![]() |
Giữa đại ngàn Tây Nguyên trùng điệp, nơi những cánh rừng cao su, nương cà phê nối tiếp nhau đến tận chân trời, đang có một làn gió mới thổi về các buôn làng. Đó là làn gió của khởi nghiệp nông thôn, của những sản phẩm nông nghiệp mang bản sắc địa phương bước ra thị trường với niềm tự hào và chất lượng được khẳng định. Trong hành trình ấy, Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) đang trở thành điểm tựa giúp người dân Gia Lai nói riêng và Tây Nguyên nói chung từng bước vươn lên bằng chính nội lực quê hương. |
Chương trình OCOP được xem là lời giải căn cơ cho bài toán phát triển nông thôn theo hướng nâng cao giá trị, khai thác tiềm năng bản địa. Đối với Gia Lai – vùng đất giàu tài nguyên và bản sắc nhưng còn gặp nhiều khó khăn – OCOP mở ra cơ hội lớn để phát triển kinh tế gắn với bảo tồn văn hóa. Tại Gia Lai – tỉnh có diện tích tự nhiên lớn thứ hai cả nước – chương trình OCOP đã thấm sâu vào từng bản làng. Anh Võ Thành Tuân - người đại diện Công ty TNHH Nhất Nông Gia Lai (thôn Hòa Lộc, Xã Ia Phang, Huyện Chư Pưh, tỉnh Gia Lai) – vẫn không giấu được niềm vui khi kể về sản phẩm của công ty mình được xếp hạng 4 sao OCOP hồi tháng 1 vừa qua. Anh Tuân cho biết: “Khi mới bắt tay làm OCOP, mình chỉ biết chưng cất theo kiểu thủ công. Nhưng khi bắt đầu được hỗ trợ, được tập huấn và chuẩn hóa quy trình, sản phẩm đã được kiểm nghiệm đạt chuẩn an toàn, đóng gói đẹp, tem mác đầy đủ. Nhờ đó, các sản phẩm của công ty đã ký được hợp đồng với các chuỗi cửa hàng trong và ngoài tỉnh”. |
![]() Tính đến nay, tỉnh Gia Lai có 454 sản phẩm OCOP (gồm 1 sản phẩm 5 sao, 67 sản phẩm 4 sao và 386 sản phẩm 3 sao) |
Hợp tác xã Mật ong Phương Di Bee thành lập năm 2019 với 276 thành viên hoạt động trong lĩnh vực như chế biến lúa gạo, hạt điều, nuôi ong lấy mật... Trong đó, nghề nuôi và khai thác mật ong theo tiêu chuẩn VietGAP là thế mạnh của HTX. Hiện nay, HTX đang liên kết nuôi và khai thác khoảng 10.000 đàn ong mật tại Gia Lai và các tỉnh lân cận. Bà Trần Thị Hoàng Anh - Giám đốc HTX Mật ong Phương Di Bee - chia sẻ: Gia Lai có vùng nguyên liệu cà phê, cao su, điều và cây ăn quả rộng lớn, thuận lợi để phát triển nghề nuôi ong lấy mật. “Gia đình tôi có nhiều thế hệ theo nghề nuôi ong lấy mật. Để nâng cao giá trị sản phẩm và xây dựng thương hiệu mật ong, tôi đã liên kết với các hộ nuôi ong thành lập HTX Mật ong Phương Di Bee. Hợp tác xã nuôi ong theo tiêu chuẩn VietGAP với sản lượng khoảng 1.000 tấn mật ong thô/năm. Những năm qua, HTX không ngừng đầu tư mua sắm máy móc, trang-thiết bị để tạo ra những sản phẩm từ mật ong chất lượng cao. Năm 2019, HTX có 4 sản phẩm được công nhận đạt OCOP 4 sao cấp tỉnh. Mới đây, sản phẩm Mật ong Phương Di của HTX đã vinh dự đạt chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia” - bà Hoàng Anh chia sẻ. OCOP đã giúp nhiều hộ dân, hợp tác xã chuyển mình. Những sản phẩm tưởng chừng chỉ quen thuộc trong chợ làng – như rượu cần, cà phê rang mộc, tinh dầu sả, măng khô, mắc ca, hạt dổi – nay đã có mã QR truy xuất, bao bì bắt mắt và bắt đầu xuất hiện trên sàn thương mại điện tử. Nếu bản sắc văn hóa là “linh hồn” của sản phẩm OCOP, thì chất lượng chính là “nền móng” để sản phẩm tồn tại và vươn xa. Và đây cũng là bài học mà nhiều chủ thể OCOP ở Tây Nguyên đang từng bước thấm nhuần. Việc đạt từ 3 sao trở lên không chỉ giúp sản phẩm được nhà nước công nhận, mà còn là "giấy thông hành" để bước vào các kênh phân phối lớn, tham gia hội chợ trong và ngoài nước, từ đó tạo ra vòng quay sản xuất – tiêu dùng ổn định cho người dân. |
![]() Các sản phẩm của Hợp tác xã Mật ong Phương Di Bee được giới thiệu trong một phiên livetream có sự tham gia của Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai. |
Gia Lai là vùng đất của những câu chuyện, truyền thuyết, lễ hội và tri thức dân gian. Đó chính là chất liệu quý để các sản phẩm OCOP “kể chuyện” và tạo dựng thương hiệu. Bà Nguyễn Thị Nga - Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) cho hay: HTX có 2 ngành hàng chủ yếu là sản phẩm hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí và thương hiệu cà phê Đak Yang. Ở 2 ngành hàng, HTX Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang đều gắn với câu chuyện về một vùng đất, địa danh qua nhiều thập kỷ để kể về hành trình của mình. “Yêu mảnh đất nơi mình sinh ra và lớn lên, chúng tôi đã nỗ lực khôi phục và xây dựng 2 thương hiệu tiêu Lệ Chí và cà phê Đak Yang. Hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí được tạo ra từ ý tưởng khôi phục vùng tiêu Lệ Chí đã có từ những năm 1957-1960, thời chính quyền Ngô Đình Diệm thực hiện chính sách dinh điền di dân từ miền Trung lên Tây Nguyên. Còn cà phê Đak Yang được HTX sản xuất tại vùng nguyên liệu có sẵn ở địa phương. Theo tiếng Bahnar, đak là nước, yang là thần trời; cà phê được nuôi dưỡng bằng nước của thần trời, với phương pháp canh tác hữu cơ thuần tự nhiên là dựa vào thổ nhưỡng, khí hậu sẽ cho ra những hạt cà phê có hương vị đặc trưng” - bà Nga chia sẻ. |
![]() Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang có 2 ngành hàng chủ yếu là sản phẩm hồ tiêu hữu cơ Lệ Chí và thương hiệu cà phê Đak Yang |
Tỉnh Gia Lai cũng đang tích cực hỗ trợ các chủ thể OCOP xây dựng thương hiệu thông qua thiết kế bao bì chuyên nghiệp, đăng ký sở hữu trí tuệ, mở rộng fanpage, kênh TikTok, YouTube để tiếp cận khách hàng trẻ. Nhiều bạn trẻ đã trở thành “đại sứ” giới thiệu sản phẩm OCOP quê mình, góp phần lan tỏa thương hiệu bằng chính sự mộc mạc và tự hào. Với mong muốn đưa nông sản của mình sinh ra vươn xa, chị Hồ Thị Hoài Thu (31 tuổi, tổ 5, thị trấn Chư Sê) đã thành lập Công ty Truyền thông và thương mại Chư Sê (Chư Sê Agency) để đồng hành cùng nông dân và doanh nghiệp tại địa phương bán hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Chị Thu cho biết, tháng 3/2023, khi còn làm công tác nhập khẩu và phát triển nhãn hàng tại TP. Hồ Chí Minh, chị Thu đã xây dựng kênh TikTok “Cô gái Chư Sê” để chia sẻ các nội dung liên quan đến nông sản. Nhờ kênh TikTok với gần 60.000 người theo dõi này, nhiều chủ thể sản xuất tại huyện Chư Sê và các địa phương trong tỉnh đã kết nối với chị Thu để giới thiệu, quảng bá sản phẩm. |
Theo thời gian, Chư Sê Agency đã hỗ trợ các chủ thể sản phẩm tối ưu hóa các gian hàng, đăng ký, vận hành gian hàng trên các nền tảng thương mại điện tử. Đồng thời, định hướng chiến lược bán hàng, cung cấp nền tảng kiến thức về marketing online, quản lý đơn hàng, chăm sóc khách hàng trên sàn thương mại điện tử. Bên cạnh đó, chị Thu còn kết nối các sản phẩm của địa phương với các phiên Mega Live trên TikTok để tăng doanh thu và nhận diện thương hiệu. |
“Việc đưa sản phẩm lên sàn, đặc biệt là các mặt hàng đặc thù riêng như nông sản đòi hỏi nhân sự có chuyên môn và kinh nghiệm, song tại Gia Lai, nguồn nhân lực trong lĩnh vực này vẫn rất thiếu. Nếu tự tìm hiểu và triển khai, doanh nghiệp sẽ mất nhiều thời gian, tốn kém và đối diện với rủi ro cao, trong khi hiệu quả lan tỏa thương hiệu lại chậm. Bởi vậy mình đã cho ra đời Chư Sê Agency. Đây là cách để mình và mọi người góp sức quảng bá nông sản địa phương đến khắp mọi miền” - chị Thu chia sẻ. |
Sản phẩm tốt cần người đồng hành tin tưởng. OCOP không thể thành công nếu thiếu sự ủng hộ từ người tiêu dùng – những người ngày càng quan tâm đến sản phẩm xanh, sạch, truy xuất được nguồn gốc và mang giá trị cộng đồng. Tại phiên chợ biên giới 2 tỉnh Gia Lai – Ratanakiri (Campuchia) đang được diễn ra tại Khu kinh tế Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh (huyện Đức Cơ), nhiều sản phẩm nông sản của người dân vùng biên đã được tiêu thụ nhanh chóng: măng rừng, mật ong rừng, cà phê túi lọc... “Không ngờ người dân Campuchia lại thích mật ong của mình đến vậy. Có người mua về rồi quay lại đặt thêm. Mình càng tin rằng sản phẩm quê hương có thể đi xa” – chị Siu H’lơi (huyện Đức Cơ) chia sẻ. Niềm tin ấy không chỉ đến từ chất lượng mà còn từ sự minh bạch, gắn kết giữa người làm và người dùng. Khi khách hàng có thể quét mã QR để biết sản phẩm đến từ làng nào, do ai sản xuất, quy trình ra sao – thì đó không chỉ là giao dịch thương mại, mà là sự tin tưởng. |
![]() Các đại biểu chụp hình lưu niệm trong gian hàng trưng bày sản phẩm của tỉnh Gia Lai tại phiên chợ biên giới 2 tỉnh Gia Lai – Ratanakiri (Campuchia) |
![]()
|
Tính đến nay, tỉnh Gia Lai có 454 sản phẩm OCOP (gồm 1 sản phẩm 5 sao, 67 sản phẩm 4 sao và 386 sản phẩm 3 sao) ở các nhóm chủ yếu là thực phẩm, đồ uống, dược liệu và sản phẩm từ dược liệu. Nhưng con số đó không phải là đích đến, mà là điểm khởi đầu cho hành trình dài hơn – hành trình OCOP gắn với du lịch cộng đồng, với khởi nghiệp sáng tạo, với chuyển đổi số và xuất khẩu. Ông Trần Văn Văn - Phó Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới tỉnh Gia Lai -thông tin: Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh đã thu hút nhiều chủ thể tham gia. Nhờ đó, sản phẩm OCOP của tỉnh không chỉ tăng về số lượng mà chất lượng cũng được người tiêu dùng đánh giá cao. Hiện nay, Gia Lai có 5 sản phẩm đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị đánh giá công nhận OCOP 5 sao gồm: cà phê Đak Yang, cà phê Fine Robusta, tiêu đỏ hữu cơ Lệ Chí, tiêu đen hữu cơ Lệ Chí và tiêu sọ hữu cơ Lệ Chí. |
Tỉnh Gia Lai có 454 sản phẩm OCOP (gồm 1 sản phẩm 5 sao, 67 sản phẩm 4 sao và 386 sản phẩm 3 sao)
Ông Đoàn Ngọc Có - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường - cho biết: “Mục tiêu của tỉnh không chỉ dừng lại ở số lượng sản phẩm đạt sao, mà là làm sao để các sản phẩm ấy thực sự sống được trên thị trường. Đó là lý do chúng tôi chú trọng hỗ trợ chủ thể nâng cao năng lực, tạo kênh tiêu thụ, đồng thời lồng ghép OCOP với chương trình chuyển đổi số, phát triển nông thôn mới bền vững. Sự thành công trong xây dựng thương hiệu không chỉ giúp nâng cao nhận diện thương hiệu, tăng giá trị cho sản phẩm mà còn góp phần vào sự phát triển bền vững của ngành nông nghiệp trong tương lai". |
Ông Phạm Văn Binh - Giám đốc Sở Công Thương Gia Lai - cho biết: Gia Lai có các sản phẩm như: cà phê, hồ tiêu, trái cây, hạt mắc ca, hạt điều, mật ong... qua chế biến sâu, dưới dạng sản phẩm hoàn thiện chất lượng cao, đáp ứng các tiêu chuẩn thương mại quốc tế và có tiềm năng xuất khẩu lớn. Cùng với L’amant Café đạt Thương hiệu quốc gia, Mật ong Phương Di đạt sản phẩm OCOP 5 sao, nhiều sản phẩm OCOP khác đạt tiêu chuẩn 3-4 sao có tiềm năng mở rộng thị trường. “Trong bối cảnh cạnh tranh, việc xây dựng, quảng bá thương hiệu là nhiệm vụ hết sức quan trọng. Nó không chỉ tạo sự khác biệt mà còn tạo ra giá trị bền vững cho sản phẩm. Thương hiệu mạnh giúp nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp, tạo ra sự khác biệt so với các sản phẩm cùng loại. OCOP đã và đang tiếp tục là cánh cửa mở ra cho người nông dân Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng một tương lai mới – nơi giá trị bản địa không chỉ được giữ gìn mà còn tỏa sáng, nơi chất lượng không còn là rào cản mà là cơ hội, nơi niềm tin trở thành sợi dây nối dài hành trình vươn xa” - ông Phạm Văn Binh nhấn mạnh. |
Nội dung và thiết kế: Hiền Mai |