Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ hai 18/11/2024 15:22
Tin nóng:
Phát triển bền vững Cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường CPTPP: Sản xuất bền vững là "chìa khoá" quan trọng Ngành dệt may Việt Nam cần đón đầu chuyển đổi xanh trước khi quá muộn |
Đáp ứng xu hướng tiêu dùng xanh
Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng sản phẩm xanh tại Việt Nam tăng trưởng trung bình 15% mỗi năm trong giai đoạn 2021-2023. Khoảng 72% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho các sản phẩm xanh.
Người tiêu dùng đang đặt niềm tin vào các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm rõ ràng. Ảnh CP |
Còn theo kết quả điều tra của Công ty Nielsen Việt Nam, người tiêu dùng đặt niềm tin vào các mặt hàng có nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng sản phẩm rõ ràng. Bởi vậy, chất lượng “xanh” sẽ trở thành lợi thế cạnh tranh giúp các doanh nghiệp chiếm lĩnh thị phần tốt hơn. Việc phát triển thương hiệu gắn với yếu tố “xanh” - sử dụng nguyên, vật liệu, công nghệ thân thiện, đưa ra sản phẩm sạch, bảo đảm môi trường ngày càng có vai trò quan trọng trong chiến lược phát triển của doanh nghiệp.
Tại một sự kiện liên quan đến ESG diễn ra mới đây, bà Phạm Thị Ngọc Thủy – Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đã chia sẻ một câu chuyện liên quan đến vấn đề sản xuất xanh, phát triển bền vững. Theo đó, cách đây 2 năm, nhiều doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã vô cùng “sốc” trước hiện tượng “dệt may xanh” của Bangladesh. Cụ thể, chỉ trong khoảng thời gian rất ngắn, tăng trưởng xuất khẩu của doanh nghiệp dệt may Bangladesh sang Hoa Kỳ tăng 54% nhờ chứng chỉ xanh.
Trước hiện tượng đó, một nữ chủ doanh nghiệp dệt may Việt Nam đã trực tiếp đi tìm hiểu xem doanh nghiệp Bangladesh đã đạt chứng chỉ gì của thị trường Hoa Kỳ, thì được biết đó là chứng chỉ LEED do các tổ chức của Hoa Kỳ cấp. Mặc dù rất “choáng” với những tiêu chí đánh giá của LEED, nhưng nữ doanh nhân này vẫn quyết tâm làm và thu được kết quả. Năm ngoái, trong lúc toàn ngành dệt may Việt Nam tăng trưởng âm gần 10% thì doanh nghiệp dệt may này vẫn tăng trưởng dương, trở thành doanh nghiệp được quyền chọn nhà mua quốc tế khi sở hữu chứng chỉ hiếm so với các doanh nghiệp khác trên cùng thị trường.
Như vậy, phát triển bền vững với việc tính đến các yếu tố như kinh tế, xã hội, môi trường đang được coi là “chìa khóa” để doanh nghiệp đẩy mạnh thương hiệu, kết nối giao thương và nâng cao hiệu quả kinh doanh bằng cách xây dựng niềm tin vào nhãn hàng thông qua các cam kết về trách nhiệm xã hội và môi trường, đặt vấn đề sức khỏe người tiêu dùng vào trọng tâm của việc phát triển sản phẩm, gắn phát triển sản phẩm với cam kết bền vững.
Phát triển bền vững mang lại cơ hội cho doanh nghiệp. Ảnh ST |
Phát triển bền vững giúp doanh nghiệp định vị thương hiệu
Đặc biệt chú trọng đến phát triển bền vững, bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ - Giám đốc Quản trị chiến lược Nguồn nhân lực, Truyền thông Đối ngoại và Phát triển bền vững – AEON Việt Nam cho rằng: AEON đã tích hợp các yếu tố bền vững vào tuyển dụng lao động để đào tạo và nâng cao nhận thức phát triển bền vững cho nhân viên. Cụ thể, AEON đặc biệt chú trọng về các chính sách cốt lõi phát triển bền vững cho nhân viên thông qua việc nâng cao nhận thức, đào tạo cho nhân viên. Có chính sách khuyến khích nhân viên có những cải tiến sáng tạo, chung tay tham gia những hoạt động cộng đồng cho mục đích phát triển bền vững.
Cũng theo bà Nguyễn Thị Ngọc Huệ, những chính sách phát triển bền vững về con người đã giúp AEON gặt hái được nhiều thành công trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh và nhiều danh hiệu khác. Cụ thể, năm 2024, AEON đã vinh dự được Liên đoàn Tham vấn Quốc tế công nhận là doanh nghiệp có văn hóa Khai vấn. Trước đó, năm 2023, AEON cũng là doanh nghiệp được vinh danh là Top 1 nhà tuyển dụng trong lĩnh vực bán lẻ và nằm trong Top 13 thuộc 100 doanh nghiệp được người lao động bình chọn là nơi làm việc tốt nhất Việt Nam.
Rõ ràng, phát triển bền vững là nhu cầu tất yếu mà các doanh nghiệp đang hướng tới, tuy nhiên, theo ông Tô Quốc Hưng, Giám đốc Quốc gia, Hiệp hội Kế toán Công chứng Anh Quốc (ACCA) cho rằng, do hạn chế về quy mô và nguồn lực, nên việc áp dụng các tiêu chuẩn phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam hiện nay vẫn đang trong quá trình phát triển. Đặc biệt, việc đáp ứng các tiêu chuẩn liên quan đến báo cáo phát triển bền vững quốc tế không chỉ là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam mà còn ở nhiều quốc gia khác trên thế giới. Đây là 1 điểm chung và là điểm yếu hạn chế khiến các doanh nghiệp này đều gặp khó khăn trong việc chuyển đổi kép cũng như đáp ứng các tiêu chuẩn về phát triển bền vững.
Để hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ khắc phục các khó khăn này, ACCA đã phát triển những bộ công cụ đặc biệt để hỗ trợ các doanh nghiệp, từ việc hướng dẫn chi tiết dựa trên các tiêu chuẩn quốc tế cho đến việc xây dựng các công cụ nhập dữ liệu đầu vào, giúp doanh nghiệp dễ dàng tạo ra báo cáo phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế.
“Tại Việt Nam, chúng tôi cũng đang tiến hành phát triển các công cụ riêng biệt, cụ thể theo từng ngành, giúp doanh nghiệp tiếp cận dễ dàng hơn với các yêu cầu quốc tế. Đối với các doanh nghiệp tại Việt Nam, chúng tôi còn đi sâu hơn khi triển khai các hướng dẫn cụ thể theo từng ngành nghề và nhóm doanh nghiệp. Đi kèm với đó, chúng tôi phát triển các công cụ giúp doanh nghiệp vừa và nhỏ dễ dàng nhập liệu đầu vào, từ đó tạo ra các báo cáo gần nhất với tiêu chuẩn quốc tế”, ông Tô Quốc Hưng chia sẻ.
Tuy nhiên, cũng theo ông Tô Quốc Hưng, về dài hạn, yếu tố quan trọng nhất với doanh nghiệp trong quá trình phát triển bền vững vẫn là phát triển nguồn nhân lực. Đội ngũ nhân lực có kiến thức về chuyển đổi xanh không chỉ cần thiết cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa mà còn cho cả những doanh nghiệp lớn. Để hỗ trợ vấn đề này, ACCA có kế hoạch đẩy mạnh việc nâng cao năng lực nguồn nhân lực liên quan đến chuyển đổi xanh tại Việt Nam trong thời gian tới, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững.