Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 15:41
Tin nóng:
Để nông sản Việt tận dụng được ưu thế của Hiệp định RCEP Hiệp định RCEP: Cánh cửa vàng mở ra thị trường tỷ đô cho thủy sản Việt Nam |
Cơ hội lớn từ thị trường Thái Lan
Thái Lan là một trong những đối tác có kim ngạch xuất nhập khẩu lớn với tổng giá trị trao đổi thương mại luôn nằm trong số 10 quốc gia có quan hệ thương mại lớn nhất với Việt Nam.
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch thương mại song phương của Việt Nam với Thái Lan tăng gấp 2 lần, từ 9,42 tỷ USD năm 2013 lên đến 18,99 tỷ USD năm 2023, tốc độ tăng trưởng bình quân đạt hơn 8,4%/năm.
9 tháng năm 2024, Việt Nam thu về 5,86 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Thái Lan, tăng 7,7% so với cùng kỳ năm trước (YoY).
9 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu sang Thái Lan 5,86 tỷ USD - Ảnh minh hoạ: Tuấn Anh |
Việt Nam xuất khẩu 34 mặt hàng sang Thái Lan, trong đó 14 mặt hàng có kim ngạch từ 100 triệu USD trở lên với tổng 4,5 tỷ USD, chiếm 77% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang nước này.
Máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng khác có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất với 757 triệu USD, tăng 2,2% so với cùng kỳ năm trước. Điện thoại và linh kiện với giá trị 657 triệu USD, giảm sâu 14,1% so với cùng kỳ; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện 584 triệu USD, tăng tới 27,9% YoY.
Ngoài nhóm điện tử, kim ngạch xuất khẩu dầu thô cũng đạt giá trị cao với 576 triệu USD, tăng 1,3% so với cùng kỳ. Phương tiện vận tải và phụ tùng khác xuất khẩu sang Thái Lan cũng đạt 430 triệu USD, giảm sâu 23% YoY.
Về nhập khẩu, Việt Nam chi 8,89 tỷ USD để nhập khẩu hàng hóa từ Thái Lan trong 9 tháng năm 2024, tăng 2,4% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam nhập khẩu từ nước này 42 mặt hàng chính, ô tô nguyên chiếc là mặt hàng nhập khẩu lớn nhất với 922 triệu USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ. Thái Lan hiện là thị trường nhập khẩu ô tô lớn thứ 2 của Việt Nam (sau Indonesia) với 47.580 chiếc, chiếm 38% tổng lượng nhập trong 9 tháng đầu năm 2024.
Theo ông Lê Hữu Phúc - Tham tán thương mại Việt Nam tại Thái Lan, hiện hai nước đang phấn đấu đạt được mục tiêu 25 tỷ USD trong thương mại hai chiều vào năm 2025. Ngoài ra, Thái Lan cũng là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 9 tại Việt Nam với 735 dự án trị giá 14 tỷ USD.
Mặc dù là quốc gia xuất khẩu nông sản hàng đầu, nhưng Thái Lan vẫn có nhu cầu nhập khẩu lớn về các mặt hàng như thủy sản, rau quả, hạt điều, cà phê, hạt tiêu và nhiều loại trái cây tươi từ Việt Nam… Điều này đem đến một cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt Nam khi mở rộng xuất khẩu sang thị trường này.
Với dư địa xuất khẩu sang Thái Lan rất lớn, các doanh nghiệp Việt Nam đang xúc tiến mở rộng thị phần sang thị trường này.
Định hướng mới để thâm nhập thị trường Thái Lan
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh - chuyên gia kinh tế đánh giá, Thái Lan có hệ thống kênh phân phối đa dạng, tạo nhiều cơ hội cho hàng hóa Việt Nam thâm nhập vào các hệ thống này và đến với người tiêu dùng Thái Lan. Bên cạnh đó, Việt Nam - Thái Lan và các nước ASEAN khác cùng tham gia vào nhiều hiệp định, các thỏa thuận thương mại song phương và đa phương như Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA), các Hiệp định Thương mại tự do giữa ASEAN với các nước đối tác.
Đặc biệt, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (Hiệp định RCEP) không chỉ giúp hàng rào thuế quan đối với hàng hóa của hai nước về cơ bản đã được dỡ bỏ, mở ra nhiều cơ hội cho hàng hóa xuất nhập khẩu mà còn tạo thuận lợi cho Việt Nam và Thái Lan hợp tác xây dựng chuỗi cung ứng, chuỗi sản xuất và thúc đẩy xuất khẩu sang nước thứ ba.
Mặc dù nhận định Thái Lan là thị trường tiềm năng xuất khẩu cho doanh nghiệp Việt, song PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cũng nhấn mạnh, hàng Việt cũng đối mặt nhiều thách thức về chất lượng, giá cả, mẫu mã, phương thức kết nối… để có thể cạnh tranh với các nước khác cùng khu vực.
Vị chuyên gia phân tích thêm: Thái Lan là đất nước nông nghiệp nên hàng Việt Nam xuất khẩu sang sẽ bị cạnh tranh do tương đồng về sản phẩm. Người tiêu dùng Thái Lan ưa chuộng sản phẩm chế biến sẵn, đóng gói với nhiều kích thước. Thực phẩm cũng là phân khúc mục tiêu của doanh nghiệp Việt, tuy nhiên đang có sự cạnh tranh rất quyết liệt giữa các nhà xuất khẩu.
"Doanh nghiệp Việt nếu không có chiến lược thị trường, sản phẩm cụ thể sẽ rất khó cạnh tranh. Cùng với đó, nhận diện thương hiệu thực phẩm nói riêng, hàng Việt nói chung cũng là yếu tố cần chú tâm xây dựng", ông Thịnh nói.
Người tiêu dùng Thái Lan tiếp cận sản phẩm Việt tại Tuần hàng Việt Nam tại Thái Lan - Ảnh: Minh Anh |
Đồng quan điểm, bà Hồ Thị Quyên - Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. Hồ Chí Minh (ITPC) cho biết, để tăng cường xuất khẩu sang Thái Lan, các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện chất lượng sản phẩm, đặt giá bán hợp lý, cải tiến mẫu mã và bao bì,… Bên cạnh đó, người tiêu dùng Thái Lan ngày càng chuyển hướng sang ủng hộ các sản phẩm xanh và thân thiện với môi trường.
Đáp ứng nhu cầu này, các nhà sản xuất, nhà bán lẻ Việt Nam cần nỗ lực đầu tư chuyển đổi mô hình sản xuất, kinh doanh hướng đến phát triển xanh, bền vững; đầu tư đổi mới dây chuyền sản xuất hiện đại công nghệ cao, sử dụng ít tài nguyên, năng lượng, giảm thiểu chất thải và khí thải.
Cùng với đó, đẩy mạnh triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, phát triển thị trường xuất khẩu theo các định hướng kết nối các chuỗi cung ứng bao gồm: hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam tìm kiếm và xây dựng đại lý; giới thiệu và tiếp cận việc đưa hàng Việt Nam tiêu thụ tại các siêu thị của Thái Lan.
Đẩy mạnh hợp tác kinh tế địa phương, nhất là các tỉnh Đông Bắc Thái Lan, nơi tập trung đông đảo kiều bào sinh sống, với các tỉnh miền Trung Việt Nam. Tạo thuận lợi cho việc tiếp cận thị trường của các sản phẩm địa phương theo chương trình OTOP của Thái Lan và chương trình OCOP của Việt Nam.
Mặt khác, tìm kiếm các cơ hội kết nối doanh nghiệp hai bên trong các lĩnh vực như phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, năng lượng tái tạo.
Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là thỏa thuận giữa các quốc gia thành viên bao gồm 10 nước thành viên của Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN): Brunay, Campuchia, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Philippines, Singapore, Thái Lan và Việt Nam cùng với Úc, Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc. Hiệp định chiếm khoảng 30% của tổng sản phẩm nội địa GDP toàn cầu, trở thành một khối thương mại lớn nhất trong lịch sử. |