Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 10/09/2024 07:18
Tin nóng:
Ngành lâm nghiệp Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để trở thành một trụ cột kinh tế bền vững, đặc biệt với mục tiêu xây dựng một trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế. Đây là một phần quan trọng trong Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 895/QĐ-TTg. Theo đó, Việt Nam phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản lên tới 25 tỷ USD vào năm 2030, đưa ngành lâm nghiệp tiến lên một tầm cao mới.
Quy hoạch Lâm nghiệp Quốc gia hướng đến việc phát triển ngành lâm nghiệp không chỉ như một lĩnh vực kinh tế kỹ thuật mà còn là nền tảng cho sự phát triển bền vững. Một trong những mục tiêu được đặt ra trong Quy hoạch là việc ưu tiên phát triển Trung tâm giao dịch gỗ tại các khu lâm nghiệp ứng dụng công nghệ cao; xây dựng 1 trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế; xây dựng các chương trình, kế hoạch xúc tiến thương mại, phát triển thị trường...
Theo đánh giá, việc xây dựng Trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế là một bước đi then chốt để thúc đẩy thương mại và nâng cao giá trị của sản phẩm gỗ Việt Nam trên trường quốc tế. Trung tâm này sẽ không chỉ đóng vai trò là nơi giao dịch mà còn là điểm hội tụ của công nghệ, thông tin, và tiêu chuẩn chất lượng, giúp các doanh nghiệp trong nước dễ dàng tiếp cận với thị trường toàn cầu.
Việt Nam phấn đấu đạt giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản lên tới 25 tỷ USD vào năm 2030 - Ảnh minh họa. |
Cũng theo Quy hoạch, đến năm 2025, Việt Nam dự kiến sẽ duy trì tỷ lệ che phủ rừng ổn định ở mức 42% - 43% và nâng cao chất lượng rừng, đặc biệt là rừng tự nhiên. Bên cạnh đó, giá trị xuất khẩu đồ gỗ và lâm sản sẽ đạt 20 tỷ USD vào năm 2025 và tăng lên 25 tỷ USD vào năm 2030. Để đạt được mục tiêu này, ngành lâm nghiệp cần phải không ngừng cải tiến công nghệ, nâng cao chất lượng sản phẩm và đẩy mạnh xúc tiến thương mại.
Trong giai đoạn này, việc quản lý rừng bền vững cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Đến năm 2025, diện tích rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững dự kiến đạt 500.000 ha và tăng lên 1 triệu ha vào năm 2030. Điều này không chỉ giúp bảo tồn tài nguyên thiên nhiên và đa dạng sinh học mà còn nâng cao giá trị xuất khẩu lâm sản
Theo Tổng cục Hải quan, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 15/8 đạt 9,5 tỷ USD, tăng 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó sản phẩm gỗ đạt 6,5 tỷ USD, chiếm 68% tỷ trọng và tăng 23% so với cùng kỳ năm trước.
Thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ đạt 4,88 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024 - Ảnh minh họa. |
Các thị trường xuất khẩu của nhóm ngành hàng này đều đều ghi nhận tăng trưởng dương so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, thị trường xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ lớn nhất của Việt Nam là Hoa Kỳ tăng 25,9% về kim ngạch so với cùng kỳ, đạt 4,88 tỷ USD trong 7 tháng năm 2024.
Đáng chú ý, trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành gỗ đã nhanh chóng nghiên cứu xu hướng thị trường và chuyển đổi từ gia công xuất khẩu sang thiết kế các mẫu mã mới, đẹp mắt và có chất lượng tốt, được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao. Đây là tín hiệu tốt cho thấy ngành chế biến gỗ và nội thất Việt Nam đang đi đúng hướng, không chỉ nhằm gia tăng kim ngạch xuất khẩu mà còn từng bước nâng cao vị thế, thương hiệu ngành đồ gỗ Việt Nam trên thị trường quốc tế.
Mặc dù vậy, ông Đỗ Xuân Lập - Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho rằng, đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức. Bởi, thị trường Hoa Kỳ, chiếm hơn 54% tổng giá trị xuất khẩu của ngành gỗ Việt Nam, đã chứng kiến nhiều thay đổi về chính sách thương mại. Các doanh nghiệp xuất khẩu phải đối mặt với nhiều vụ kiện phòng vệ thương mại liên tiếp; trong đó, Hoa Kỳ đã tiến hành ba vụ kiện liên quan đến ngành gỗ.
Mặc dù được nhiều khách mua hàng quốc tế đánh giá cao nhưng đà tăng trưởng của ngành gỗ vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức - Ảnh minh họa. |
Thêm vào đó, với việc Hoa Kỳ chưa công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, các doanh nghiệp xuất khẩu sẽ tiếp tục bị phân biệt đối xử trong các cuộc điều tra chống bán phá giá, gây áp lực lớn lên chi phí và biên lợi nhuận.
Tương tự, tại thị trường EU, Quy chế Chống mất rừng (EUDR) của Liên minh châu Âu dự kiến sẽ có hiệu lực vào tháng 12/2024, đặt ra nhiều thách thức cho doanh nghiệp xuất khẩu gỗ khi phải tuân thủ các quy định nghiêm ngặt về nguồn gốc sản phẩm và các yếu tố liên quan đến môi trường.
Đồng thời, Đức cũng đã áp dụng Luật Nghĩa vụ thẩm định doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng, yêu cầu các nhà xuất khẩu phải cung cấp thêm nhiều chứng nhận liên quan đến lao động và môi trường, gây khó khăn cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam Đỗ Xuân Lập - Ảnh: VGP |
“Các doanh nghiệp ngành gỗ cần đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu; cạnh tranh bằng chất lượng thay vì bằng giá. Sản xuất đồ gỗ cần tăng cường sử dụng các nguyên liệu gỗ từ rừng trồng, được sản xuất trong nước hoặc từ các nguồn cung cấp không bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá.”, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam khuyến cáo.
Như vậy, trong bối cảnh toàn cầu hóa, việc ưu tiên thành lập Trung tâm giao dịch sản phẩm gỗ quốc tế sẽ là cầu nối giúp các doanh nghiệp Việt Nam dễ dàng tiếp cận thị trường quốc tế, nâng cao năng lực cạnh tranh từ đó tạo sức bật cho hoạt động xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ. Trung tâm này dự kiến sẽ được trang bị các thiết bị hiện đại, tự động hóa, và công nghệ tiên tiến nhất nhằm tạo ra các sản phẩm chất lượng cao, có giá trị gia tăng lớn. Điều này sẽ giúp tối ưu hóa quá trình sản xuất, giảm thiểu chi phí, và nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các doanh nghiệp trong ngành.