt nhưng thị trường vẫn khó lường, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cho rằng ngành cà phê Việt Nam cần củng cố mối quan hệ với các đối tác trong chuỗi cung ứng, đảm bảo giá cả hợp lý để doanh nghiệp và người nông dân cùng hưởng lợi. Việc điều chỉnh chiến lược từ sản xuất đến xuất khẩu là cần thiết để không chỉ đáp ứng nhu cầu ngắn hạn mà còn giúp duy trì tăng trưởng bền vững.
Nhìn về tương lai, các chuyên gia cũng khuyến nghị tránh mở rộng diện tích trồng trọt quá mức để không rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng cà phê, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng sẽ là chiến lược dài hạn giúp ngành cà phê Việt Nam giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.
48 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 10 triệu USD |
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2023-2024 có 48 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD.
Cụ thể, 48 doanh nghiệp này có tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5,199 tỉ USD, chiếm 96% giá trị xuất khẩu toàn ngành (bao gồm cả cà phê nhân và cà phê chế biến).
Vua xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua thuộc về Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) với kim ngạch hơn 520 triệu USD. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có 3 sản phẩm chính là cà phê nhân, hồ tiêu và cà phê thương hiệu L'amant Café. Đặc biệt Vĩnh Hiệp còn là doanh nghiệp tiên phong trong việc sản xuất cà phê hữu cơ.
Đứng vị trí thứ 2 là Công ty CP Tập đoàn Intimex với kim ngạch xuất khẩu niên vụ 2023-2024 hơn 407 triệu USD.
VICOFA cho biết, kết thúc niên vụ 2023 - 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,45 triệu tấn cà phê, dự kiến thu về 5,32 tỷ USD, giảm về sản lượng nhưng tăng về kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua cũng đạt mức kỷ lục của toàn ngành từ trước đến nay.
Theo truyền thông Trung Quốc, lượng tôm hùm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tăng mạnh, gấp 33 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính đến từ giá thành tôm hùm Việt Nam thấp hơn và quan hệ thương mại ngày càng chặt chẽ giữa hai quốc gia.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, từ đầu năm đến tháng 9/2024, Trung Quốc đã nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam đạt giá trị 205,87 triệu USD, tăng tới 3.285% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9/2024, lượng nhập khẩu tăng 133,9% so với tháng trước và tăng 2.336% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao cấp, trong đó có tôm hùm, tại Trung Quốc vẫn duy trì ổn định.
Các nhà phân tích nhận định rằng, sự cạnh tranh về giá của tôm hùm Việt Nam là một yếu tố thu hút nhờ lợi thế chi phí lao động và vận chuyển thấp. Trong bối cảnh giá tôm hùm nhập khẩu từ các thị trường khác như Australia và Canada vẫn cao, việc chuyển hướng nhập khẩu từ Việt Nam giúp giảm áp lực cho ngành nuôi trồng thủy sản nội địa Trung Quốc, vốn không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lớn.
Ngoài ra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi Trung Quốc nới lỏng quy định nhập khẩu hải sản sau đại dịch COVID-19, tôm hùm Việt Nam đã trở lại thị trường nước này. Các hiệp định thương mại như RCEP cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng xuất khẩu tôm hùm từ Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến khởi động lại nhập khẩu tôm hùm từ Australia vào cuối năm nay sau khi dỡ bỏ lệnh tạm dừng kéo dài gần bốn năm. Điều này có thể làm thay đổi cục diện thị trường tôm hùm nhập khẩu tại Trung Quốc, đặc biệt khi Australia từng chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu tôm hùm của nước này trong năm 2019.
Trong những năm gần đây, Israel đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu cá ngừ chủ lực của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và EU. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu cá ngừ sang Israel đang chịu ảnh hưởng từ căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel đã tăng 37% so với năm trước, đạt hơn 50 triệu USD, nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết vào ngày 25/7/2023.
Dù khu vực Trung Đông thường xuyên xảy ra xung đột, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Israel vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển, đặc biệt qua vịnh Aden - tuyến đường chiến lược kết nối châu Á và châu Âu, chiếm 12-13% thương mại toàn cầu.
Chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, cho biết xuất khẩu cá ngừ sang Israel đã có biến động trong năm 2024. Sau khi giảm 31% trong tháng 7, xuất khẩu tăng trở lại vào tháng 8 với mức tăng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cạnh tranh tại thị trường EU và các yếu tố kinh tế vĩ mô, như lạm phát và suy thoái kinh tế, cũng tác động đến nhu cầu tiêu thụ cá ngừ.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc khan hiếm nguyên liệu trong nước do quy định kích thước đánh bắt, đến giá nhập khẩu cao do chi phí vận chuyển. Nếu thị trường Israel gặp gián đoạn, lượng hàng tồn kho sẽ tăng, gây áp lực lớn lên dòng vốn của doanh nghiệp.
Để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mới và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn và thúc đẩy xuất khẩu.