Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 01:08
Tin nóng:
Doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ minh bạch trên thị trường vốn để không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Ảnh: Quang Vinh. |
Vai trò của xếp hạng tín nhiệm
Với các doanh nghiệp, xếp hạng tín nhiệm tốt giúp tiếp cận nguồn vốn ngân hàng nhanh chóng với ưu đãi, giao dịch với đối tác trong và ngoài nước được ưu đãi về giá cả, dịch vụ. Các ngân hàng được tổ chức uy tín xếp hạng tín nhiệm cao có nhiều lợi thế như huy động vốn, hoạt động nghiệp vụ, cho vay, vay vốn với lãi suất thấp từ các tổ chức trong nước và quốc tế.
Ông Lê Hồng Khang - Giám đốc xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, xếp hạng tín nhiệm góp phần chuẩn hoá chất lượng tín dụng và tham chiếu để định giá lãi suất, từ đó góp phần xây dựng đường cong lãi suất theo xếp hạng tín nhiệm.
Giới chuyên gia cho rằng nhiều doanh nghiệp được xếp hạng tín nhiệm tạo điều kiện để các tổ chức tín dụng áp dụng phương pháp quản trị rủi ro theo thông lệ quốc tế, cụ thể là Basel III.
Các chính sách và hệ số rủi ro có thể tham chiếu kết quả xếp hạng tín nhiệm độc lập theo phương pháp chuẩn hóa (Standardised Approach) bên cạnh hệ thống xếp hạng tín nhiệm nội bộ (Internal Rating Based Approach) của các tổ chức tín dụng nếu được áp dụng sẽ góp phần hỗ trợ các tổ chức tín dụng và cơ quan quản lý trong việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng dựa trên chất lượng tín dụng, thay vì theo nhóm ngành như hiện nay.
Tuy nhiên, theo TS Nguyễn Quốc Hùng - Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng, việc xếp hạng tín nhiệm còn hạn chế, chưa trở thành quy định bắt buộc như kiểm toán độc lập khiến tỷ lệ DN sử dụng xếp hạng tín nhiệm rất thấp cho thấy doanh nghiệp, trong đó có ngân hàng chưa quan tâm đến vấn đề này.
Ông Nguyễn Quang Thuân - Tổng Giám đốc xếp hạng tín nhiệm FiinRatings cho biết, hiện Việt Nam đứng thứ 4 trong khu vực về quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp/GDP, sau Malaysia, Singapore và Thái Lan. Xếp hạng tín nhiệm tại các nước này đã hình thành khá lâu, như Malaysia có đơn vị xếp hạng tín nhiệm đầu tiên từ năm 1990 và đến nay tỷ lệ trái phiếu được xếp hạng tín nhiệm đã đạt trên 54%.
Trong khi đó, xếp hạng tín nhiệm tại Việt Nam còn khá sơ khai và mới chỉ có 3 đơn vị được cấp phép, bao gồm FiinRatings, VIS Rating và Saigon Ratings, dẫn đến thị trường thiếu thông tin đánh giá về doanh nghiệp có khả năng so sánh tương đối về chất lượng tín dụng.
"Nhiều doanh nghiệp vẫn thờ ơ với xếp hạng tín nhiệm, hiện tỷ lệ doanh nghiệp sử dụng công cụ này còn rất thấp", ông Thuân nói.
Doanh nghiệp cần chủ động
Ông Nguyễn Quang Thuân cho rằng, hiện nay, dù lãi suất đang xuống thấp, tiền vẫn chủ yếu “chảy” về ngân hàng với gần 7 triệu tỷ đồng tiền gửi, vì người dân không biết, thậm chí không dám đầu tư vào các kênh khác, nhất là sau những “tai tiếng” trên thị trường vốn. Vị chuyên gia cho rằng, Việt Nam hiện còn thiếu điều kiện để cho người dân đầu tư dài hạn. Các công ty bảo hiểm cũng chủ yếu gửi ngân hàng và trái phiếu chính phủ, với lãi suất rất thấp không thể đảm bảo tối đa hoá lợi nhuận. Vì vậy, các thành viên trên thị trường cần chung tay để có những bước đi trước kể cả khi chưa có quy định bắt buộc về xếp hạng tín nhiệm.
"Xếp hạng tín nhiệm không phải là “cây đũa thần”, nhưng để thị trường phát triển thì phải có niềm tin. Doanh nghiệp cần xây dựng hồ sơ minh bạch trên thị trường vốn để không phải phụ thuộc nhiều vào vốn vay ngân hàng. Đây là điều cần sự nỗ lực của nhiều bên, không chỉ từ các cơ quan quản lý như Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước,… mà còn của doanh nghiệp, ngân hàng, nhà đầu tư” - ông Thuân nhấn mạnh, đồng thời đề xuất, một số trường hợp phát hành trái phiếu bắt buộc phải xếp hạng tín nhiệm để minh bạch thông tin. Bên cạnh đó, sớm đưa ra quy định mang tính bắt buộc xếp hạng tín nhiệm với doanh nghiệp phát hành trái phiếu ra công chúng để thúc đẩy thị trường phát triển lành mạnh, trở thành kênh huy động vốn trung, dài hạn chính của nền kinh tế…