Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 15/11/2024 04:30
Tin nóng:
Quảng Ninh: Thanh toán không dùng tiền mặt tại Chợ 4.0, thúc đẩy kinh tế số Quảng Ninh xanh hóa khu công nghiệp, 'lót ổ' đón đại bàng Quảng Ninh kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thương mại nội địa |
Nhiều năm qua, cây chè gắn bó với người dân ở các xã của huyện Hải Hà, tỉnh Quảng Ninh và trở thành cây trồng mang lại hiệu quả kinh tế cao. Với diện tích hơn 800ha, huyện Hải Hà trở thành địa phương trồng cây chè tập trung lớn nhất tỉnh Quảng Ninh.
Ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà, cây chè trở thành cây chủ lực của xã. Bởi vậy, địa phương luôn đồng hành với người dân trong việc định hướng, thay đổi phù hợp với nhu cầu thực tế, thị hiếu của thị trường.
Cây chè tại huyện Hải Hà trở thành vùng sản xuất chủ lực của ngành nông - lâm nghiệp địa phương. Ảnh: Phan Hằng |
Hiện nay, việc chăm sóc cây chè bằng các giải pháp thông thường được chuyển sang chăm sóc chè hữu cơ, thành lập các tổ hợp tác xã phát triển cây chè.
Ông Nguyễn Thế Khánh - Chủ tịch Hội nông dân xã Quảng Long cho hay, xã đã chuyển đổi được trên 40ha chè chất lượng cao, hình thành được các tổ hợp tác xã trồng chè theo hướng hữu cơ. Chất lượng, năng suất đã thay đổi rõ rệt, nếu như trước đây 1ha chỉ cho thu nhập 50-70 triệu đồng/năm thì nay phải nâng lên gấp 2, gấp 3 lần.
Theo ông Khánh, tiến tới, xã sẽ tiếp tục tập trung đưa các loại máy móc công nghệ cao vào để sản xuất, chế biến, nâng cấp về giống… làm sao tạo ra sản phẩm sạch cung cấp ra thị trường, đảm bảo đúng theo quy trình VietGAP.
Xã Quảng Long hiện có trên 350 hộ sản xuất, chế biến, kinh doanh chè. Cây chè cho người dân nguồn thu nhập ổn định, bình quân 1ha cho thu nhập 150-200 triệu đồng/ha/năm. Với định hướng đi lên từ cây chè, Hải Hà xác định vùng trồng chè là vùng sản xuất chủ lực của ngành nông - lâm nghiệp địa phương.
Bà Nguyễn Thị Thử ở xã Quảng Long, huyện Hải Hà cho biết, cây chè gắn bó với gia đình bà từ những năm 1990, giúp cả nhà bà có điều kiện lo cho con cái học hành, đảm bảo kinh tế gia đình ổn định, góp phần phát triển kinh tế địa phương.
Theo đánh giá của bà Thử, trồng chè so với công việc làm nông khác vẫn có thu nhập cao hơn. Theo đó, chè nguyên liệu tươi bán cho các doanh nghiệp, cơ sở thu mua để chế biến chè trên địa bàn, hái tới đâu sẽ thu mua hết tới đó, không bị tồn đọng, mỗi tấn chè tươi trừ mọi chi phí, người trồng chè còn lãi 6 triệu đồng.
Với người trồng chè, ngoài thu nhập chính từ loại cây này thì những lúc nhàn rỗi, người dân có thể làm những việc khác, như cấy lúa, đi chợ... cho thu nhập thêm chứ không phải lúc nào cũng phải ở bên cây chè.
Huyện Hải Hà đã liên tục nâng cấp cho cây chè bằng nhiều hoạt động khác nhau. Trong đó, kết hợp trồng chè và phát triển du lịch đang được địa phương đẩy mạnh. Ảnh: Phan Hằng |
Ông Nguyễn Hữu Liêm, Phó Chủ tịch UBND huyện Hải Hà cho biết, huyện đã tập trung cho việc sản xuất chè theo hướng hữu cơ. Hiện nay, địa phương duy trì hơn 800ha trồng chè, chè hữu cơ đạt hơn 100ha, chủ yếu sản xuất theo hướng VietGAP và theo đúng quy trình hướng dẫn của các ngành chức năng.
Theo ông Liêm, búp chè hữu cơ rất dày, sản lượng chè đem lại rất cao, trước chỉ đạt tầm 100.000 đồng/kg thành phẩm nhưng đến thời điểm này, khi triển khai theo hướng hữu cơ thì giá trị chè tăng mạnh, có loại đã lên tới 1,2 triệu đồng/kg.
Trong đó, nổi bật có chè Ô Long có giá trị rất cao, có sản phẩm đã đưa ra thị trường nước ngoài như Đài Loan, Trung Quốc, Hàn Quốc, chuẩn bị giới thiệu sang Nhật Bản.
Cùng với đẩy mạnh sản xuất, huyện Hải Hà đã và đang xác định mở rộng phát triển du lịch sinh thái vùng chè. Việc quảng bá mô hình du lịch đồi chè được địa phương thực hiện trước hết là thông qua tổ chức lễ hội trà.
Hiện tại, xã Quảng Long là vùng trồng chè lớn của huyện, thường niên tổ chức ngày hội Văn hóa - Du lịch Trà Đường Hoa và trong năm nay đã nâng cấp lần đầu tiên tổ chức Lễ hội Trà Đường Hoa quảng bá thương hiệu trà OCOP chủ lực của huyện, vừa tạo cơ hội để du khách gần xa khám phá vẻ đẹp văn hóa, thiên nhiên độc đáo của vùng đất Hải Hà.
Tại lễ hội, du khách được khám phá vẻ đẹp của đồi chè, tham gia giải đua xe đạp, chạy bộ quanh đồi chè; trải nghiệm văn hóa chè và chiêm ngưỡng nghệ thuật pha trà, thi hái chè, sao chè thủ công truyền thống; thưởng thức hương vị trà Đường Hoa qua những chén trà, ẩm thực trà mang hương vị đặc trưng của vùng đất Hải Hà…