Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 21/11/2024 17:54
Tin nóng:
Hiệp định RCEP: Các điểm mới về quy tắc xuất xứ hàng hoá Hiệp định RCEP mang lại lợi thế vượt trội để doanh nghiệp xuất khẩu gỗ sang Hàn Quốc Để nông sản Việt tận dụng được ưu thế của Hiệp định RCEP |
Thủy sản hưởng lợi từ nới lỏng quy tắc xuất xứ
Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) chính thức có hiệu lực từ ngày 1/1/2022 đang mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản tham gia các chuỗi giá trị và sản xuất mới trong khu vực.
Hiệp định này cũng giúp doanh nghiệp có thể đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng thủy sản vào thị trường các nước thành viên, đặc biệt là khi xuất khẩu sang thị trường các đối tác thương mại hàng đầu như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc… nhờ quy tắc xuất xứ được nới lỏng.
Công nhân Công ty Baseafood sản xuất thủy sản xuất khẩu. Ảnh: Mỹ Anh |
Theo ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), trong xuất khẩu mặt hàng thủy sản, các hiệp định thương mại tự do (FTA) trước đây đều yêu cầu xuất xứ thuần túy ở Việt Nam, nhưng Hiệp định RCEP cho phép con giống, nuôi trồng tại Việt Nam và xuất khẩu mà vẫn được hưởng ưu đãi.
"Hiệp định RCEP với quy mô lớn nhất được đánh giá là sẽ giúp Việt Nam tận dụng tốt hơn về thị trường, cải thiện các điểm yếu về các tiêu chuẩn xuất khẩu. Doanh nghiệp Việt Nam phải sử dụng nguyên liệu đầu vào cùng với các nước ASEAN và 5 nước đối tác để sản xuất và xuất khẩu qua các nước thị trường trong khối.
Ngoài ra, các mức cam kết về cắt giảm thuế quan trong RCEP cũng rất cao, là cơ hội lớn để Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu qua các thị trường này", ông Lê Hoàng Tài nhận định.
Hiện nay, Việt Nam xuất khẩu thủy sản sang hơn 160 thị trường trên thế giới; trong đó xuất khẩu sang các nước thành viên RCEP chiếm trên 63% thị phần xuất khẩu và chủ yếu sang thị trường các nước ASEAN, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc đều có sự tăng trưởng khả quan.
Thống kê trong 9 tháng đầu năm 2024, Trung Quốc đã vượt qua Mỹ trở thành thị trường xuất khẩu thủy sản lớn nhất của Việt Nam với 1,33 tỷ USD, chiếm 18% tỷ trọng về giá trị. Tiếp theo đó là Nhật Bản với 1,1 tỷ USD, Hàn Quốc với 568 triệu USD...
Theo ông Lê Hoàng Tài, những thành tựu trong những năm qua cũng là dấu ấn để khẳng định vị trí của ngành thủy sản Việt Nam sẽ là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh hơn vào thị trường các quốc gia thành viên RCEP.
Còn nhiều dư địa thâm nhập thị trường RCEP
Nhận định đối với riêng lĩnh vực thủy sản, theo đại diện Vụ Thương mại đa biên (Bộ Công thương), đây là một trong những ngành có đủ sức cạnh tranh và có thể thâm nhập mạnh vào các thị trường trong RCEP. Cụ thể, việc cam kết cắt giảm thuế quan của Trung Quốc, Nhật Bản, New Zealand, Australia và các nước ASEAN về 0% ngay sau khi Hiệp định có hiệu lực và của Hàn Quốc sau lộ trình 10 - 15 năm đối với phần lớn mặt hàng thủy sản của Việt Nam sẽ là cơ hội lớn để thủy sản nước ta thuận lợi tiến sâu vào khối này.
Doanh nghiệp giới thiệu sản phẩm xuất khẩu tại một hội chợ thủy sản. Ảnh: Thanh An |
Dư địa để thâm nhập thị trường RCEP là rất lớn, tuy nhiên bên cạnh những thuận lợi, RCEP cũng mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng thủy sản. Theo đó, nhiều đối tác trong khối có cơ cấu sản phẩm tương tự Việt Nam nhưng năng lực cạnh tranh, hàm lượng giá trị gia tăng cũng cao hơn, đặc biệt là với Trung Quốc. Lợi thế hàng hóa đa dạng và giá rẻ của nước này sẽ là áp lực lớn đối với doanh nghiệp Việt Nam, nhất là mặt hàng nông, thủy sản. Điều này đòi hỏi các doanh nghiệp thủy sản phải chủ động để thích ứng, nỗ lực chinh phục, biến thách thức thành cơ hội.
Ngoài ra, để tận dụng được những ưu đãi trong RCEP làm nâng cao lợi thế so sánh của ngành thủy sản Việt Nam, các doanh nghiệp Việt Nam cần phải tìm hiểu thật kỹ quy tắc xuất xứ, đặc biệt là quy tắc xuất xứ cộng gộp nội khối.
Đồng thời, các doanh nghiệp cần đáp ứng tốt các quy định về biện pháp vệ sinh và kiểm dịch động - thực vật (SPS) và rào cản kỹ thuật trong thương mại (TBT) của các nước nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản. Đây đang là khâu yếu của thủy sản Việt Nam.
Đề cập đến tiềm năng xuất khẩu thủy sản, theo Thương vụ Việt Nam tại Malaysia, đây là đất nước Hồi giáo nên nhu cầu tiêu thụ hàng thủy sản khá lớn. Hơn nữa, thông qua cửa ngõ Malaysia, thủy sản Việt Nam có thể tiếp cận nhiều thị trường khác.
Liên quan đến việc tận dụng cơ hội xuất khẩu vào thị trường Australia, bà Phùng Thị Kim Thu - Chuyên gia thị trường ngành hàng tôm VASEP cho biết, tuy có nhiều điểm thuận lợi, song Australia là thị trường có các rào cản kỹ thuật, yêu cầu về nhãn mác, an toàn vệ sinh thực phẩm rất khắt khe, một số tiêu chuẩn còn cao hơn cả Mỹ và EU. Do đó, để khai thác hiệu quả thị trường Australia, Việt Nam cần tăng cường kiểm soát chất lượng vùng nuôi trồng, hoàn thiện hệ thống đăng ký, đánh giá cấp mã số vùng nuôi trồng, chế biến. Cùng đó, tiếp tục đàm phán mở cửa thị trường cho nông thủy sản xuất khẩu sang Australia.
Ngoài ra, theo bà Thu, khoảng cách địa lý dẫn đến giá thành logistics cao, thời gian vận chuyển dài cũng là một thách thức với doanh nghiệp thủy sản Việt Nam khi xuất khẩu sang thị trường này. Bởi vậy, doanh nghiệp phải có sự chủ động trong khai thác, phát triển thị trường, có kế hoạch kinh doanh dài hơi để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa sang Australia.
Để đảm bảo xuất khẩu thủy sản vào quốc gia này, Thương vụ Việt Nam tại Australia khuyến nghị, các doanh nghiệp Việt Nam cần chú ý nhiều quy chuẩn, quy định riêng của Australia. Cụ thể như thủy sản nhập khẩu vào Australia cần phải đảm bảo yêu cầu về nhãn mác, tiêu chuẩn khắt khe về an toàn sinh học, tuân thủ các quy định về an toàn sinh học trong đạo luật An toàn sinh học 2015.
Đồng thời, mặt hàng thủy sản phải cũng phải đảm bảo về an toàn thực phẩm theo Luật Kiểm soát thực phẩm nhập khẩu năm 1992 và bộ luật tiêu chuẩn thực phẩm của Australia - New Zealand.