Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 19:53
Tin nóng:
Cách tính thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tương đối như hiện nay còn nhiều bất cập. Nghị quyết 115/NQ-CP phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật tháng 7/2023 vừa qua đã nêu ra định hướng xây dựng phương pháp tính thuế hỗn hợp đối với rượu, bia, trên cơ sở bảo đảm mục tiêu thuế tiêu thụ đặc biệt góp phần định hướng sản xuất, hạn chế sử dụng các sản phẩm không có lợi cho sức khỏe.
Việt Nam đang áp dụng phương pháp tính thuế tiêu thụ đặc biệt tương đối với sản phẩm bia, rượu. Tức là áp phần trăm thuế suất dựa trên giá bán. Điều này vô tình đánh đồng về chất lượng sản phẩm bên trong. Các sản phẩm bia có độ cồn thấp hơn, ít tác hại cho sức khỏe hơn đôi khi lại chịu thuế bằng hoặc cao hơn các sản phẩm có độ cồn cao hơn, nhưng lại được các nhà sản xuất bán rẻ hơn để lôi kéo người tiêu dùng.
Theo các chuyên gia, cách tính thuế theo phương pháp tương đối hiện nay không khuyến khích người tiêu dùng lựa chọn các sản phẩm có độ cồn thấp, chất lượng tốt. Số liệu thống kê giai đoạn 2018 - 2021 cho thấy, sản lượng tiêu thụ bia tại Việt Nam không giảm mà có xu hướng dịch chuyển từ nhóm sản phẩm giá cao sang sản phẩm giá thấp hơn.
Nhiều nước trên thế giới đã chuyển sang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt theo phương pháp tuyệt đối, tức là đánh thuế dựa trên nồng độ cồn với bia, rượu. Bia, rượu có nồng độ cồn càng cao, sẽ chịu thuế càng cao. Đây là cơ chế khá công bằng, minh bạch, vừa tăng khả năng cạnh tranh lại vừa giúp điều chỉnh hành vi lạm dụng bia, rượu.
Tuy nhiên việc chuyển đổi sang phương pháp tính thuế này có thể mất nhiều thời gian và cần có lộ trình cụ thể.
Theo PGS.TS Nguyễn Thường Lạng, Đại học Kinh tế Quốc dân Hà Nội, hai phương pháp tính thuế tương đối và tuyệt đối đều có những ưu điểm và nhược điểm riêng. Vì vậy, trên thế giới đang chuyển sang áp dụng phương pháp tính thuế hỗn hợp, tức là kết hợp cả thuế tương đối và tuyệt đối với sản phẩm bia, rượu.
Chế độ thuế hỗn hợp, hiện đã được áp dụng rộng rãi tại nhiều quốc gia như: Singapore, Philippines, Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản...
TS Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR), Trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho rằng, lý tưởng nhất là Nhà nước nên điều chỉnh chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt với bia, rượu, theo phương pháp hỗn hợp.
Đây là xu hướng đang diễn ra trên thế giới và đã được chứng minh có hiệu quả tốt hơn trong quản lý sản phẩm bia, rượu. Phương pháp này vừa có thể điều tiết tiêu dùng, giảm tác động tiêu cực của đồ uống có cồn đến sức khoẻ con người, vừa có đóng góp cho xã hội và nền kinh tế.
Hệ thống thuế hỗn hợp có những lợi thế rõ ràng trong việc thực hiện mục tiêu của chính phủ là giảm tác hại của việc tiêu thụ cồn, đồng thời vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách bền vững và khuyến khích sự phát triển của ngành bia.
Theo cơ cấu thuế hỗn hợp, mức thuế tuyệt đối được đánh trên lượng tiêu thụ (lon/ lít). Do đó, các nhà sản xuất có động lực để đầu tư chi phí (ví dụ như sử dụng nguyên vật liệu đầu vào có giá trị cao hơn, đầu tư dây chuyền sản xuất hiện đại hơn...), để tạo ra những sản phẩm giá trị chất lượng cao, thậm chí có độ cồn thấp và ít tác hại hơn.
Khi có nhiều lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt hơn, người tiêu dùng sẽ có xu hướng tự điều chỉnh giảm tiêu dùng các sản phẩm có chất lượng kém, gây nhiều tác hại đến sức khỏe. Khi các sản phẩm ít cồn có giá thấp hơn, sẽ khuyến khích nhiều đổi mới hơn và mức tiêu thụ nồng độ cồn nguyên chất có thể giảm.
Về tác động đối với ngân sách, trong dài hạn, nguồn thu ngân sách được gia tăng bền vững xét trên tổng thu từ các loại thuế trực thu (thuế đánh trên thu nhập) và gián thu.