Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 22/12/2024 21:57
Tin nóng:
Ngày 2/10, Ủy ban châu Âu (EC) đã công bố đề xuất hoãn thực thi Quy định chống phá rừng (EUDR). Theo dự kiến, quy định EUDR sẽ bắt đầu thực thi vào tháng 1/2025. Luật cấm nhập khẩu vào EU những mặt hàng nông sản có quy trình sản xuất làm giảm diện tích rừng, nhằm hạn chế các sản phẩm liên quan đến phá/suy thoái rừng vào thị trường EU, đồng thời khuyến khích mua bán các mặt hàng hợp pháp và không gây phá rừng.
Những sản phẩm bị ảnh hưởng bởi các quy định của luật bao gồm thịt bò, cà phê, ca cao, gỗ, cao su, đậu tương và dầu cọ. Do sự phản đối của nhiều bên liên quan, EC đã đưa ra đề xuất hoãn thực thi luật đối với các doanh nghiệp lớn đến ngày 30/12/2025 và đến ngày 30/6/2026 đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.
Truy xuất khó khăn
Trong số 7 nhóm hàng liên quan đến quy định EUDR, Việt Nam có 3 nhóm hàng chịu tác động chính là cao su, cà phê và gỗ đang có rất nhiều ràng buộc cần tháo gỡ, đòi hỏi phải có thời gian, nguồn lực về cơ chế chính sách và tài chính để đáp ứng kịp thời…Chính vì vậy, ngay từ khi EUDR được thông qua, Việt Nam đã tích cực chuẩn bị, sẵn sàng đáp ứng các yêu cầu của quy định này.
Quy định EUDR đang đặt ra những yêu cầu ngày càng khắt khe đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam. Ảnh: Gỗ Phương Đông |
Ngoài ra, các sản phẩm dẫn xuất được sản xuất, chế biến từ các mặt hàng kể trên như da thuộc, hóa chất làm từ dầu cọ, bột giấy và giấy, các loại ván gỗ nhân tạo, đồ nội thất và các sản phẩm gỗ khác cũng chịu sự điều chỉnh của EUDR.
Một trong những điểm mới và gây chú ý nhất của EUDR chính là yêu cầu doanh nghiệp xuất khẩu phải nộp bản cam kết thẩm định chuỗi cung ứng. Bản cam kết này đóng vai trò như một “hộ chiếu” để sản phẩm được lưu thông tự do tại thị trường EU. Tuy nhiên, để hoàn thiện bản cam kết này, doanh nghiệp phải trải qua một quá trình phức tạp và tốn kém.
Trao đổi với Báo Công Thương, ông Vũ Tấn Phương - Giám đốc Văn phòng Chứng chỉ Quản lý rừng bền vững (VFCO) cho biết “Quy định EUDR đòi hỏi các doanh nghiệp phải kê khai tọa độ địa lý của vùng khai thác. Nếu không tuân thủ, sản phẩm có thể bị từ chối nhập khẩu vào EU. Quy định này áp dụng cho các sản phẩm từ nhiều quốc gia và không phân biệt quốc gia xuất xứ.”
“Doanh nghiệp ở Việt Nam, đang sản xuất ở Việt Nam phải tuân thủ tất cả các luật pháp do Việt Nam quy định bao gồm: quyền sử dụng đất hợp pháp; vấn đề về lao động; chứng minh các vấn đề bảo vệ môi trường như đánh giá tác động môi trường, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải tuân thủ luật pháp… Thêm vào đó, doanh nghiệp phải có hệ thống trách nhiệm giải trình (DDS) để đảm bảo tính minh bạch và tuân thủ đầy đủ các yêu cầu của EUDR” ông Phương nhấn mạnh.
Quy định này làm phát sinh thách thức mới với doanh nghiệp gỗ khi cùng với việc thực hiện trách nhiệm giải trình bảo đảm nguyên liệu gỗ hợp pháp, doanh nghiệp phải cung cấp bằng chứng về tọa độ địa lý đến từng khoảnh rừng để chứng minh gỗ nguyên liệu được khai thác không gây mất rừng và suy thoái rừng tính từ thời điểm 31/12/2020 về sau. Các sản phẩm phải hợp pháp. Quá trình sản xuất ra sản phẩm tuân thủ toàn bộ các yêu cầu liên quan của quốc gia sản xuất. EUDR cũng yêu cầu các doanh nghiệp phải báo cáo công khai hằng năm về hệ thống việc giải trình và các công việc đã làm để hoàn thành trách nhiệm này.
Những giải pháp cấp thiết
Quy định Chống mất rừng của Liên minh châu Âu (EUDR) đang đặt ra những yêu cầu ngày càng khắt khe đối với các doanh nghiệp xuất khẩu gỗ và lâm sản của Việt Nam. Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức này, việc hoàn thiện hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam là một nhiệm vụ cấp bách.
Nghị định 102/2020/NĐ-CP là một bước tiến quan trọng trong việc xây dựng hệ thống bảo đảm gỗ hợp pháp Việt Nam. Tuy nhiên, để đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của EUDR, nghị định này cần được sửa đổi, bổ sung một số nội dung như rà soát và cập nhật các tiêu chí đánh giá gỗ hợp pháp, các tiêu chí hiện hành cần được điều chỉnh để phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế và các yêu cầu mới của EUDR. Hệ thống truy xuất nguồn gốc cần được số hóa và kết nối với các hệ thống thông tin khác để đảm bảo tính minh bạch và chính xác. Các cơ quan quản lý cần tăng cường kiểm tra, giám sát và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm quy định.
“Gỗ là lĩnh vực nhạy cảm đã được “nội soi” rất kỹ khi liên quan rừng. Do đó, Chính phủ, Bộ Ngoại giao và Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn cần tăng cường ngoại giao hơn để chúng ta phát đi thông điệp mạnh mẽ rằng: “Ngành công nghiệp gỗ Việt Nam kiên quyết theo đuổi con đường phát triển có trách nhiệm, phát triển bền vững, phát triển không gây hại cho môi trường mà còn giảm phát thải, đảm bảo tăng trưởng xanh của Việt Nam cũng như toàn cầu”, ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (VIFOREST) cho biết.
Theo Giám đốc điều hành Chương trình chính sách, thương mại và tài chính tổ chức Forest Trends Việt Nam, Tô Xuân Phúc “Chính phủ Việt Nam đang thực hiện chính sách đóng cửa rừng tự nhiên. Các diện tích mới chuyển đổi từ các diện tích rừng tự nhiên sang rừng trồng, cà- phê, cao- su chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ. Do đó, đối chiếu với quy định của EUDR, nhìn chung ba ngành hàng này ít có nguy cơ bị xếp vào nhóm rủi ro do diện tích sản xuất đã ổn định từ trước năm 2020”.
Tuy nhiên trên thực tế, để chứng minh điều này lại đối mặt nhiều thách thức do thiếu bằng chứng pháp lý cần thiết. Chính phủ và các cơ quan quản lý cần gấp rút nghiên cứu, cập nhật các thông tin để chia sẻ với các bên liên quan như hiệp hội, doanh nghiệp và phía EU, nhằm chủ động xây dựng và ban hành các chính sách quản lý, điều hành, kiểm soát phù hợp.