Ngoài Trung Quốc, các thị trường tiêu thụ cau khác gồm Mỹ, xếp thứ hai với gần 1 triệu USD, Thái Lan với 258.000 USD, Nepal là 141.000 USD, Ấn Độ 88.000 USD, Sri Lanka 64.000 USD và Bhutan 29.000 USD. Trong đó, một số thị trường như Thái Lan, Nepal, Sri Lanka và Bhutan năm 2023 không nhập khẩu cau Việt Nam, cho thấy nhu cầu năm nay có sự thay đổi.
Theo Trung tâm giám sát giá tỉnh Hải Nam (Trung Quốc), ngày 18/10, giá mua loại quả này trung bình tại địa phương này tăng lên mức 44,27 nhân dân tệ/jin (tương đương hơn 155.000 đồng/0,5kg), tăng tới hơn 175% so với cùng kỳ năm ngoái. Nhưng đến ngày 25/10, giá mua đã rớt xuống còn 33,75 nhân dân tệ/jin (tương đương hơn 120.000 đồng/0,5kg).
Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhu cầu cau tăng mạnh do nguồn cung tại đảo Hải Nam (Trung Quốc) - nơi cung cấp tới 90 - 99% tổng sản lượng cau nước này - bị suy giảm nghiêm trọng do bão. Vì vậy, Trung Quốc phải tăng nhập khẩu từ các nước khác như Việt Nam và Indonesia để bù đắp.
Thời gian qua, giá cau tại Trung Quốc liên tục tăng cao do bệnh vàng lá trên cây ngày càng nghiêm trọng, khiến nguồn cung bị giảm sản lượng. Đầu tháng 10, giá cau tại nước này lập đỉnh 45 nhân dân tệ/cân (cân Trung Quốc bằng 0,6kg), tương đương 270.000 đồng/kg, tăng 25% so với tháng trước và gấp 6 lần so với năm 2016.
Tại Việt Nam, giá cau cũng tăng mạnh, có lúc lên tới 85.000 đồng/kg ở Quảng Ngãi và gần 100.000 đồng/kg ở Quảng Nam. Tuy nhiên hiện tại giá cau đã giảm còn khoảng 40.000 - 50.000 đồng/kg, thấp hơn nhiều so với giá cau tại Trung Quốc (khoảng 220.000 đồng/kg).