Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 14/11/2024 14:30
Tin nóng:
Thời gian qua, hàng hoá nhập khẩu giao dịch qua thương mại điện tử tăng mạnh, xuất hiện nhiều sàn thương mại điện tử mới bán hàng giá rẻ vào thị trường Việt Nam chưa đăng ký hoạt động tại Việt Nam hoặc chưa được thông báo trên hệ thống quản lý hoạt động thương mại điện tử của Bộ Công Thương.
Trong đó, dư luận đặc biệt quan tâm đến việc, từ đầu tháng 10, Temu là sàn thương mại điện tử xuyên biên giới, được thành lập bởi PĐ Holdings (Trung Quốc) chưa đăng ký hoạt động chính thức ở Việt Nam, nhưng người dùng có thể vào các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại để tải app và mua hàng, thanh toán trên nền tảng này với phiên bản tiếng Việt.
Ngoài Temu, gần đây, các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới khác như Shein, 1688 cũng hoạt động kinh doanh tại Việt Nam nhưng chưa đăng ký với Bộ Công Thương.
Điều này gây tiềm ẩn rủi ro về nhập khẩu hàng giả, hàng nhái, hàng vi phạm sở hữu trí tuệ, hàng kém chất lượng, không đạt yêu cầu nhập khẩu hoặc lợi dụng chính sách để trốn thuế…
Chính vì thế, việc bảo đảm các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam trong hoạt động là yêu cầu hàng đầu, cấp bách luôn được các cơ quan chức năng đặc biệt quan tâm.
Liên quan đến vấn đề này, tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 9/11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hoàng Long trả lời báo chí về việc rà soát các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới đang hoạt động ở Việt Nam nhưng chưa cấp phép như Temu và Shein.
Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Long cho biết, Bộ Công Thương đã làm việc với đại diện của sàn thương mại điện tử xuyên biên giới Temu, Shein và yêu cầu phải hoàn thành thủ tục đăng ký kinh doanh trong tháng 11/2024. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng yêu cầu Temu và Shein phải thông báo chính thức trên các ứng dụng với người tiêu dùng Việt Nam về việc đang thực hiện đăng ký hoạt động.
Trong quá trình hoàn thiện thủ tục hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, các sàn điện tử Temu và Shein phải dừng các hoạt động quảng cáo, marketing để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.
Thứ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, sau thông báo, nếu các sàn này không tuân thủ, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để thực hiện các biện pháp kỹ thuật như ngăn chặn ứng dụng, chặn tên miền.
Sàn thương mại điện tử Temu gây xôn xao trong thời gian qua. (Ảnh: baochinhphu.vn) |
Trước đó, ngày 26/10, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đã ký Công văn số 8598/BCT-TMĐT gửi các đơn vị thuộc Bộ về việc đẩy mạnh quản lý Nhà nước về thương mại điện tử. Trong đó, yêu cầu Cục thương mại điện tử và Kinh tế số chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị liên quan tăng cường truyền thông, hướng dẫn người tiêu dùng thận trong khi thực hiện mua sắm trực tuyến trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới nói chung và các nền tảng như Temu 1688… nói riêng. Đặc biệt tuyệt đối không thực hiện giao dịch với các nền tảng khi chưa được Bộ Công Thương xác nhận đăng ký tại Cổng thông tin quản lý hoạt động thương mại điện tử.
Bộ Công Thương cũng đã kịp thời có các giải pháp trước mắt để bảo đảm hiệu quả quản lý Nhà nước trên hoạt động thương mại điện tử. Cụ thể, Bộ Công Thương đã chỉ đạo các đơn vị chức năng thuộc Bộ phối họp với Tổng cục Hải quan tăng cường giám sát, kiểm soát hàng hóa, sản phẩm từ các nền tảng xuyên biên giới; Ủy ban cạnh tranh Quốc gia tăng cường công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạn, có biện pháp tuyên truyền kịp thời đến người tiêu dùng, nâng cao nhận thức về những rủi ro khi mua hàng trên các nền tảng thương mại điện tử xuyên biên giới chưa đăng ký với các cơ quan chức năng của Việt Nam…
Mới đây, ngày 8/11, Tổng cục Hải quan đã có Văn bản số 5480/TCHQ-GSQL gửi Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố quán triệt và chỉ đạo các đơn vị thuộc Cục tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, kiểm soát đối với hàng hoá giao dịch qua thương mại điện tử.
Theo đó, Tổng cục Hải quan, Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập, cần thực hiện đầy đủ, đúng quy định các bước trong quy trình thủ tục hải quan, đặc biệt là đối với các lô hàng vận chuyển độc lập từ cửa khẩu nhập về các địa điểm tập kết, kiểm tra, giám sát tập trung đối với hàng bưu chính, chuyển phát nhanh. Bên cạnh đó, không thực hiện thủ tục hải quan đối với các tờ khai vận chuyển độc lập.
Khi phát hiện hàng hoá có dấu hiệu vi phạm pháp luật, Chi cục Hải quan cửa khẩu nhập thực hiện kiểm tra thực tế hàng hoá theo quy định tại Điều 29 Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 được sửa đổi, bổ sung tại Thông tư số 39/2018/TT-BTC ngày 20/4/2018 của Bộ Tài chính…
Những động thái trên cho thấy sự quyết liệt, chủ động của các cơ quan chức năng trong việc bảo đảm các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới tuân thủ pháp luật Việt Nam. Dư luận cho rằng, đây là hành động cần thiết và kịp thời để bảo vệ người tiêu dùng và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.