Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 27/11/2024 10:33
Tin nóng:
Việt Nam đang khẳng định vị thế là nhà cung cấp trái cây lớn tại thị trường quốc tế, đặc biệt là Trung Quốc – quốc gia có nhu cầu tiêu thụ trái cây ngày càng tăng. Với lợi thế địa lý, Việt Nam dễ dàng cung cấp trái cây tươi ngon, chất lượng cao như sầu riêng, thanh long, nhãn, vải, góp phần đưa kim ngạch xuất khẩu rau quả năm 2024 dự báo đạt 4,5-5 tỷ USD, trong đó sầu riêng ước tính vượt mốc 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, doanh nghiệp Việt đối mặt nhiều thách thức như cạnh tranh gay gắt với các nước sản xuất lớn và đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc từ phía Trung Quốc. Theo ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cần nắm bắt thời vụ sản xuất của Trung Quốc, đầu tư vào công nghệ chế biến và xây dựng thương hiệu mạnh để nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đồng thời, việc đàm phán mở rộng danh mục xuất khẩu và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP sẽ giúp trái cây Việt Nam không chỉ đáp ứng yêu cầu của thị trường mà còn nâng cao vị thế trên bản đồ xuất khẩu thế giới.
Việt Nam đang thu hoạch rộ cà phê nhưng sản lượng cung ứng ra thị trường quốc tế lại giảm mạnh kéo theo giá cà phê tăng cao.
Số liệu của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, trong 15 ngày đầu tháng 11, xuất khẩu cà phê của Việt Nam, nước sản xuất và xuất khẩu robusta lớn nhất thế giới chỉ đạt 20.933 tấn, tương đương kim ngạch 121,8 triệu USD, giảm 44,8% về lượng nhưng tăng 1,8% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung từ đầu năm đến ngày 15/11, Việt Nam đã xuất khẩu 1,17 triệu tấn cà phê với kim ngạch thu về 4,7 tỷ USD, giảm về lượng nhưng tăng về giá trị so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu robusta là chủ lực đạt 964.610 tấn, kim ngạch 3,48 tỷ USD.
Tháng 11 và tháng 12 hàng năm là thời gian cao điểm thu hoạch cà phê Việt Nam, nguồn cung cà phê Robusta lớn số 1 thế giới nhưng sản lượng cà phê xuất khẩu lại giảm mạnh là một điều rất lạ trên thị trường.
Tại thị trường nội địa sáng ngày 23/11, giá cà phê trong nước tiếp đà tăng so với phiên giao dịch trước, mức tăng khoảng 200 đồng/kg. Hiện, giá thu mua cà phê trung bình tại các tỉnh Tây Nguyên là 115.500 đồng/kg.
Cua, ghẹ Việt Nam đang khẳng định vị thế mạnh mẽ trên trường quốc tế nhờ chất lượng vượt trội và giá cạnh tranh. Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này dự kiến đạt kỷ lục 300 triệu USD trong năm 2024, đóng góp đáng kể vào tổng kim ngạch thủy sản dự báo từ 9,5 đến 10 tỷ USD.
Trung Quốc dẫn đầu danh sách thị trường nhập khẩu, với kim ngạch tăng 784% tính đến tháng 9/2024. Mỹ và Nhật Bản tiếp tục là các thị trường quan trọng, trong đó Mỹ duy trì mức tăng trưởng ổn định, chiếm 23% tổng kim ngạch. Dù Nhật Bản có dấu hiệu chững lại do giá thủy sản tăng cao, xuất khẩu sang các thị trường khác như Canada và Hàn Quốc vẫn cho thấy tiềm năng lớn.
Chất lượng tươi ngon, quy trình sản xuất nghiêm ngặt và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế là những yếu tố giúp cua ghẹ Việt Nam ghi điểm với người tiêu dùng toàn cầu. Đặc biệt, sản phẩm cua Cà Mau đã xuất khẩu chính ngạch sang Mỹ, mở rộng "cánh cửa" cho các doanh nghiệp Việt Nam tiếp cận sâu rộng hơn các thị trường quốc tế.
Với nhu cầu tiêu thụ tăng mạnh trong mùa lễ hội cuối năm, cua ghẹ Việt Nam tiếp tục là "ngôi sao" trên bàn tiệc thế giới, tạo đà tăng trưởng bền vững cho ngành thủy sản.
Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Việt Nam - UAE (CEPA), ký kết vào cuối tháng 10/2024, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong quan hệ thương mại song phương, đặc biệt mở ra cơ hội lớn cho ngành cá ngừ Việt Nam. Với nhu cầu ngày càng cao về thủy sản cao cấp như cá ngừ và tôm, UAE được xem là thị trường giàu tiềm năng mà các doanh nghiệp Việt Nam có thể khai thác hiệu quả.
Thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho thấy, xuất khẩu cá ngừ sang UAE đã đạt gần 4 triệu USD trong năm 2023, tăng 139% so với năm 2019, dù chịu nhiều tác động từ đại dịch Covid-19. CEPA dự kiến loại bỏ thuế nhập khẩu 5%, đơn giản hóa thủ tục hải quan, giúp giảm chi phí logistics và nâng cao tính cạnh tranh cho cá ngừ Việt Nam.
UAE, với nền kinh tế ổn định và mức sống cao, là thị trường lý tưởng cho thủy sản nhập khẩu. Tuy nhiên, để tận dụng tối đa ưu đãi từ CEPA, doanh nghiệp Việt cần đáp ứng tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng, đẩy mạnh nghiên cứu sản phẩm giá trị gia tăng và quảng bá thương hiệu. Dù vậy, thách thức từ rào cản kỹ thuật và cạnh tranh gay gắt cũng đặt ra yêu cầu cao về chiến lược phát triển dài hạn.
Với lợi thế từ CEPA, ngành cá ngừ Việt Nam có cơ hội thâm nhập sâu hơn vào UAE, gia tăng giá trị xuất khẩu và thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
Số liệu từ Tổng cục Hải quan, lũy kế 10 tháng đầu năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,15 triệu tấn cà phê với giá trị 4,6 tỷ USD, giảm về lượng nhưng lại tăng về giá trị kim ngạch so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân do giá cà phê xuất khẩu trung bình tăng, lên mức 3.967 USD/tấn.
Việt Nam hiện xuất khẩu cà phê sang 37 thị trường chính trên thế giới. Trong đó, hai thị trường có lượng xuất khẩu trên 100 nghìn tấn là Đức và Italy với sản lượng 136.173 tấn và 106.341 tấn.
Trong top 10 thị trường, Tây Ban Nha là thị trường xuất khẩu cà phê lớn thứ 3 của Việt Nam với 87.833 tấn, tăng so với cùng kỳ năm trước. Đứng sau lần lượt là Nhật Bản, Mỹ, Nga.
Bên cạnh các thị trường chủ lực như EU, Mỹ, Nhật Bản, hiện Trung Quốc cũng gia tăng nhập khẩu cà phê Việt Nam. Theo Sở Giao dịch Hàng hoá Việt Nam (MXV), hiện nay khi dần bước vào hoạt động thu hoạch chính vụ, giá cà phê xuất khẩu vẫn neo trên 100.000 đồng/kg.
Giá cà phê Việt Nam trong cả niên vụ 2024/2025 được dự báo sẽ tiếp tục duy trì ở mức cao do sản lượng giảm.
Tính đến ngày 15/10, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Hoa Kỳ đạt gần 600 triệu USD, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường lớn nhất cho mặt hàng tôm Việt Nam, chiếm 20% tổng lượng xuất khẩu. Đặc biệt, quý III/2024, xuất khẩu tôm tăng mạnh 19% sau khi giảm trong quý II, đạt 263 triệu USD. Động lực cho sự phục hồi này bao gồm giảm hàng tồn kho và nhu cầu tăng cao vào dịp lễ cuối năm.
Về sản phẩm, tôm chân trắng chiếm phần lớn với 85,5% trong cơ cấu xuất khẩu sang Hoa Kỳ, tiếp đến là tôm sú với 8,9%, còn lại là các loại tôm khác. Đáng chú ý, giá trị tôm sú chế biến tăng trưởng 44%, trong khi các loại tôm khác tươi/đông lạnh tăng mạnh tới 188%.
Giá trung bình xuất khẩu tôm chân trắng dao động từ 9,6 - 10,3 USD/kg và tôm sú từ 14,9 - 19,3 USD/kg, trong đó giá tôm chân trắng tăng nhẹ so với quý II nhưng vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2023. Thông tin từ Cục Nông nghiệp nước ngoài Hoa Kỳ (FAS.USDA) cho thấy Việt Nam đang có lợi thế trong thị trường Hoa Kỳ so với các đối thủ như Ấn Độ và Ecuador.
Thống kê từ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 10/2024, Việt Nam đạt kỷ lục trong xuất khẩu gạo với sản lượng 800.000 tấn, thu về 505 triệu USD, nâng tổng khối lượng xuất khẩu 10 tháng đầu năm lên 7,8 triệu tấn với giá trị gần 4,9 tỷ USD. Đây là mức tăng trưởng mạnh, đạt 10,2% về lượng và 23,4% về giá trị so với năm ngoái, nhờ giá gạo xuất khẩu bình quân tăng 12% lên 626,2 USD/tấn.
Gạo Việt Nam tiếp tục giữ vững thị phần tại Philippines, chiếm gần 80% lượng nhập khẩu, và đáp ứng yêu cầu của nhiều thị trường khó tính. Trong khi đó, tình hình cung ứng gạo hạn chế từ các nước xuất khẩu chính đang tạo điều kiện cho Việt Nam mở rộng sang các thị trường mới như Trung Đông và châu Phi.
Tuy nhiên, giá gạo Việt Nam vẫn cao hơn các nước, với gạo 5% tấm dao động ở mức 524 USD/tấn, vượt 34 USD/tấn so với Thái Lan và 84 USD/tấn so với Ấn Độ. Dù Ấn Độ đã nới lỏng lệnh cấm xuất khẩu và giá gạo châu Á có xu hướng giảm, gạo Việt Nam vẫn duy trì sức cạnh tranh nhờ chất lượng và nguồn cung ổn định.
Cà phê Decaf xuất khẩu giá cao nhất đạt 4.695 USD/tấn |
Theo Hiệp hội Cà phê ca cao Việt Nam (Vicofa), trong niên vụ 2023 - 2024, mặt hàng cà phê Decaf (cà phê khử cafein) trở thành một trong nhóm 3 loại cà phê nhân xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Niên vụ vừa qua, xuất khẩu cà phê decaf đạt 37.000 tấn, trị giá 172 triệu USD. Với kim ngạch xuất khẩu này, cà phê Decaf đứng thứ 3 trong nhóm cà phê nhân sau cà phê nhân Robusta với 1,2 triệu tấn và cà phê nhân Arabica đạt 53.000 tấn.
Trong nhóm cà phê nhân xuất khẩu niên vụ 2023 - 2024, giá xuất khẩu cà phê Decaf là cao nhất với mức bình quân 4.695 USD/tấn; cao hơn cả giá xuất khẩu trung bình của cà phê nhân Arabica và Robusta.
Tại thị trường Việt Nam, xu hướng sử dụng cà phê Decaf cũng đang gia tăng đặc biệt tại các đô thị lớn.
Thời điểm này, dự báo khu vực trồng cà phê chính của Việt Nam sẽ xuất hiện các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như áp thấp nhiệt đới, mưa lớn, dông, lốc, sét, mưa đá. Lượng mưa từ tháng 11/2024 - 1/2025 dự báo cao hơn trung bình nhiều năm từ 10 - 30%. Mưa trái mùa xuất hiện nhiều hơn và mùa mưa có khả năng kết thúc muộn so với trung bình nhiều năm.
Theo thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, trong 10 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 613.500 tấn hạt điều, đạt giá trị gần 3,6 tỷ USD, tăng lần lượt 18,5% về lượng và 22,1% về giá trị so với cùng kỳ năm trước. Đáng chú ý, giá xuất khẩu hạt điều đã tăng đáng kể, từ mức 5.394 USD/tấn lên 6.407 USD/tấn, góp phần nâng cao kim ngạch toàn ngành.
Việt Nam tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu thế giới về xuất khẩu hạt điều, với sản phẩm hiện diện tại 90 quốc gia và vùng lãnh thổ. Đặc biệt, Mỹ là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm 27,7% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều của Việt Nam. Trong 9 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất hơn 150.400 tấn điều sang Mỹ, thu về 871,3 triệu USD, tăng gần 30% về lượng và 32,8% về giá trị so với năm 2023.
Theo dự báo, thị trường hạt điều toàn cầu sẽ tăng trưởng bình quân 4,6% trong giai đoạn 2022-2027, nhờ xu hướng ăn thuần chay và ưa chuộng thực phẩm từ hạt. Đây là cơ hội để ngành điều Việt Nam tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu và đạt kỷ lục 4 tỷ USD trong năm 2024.
Việt Nam ghi nhận mức tăng trưởng xuất khẩu sầu riêng ấn tượng trong năm 2024, với kim ngạch đến hết tháng 9 đạt 2,81 tỷ USD, tăng 63% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tháng 9 vừa qua, xuất khẩu sầu riêng đã đạt mốc kỷ lục 630 triệu USD, nhờ vào nguồn cung dồi dào từ Tây Nguyên, khu vực đang vào vụ thu hoạch. Dẫn đầu về giá trị xuất khẩu vẫn là Trung Quốc, thị trường chiếm gần 92% với 2,58 tỷ USD, tăng 65% so với năm 2022.
Nhu cầu sầu riêng từ Trung Quốc tiếp tục tăng cao khi quốc gia này chi gần 7 tỷ USD trong năm 2023 để nhập khẩu từ các nước Đông Nam Á, trong đó chủ yếu là sầu riêng Việt Nam và Thái Lan. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, quy mô thị trường sầu riêng Trung Quốc có thể sớm đạt mốc 10 tỷ USD, mở ra cơ hội lớn cho nông sản Việt Nam.
Ngoài Trung Quốc, Thái Lan là thị trường lớn thứ hai của sầu riêng Việt Nam với kim ngạch đạt 133 triệu USD, tăng 85%. Các thị trường khác cũng ghi nhận mức tăng trưởng cao, như Hồng Kông tăng 17% với 23 triệu USD và Campuchia gấp 16 lần cùng kỳ, đạt 2,7 triệu USD. Đặc biệt, Papua New Guinea nổi bật với mức tăng 265%, đạt giá trị trên 20 triệu USD, trở thành thị trường lớn thứ tư.
Dù xuất khẩu sầu riêng đang khởi sắc, một số thị trường lại ghi nhận sự sụt giảm. Mỹ giảm 31% còn 14 triệu USD, trong khi Canada giảm gần 19% xuống còn 4,5 triệu USD.
Theo dự báo của ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam (VINAFRUIT), tháng 10 có thể sẽ ghi nhận kim ngạch xuất khẩu sầu riêng đạt khoảng 600 triệu USD, giúp nâng tổng giá trị xuất khẩu sầu riêng cả năm lên mức kỷ lục từ 3,7 đến 3,8 tỷ USD, tăng khoảng 1,5 tỷ USD so với năm ngoái. Đặc biệt, vào dịp lễ Tết sắp tới, giá sầu riêng có khả năng sẽ còn tăng khi nhu cầu biếu tặng của người tiêu dùng Trung Quốc gia tăng.
Cùng với sự phát triển của sầu riêng, ngành rau quả Việt Nam cũng dự kiến đạt kim ngạch xuất khẩu hơn 7 tỷ USD, tăng hơn 25% so với năm 2023. Đây sẽ là cột mốc quan trọng cho ngành, với sầu riêng giữ vai trò chủ lực trong tăng trưởng xuất khẩu.
Đắk Nông: Năm 2024 sản lượng cà phê dự kiến đạt gần 344 tấn |
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đắk Nông cho biết, diện tích cà phê toàn tỉnh năm 2024 là khoảng 143.000 ha, trong đó diện tích đang thu hoạch là 131.000 ha. Năng suất trung bình ước tính khoảng 26,2 tạ/ha, với tổng sản lượng dự kiến đạt 343.540 tấn, giảm 1,51 tạ/ha so với năm 2023, và tổng sản lượng giảm khoảng 16.000 tấn.
Nguyên nhân chính là do đợt nắng nóng và thiếu nước kéo dài vào những tháng đầu năm, trùng với giai đoạn cà phê ra hoa, đậu quả, làm nhiều vườn cà phê héo lá, khô hoa, quả non, dẫn đến giảm năng suất và sản lượng.
Mặc dù năng suất và sản lượng có phần giảm so với năm trước, việc giá cà phê tăng liên tục và chất lượng cà phê được cải thiện đã giúp người trồng cà phê tại Đắk Nông cải thiện kinh tế, có thêm vốn để tái đầu tư và chăm sóc cây cà phê tốt hơn. Điều này cũng giúp họ kiên định với cây cà phê, không canh tác sang các loại cây trồng khác.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây cho biết, 10 tháng năm nay Việt Nam đã xuất khẩu đạt 1,2 triệu tấn cà phê, thu về 4,6 tỷ USD. Số lượng cà phê xuất khẩu giảm 10,8% nhưng giá trị lại tăng mạnh hơn 40% so với cùng kỳ năm ngoái.
Niên vụ cà phê 2024-2025 của Việt Nam đang đứng trước nhiều biến động lớn về sản lượng và giá cả. Theo dự báo từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), tổng sản lượng cà phê của Việt Nam ước đạt 29 triệu bao, trong đó có 24,4 triệu bao dành cho xuất khẩu và 4,6 triệu bao phục vụ tiêu thụ nội địa. Tuy nhiên, ngành cà phê Việt Nam đang đối mặt với nhiều thách thức, từ biến đổi khí hậu gây ảnh hưởng tới năng suất, sản lượng, đến tình trạng bất ổn trong chuỗi cung ứng toàn cầu do khủng hoảng chính trị kéo dài giữa các khu vực.
Ông Đỗ Hà Nam, Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Cacao Việt Nam (Vicofa), nhận định rằng niên vụ 2023-2024 là một năm đầy khó khăn khi giá cà phê Robusta tăng kỷ lục trên 5.000 USD/tấn, thậm chí cao hơn cả cà phê Arabica. Theo ông Nam đây là một hiện tượng hiếm gặp trên thị trường. Đặc biệt, giá cà phê trong nước đạt mức cao nhất trong 30 năm, tăng 33% về giá trị dù sản lượng xuất khẩu giảm 12,7%. Tình trạng này khiến nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc giao hàng đúng hẹn, dẫn đến nguy cơ mất thị trường vào tay các nguồn cung khác.
Với xu hướng giá cà phê hạ nhiệt nhưng thị trường vẫn khó lường, ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, cho rằng ngành cà phê Việt Nam cần củng cố mối quan hệ với các đối tác trong chuỗi cung ứng, đảm bảo giá cả hợp lý để doanh nghiệp và người nông dân cùng hưởng lợi. Việc điều chỉnh chiến lược từ sản xuất đến xuất khẩu là cần thiết để không chỉ đáp ứng nhu cầu ngắn hạn mà còn giúp duy trì tăng trưởng bền vững.
Nhìn về tương lai, các chuyên gia cũng khuyến nghị tránh mở rộng diện tích trồng trọt quá mức để không rơi vào tình trạng cung vượt cầu. Đồng thời, việc nâng cao chất lượng cà phê, đầu tư vào công nghệ chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng sẽ là chiến lược dài hạn giúp ngành cà phê Việt Nam giữ vững vị thế trên thị trường quốc tế.
48 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu cà phê trên 10 triệu USD |
Theo thống kê của Hiệp hội Cà phê – Ca cao Việt Nam (VICOFA), niên vụ cà phê 2023-2024 có 48 doanh nghiệp đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 triệu USD.
Cụ thể, 48 doanh nghiệp này có tổng kim ngạch xuất khẩu cà phê đạt 5,199 tỉ USD, chiếm 96% giá trị xuất khẩu toàn ngành (bao gồm cả cà phê nhân và cà phê chế biến).
Vua xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua thuộc về Công ty TNHH Vĩnh Hiệp (Gia Lai) với kim ngạch hơn 520 triệu USD. Công ty TNHH Vĩnh Hiệp có 3 sản phẩm chính là cà phê nhân, hồ tiêu và cà phê thương hiệu L'amant Café. Đặc biệt Vĩnh Hiệp còn là doanh nghiệp tiên phong trong việc sản xuất cà phê hữu cơ.
Đứng vị trí thứ 2 là Công ty CP Tập đoàn Intimex với kim ngạch xuất khẩu niên vụ 2023-2024 hơn 407 triệu USD.
VICOFA cho biết, kết thúc niên vụ 2023 - 2024, Việt Nam đã xuất khẩu gần 1,45 triệu tấn cà phê, dự kiến thu về 5,32 tỷ USD, giảm về sản lượng nhưng tăng về kim ngạch. Kim ngạch xuất khẩu cà phê niên vụ vừa qua cũng đạt mức kỷ lục của toàn ngành từ trước đến nay.
Theo truyền thông Trung Quốc, lượng tôm hùm nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Trung Quốc trong 9 tháng đầu năm 2024 đã tăng mạnh, gấp 33 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Nguyên nhân chính đến từ giá thành tôm hùm Việt Nam thấp hơn và quan hệ thương mại ngày càng chặt chẽ giữa hai quốc gia.
Dữ liệu từ Tổng cục Hải quan Trung Quốc cho thấy, từ đầu năm đến tháng 9/2024, Trung Quốc đã nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam đạt giá trị 205,87 triệu USD, tăng tới 3.285% so với cùng kỳ năm trước. Riêng trong tháng 9/2024, lượng nhập khẩu tăng 133,9% so với tháng trước và tăng 2.336% so với cùng kỳ năm 2023. Cùng với đó, nhu cầu tiêu thụ thực phẩm cao cấp, trong đó có tôm hùm, tại Trung Quốc vẫn duy trì ổn định.
Các nhà phân tích nhận định rằng, sự cạnh tranh về giá của tôm hùm Việt Nam là một yếu tố thu hút nhờ lợi thế chi phí lao động và vận chuyển thấp. Trong bối cảnh giá tôm hùm nhập khẩu từ các thị trường khác như Australia và Canada vẫn cao, việc chuyển hướng nhập khẩu từ Việt Nam giúp giảm áp lực cho ngành nuôi trồng thủy sản nội địa Trung Quốc, vốn không đủ khả năng đáp ứng nhu cầu lớn.
Ngoài ra, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, sau khi Trung Quốc nới lỏng quy định nhập khẩu hải sản sau đại dịch COVID-19, tôm hùm Việt Nam đã trở lại thị trường nước này. Các hiệp định thương mại như RCEP cũng đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng xuất khẩu tôm hùm từ Việt Nam.
Trong khi đó, Trung Quốc dự kiến khởi động lại nhập khẩu tôm hùm từ Australia vào cuối năm nay sau khi dỡ bỏ lệnh tạm dừng kéo dài gần bốn năm. Điều này có thể làm thay đổi cục diện thị trường tôm hùm nhập khẩu tại Trung Quốc, đặc biệt khi Australia từng chiếm hơn một nửa lượng nhập khẩu tôm hùm của nước này trong năm 2019.
Trong những năm gần đây, Israel đã trở thành một trong những thị trường xuất khẩu cá ngừ chủ lực của Việt Nam, chỉ sau Mỹ và EU. Tuy nhiên, tình hình xuất khẩu cá ngừ sang Israel đang chịu ảnh hưởng từ căng thẳng leo thang giữa Israel và Iran. Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, năm 2023, xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam sang Israel đã tăng 37% so với năm trước, đạt hơn 50 triệu USD, nhờ Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Israel (VIFTA) được ký kết vào ngày 25/7/2023.
Dù khu vực Trung Đông thường xuyên xảy ra xung đột, xuất khẩu cá ngừ Việt Nam sang Israel vẫn duy trì đà tăng trưởng. Tuy nhiên, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết căng thẳng có thể ảnh hưởng đến hoạt động vận tải biển, đặc biệt qua vịnh Aden - tuyến đường chiến lược kết nối châu Á và châu Âu, chiếm 12-13% thương mại toàn cầu.
Chuyên gia thị trường cá ngừ của VASEP, cho biết xuất khẩu cá ngừ sang Israel đã có biến động trong năm 2024. Sau khi giảm 31% trong tháng 7, xuất khẩu tăng trở lại vào tháng 8 với mức tăng 20% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, cạnh tranh tại thị trường EU và các yếu tố kinh tế vĩ mô, như lạm phát và suy thoái kinh tế, cũng tác động đến nhu cầu tiêu thụ cá ngừ.
Ngoài ra, doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc khan hiếm nguyên liệu trong nước do quy định kích thước đánh bắt, đến giá nhập khẩu cao do chi phí vận chuyển. Nếu thị trường Israel gặp gián đoạn, lượng hàng tồn kho sẽ tăng, gây áp lực lớn lên dòng vốn của doanh nghiệp.
Để vượt qua thách thức, các doanh nghiệp cần tìm kiếm thị trường mới và nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tiếp cận nguồn vốn và thúc đẩy xuất khẩu.
Trong tháng 9/2024, Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 9,9 tỷ USD, nâng tổng giá trị xuất khẩu trong 9 tháng đầu năm lên 88,16 tỷ USD. So với cùng kỳ năm 2023, con số này đã tăng 25,53%, tương đương gần 18 tỷ USD. Trong số các mặt hàng xuất khẩu sang Hoa Kỳ, có 13 nhóm đạt kim ngạch từ 1 tỷ USD trở lên, nổi bật là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện với 17,32 tỷ USD, máy móc và thiết bị với 15,5 tỷ USD, và dệt may với hơn 12 tỷ USD. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu hàng hóa từ Hoa Kỳ trong 9 tháng đạt 10,96 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước. Trong đó, máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện là nhóm hàng duy nhất có giá trị nhập khẩu trên 1 tỷ USD, đạt 3,2 tỷ USD.
Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ trong 9 tháng qua đã đạt 99,12 tỷ USD và chính thức vượt ngưỡng 100 tỷ USD, đánh dấu năm thứ tư liên tiếp thương mại song phương giữa hai nước đạt mốc này. Bộ Công Thương cho biết, thị trường Hoa Kỳ đang có những tín hiệu tích cực, với nhu cầu tiêu dùng và xuất nhập khẩu gia tăng. Các sản phẩm gỗ, thủy sản và dệt may của Việt Nam đang có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Báo cáo từ Ngân hàng Thế giới cũng ghi nhận các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sang Hoa Kỳ có doanh thu tăng gần 25% so với các thị trường khác.
Theo Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ, sự tăng trưởng liên tục của thương mại hai nước là kết quả của mối quan hệ hợp tác ngày càng phát triển, đặc biệt sau khi Việt Nam và Hoa Kỳ nâng cấp quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9/2023. Việc này đã tạo nền tảng để thương mại song phương sớm đạt mốc 200 tỷ USD trong tương lai.
30% diện tích tiêu Bình Phước đạt chuẩn hữu cơ |
Ngành nông nghiệp Bình Phước đã và đang ghi nhận bước đột phá trong lĩnh vực canh tác hồ tiêu hữu cơ. Nhiều nông hộ chọn theo hướng sản xuất hữu cơ đã thu “trái ngọt” khi năng suất ổn định, chất lượng tốt và bảo vệ môi trường hiệu quả.
Tại các vùng trồng hồ tiêu lớn như huyện Lộc Ninh, Bù Đốp, Hớn Quản,… kể từ khi nhà nông dân mạnh dạn chuyển sang canh tác theo hướng hữu cơ thì vườn cây phát triển xanh tốt, năng suất ổn định và giá cả được thu mua cao hơn so với giá tiêu thường trên thị trường.
Diện tích trồng tiêu toàn tỉnh Bình Phước còn khoảng 15.800 ha, thu hẹp khá nhiều do giá tiêu giảm thấp, dịch bệnh, chuyển đổi cây trồng... Những năm gần đây, nhiều gia đình vẫn “cầm cự” chăm sóc hồ tiêu khi giá xuống và sản xuất theo hướng hữu cơ.
Hiện 30% diện tích tiêu của tỉnh được đánh giá đạt chuẩn hữu cơ và không dư lượng thuốc BVTV, đang được đối tác thu mua với giá cao hơn ngoài thị trường.
Tuy nhiên, từ đầu năm 2024, giá thu mua tăng vượt mốc 100.000 đồng/kg đã và đang mang lại niềm vui cho nhà nông trồng hồ tiêu. Bên cạnh đó, việc chuyển hướng trồng hồ tiêu theo hướng hữu cơ đã mang lại nhiều lợi ích cho người trồng lẫn người tiêu dùng.
Trong những năm qua, ngành dịch vụ phòng gym tại Việt Nam từng tăng trưởng mạnh mẽ với tốc độ bình quân 20% mỗi năm, nhưng gần đây, thị trường này đang phải đối mặt với nhiều thách thức lớn. Từ đầu tháng 10, một số chuỗi phòng gym lớn có thâm niên hàng chục năm ở Hà Nội phải thông báo đóng cửa do những "lý do bất khả kháng".
Những khó khăn mà các chuỗi gym này gặp phải phần lớn đến từ chi phí mặt bằng, lương nhân viên tăng cao, trong khi doanh thu giảm mạnh do ảnh hưởng của Covid-19.
Không chỉ có chi phí vận hành tăng, mà khách hàng cũng dần siết chặt hầu bao, chuyển sang các phòng tập giá rẻ hơn. Một số chuỗi như The New Gym hay Ways Station với giá cả phải chăng và hoạt động 24/7 đã thu hút lượng khách hàng lớn, tạo ra cuộc cạnh tranh khốc liệt giữa các thương hiệu phòng gym.
Ngoài ra, sự xuất hiện ngày càng nhiều của các huấn luyện viên cá nhân tự do cũng góp phần làm thay đổi thói quen tập luyện của người tiêu dùng, khi họ có xu hướng chọn các giải pháp cá nhân hóa hoặc những bộ môn mới như marathon hay trekking.
Theo ông Dane Fort, Tổng giám đốc FLG Việt Nam, để tồn tại, các chuỗi gym cần linh hoạt, sáng tạo và mang lại trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, không chỉ dừng lại ở một địa điểm tập luyện thông thường.
Trong thời gian tới, các chuỗi gym lớn có thể sẽ phải mở rộng dịch vụ sang các lĩnh vực như chăm sóc sức khỏe hoặc thẩm mỹ để có thể thích nghi và phát triển bền vững.
Báo cáo do Tổng Cục Hải quan nêu cụ thể, 9 tháng năm 2024, Việt Nam thu về 44,3 tỷ USD từ hoạt động xuất khẩu hàng hóa sang Trung Quốc, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước.
Việt Nam có 10 mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc đạt kim ngạch trên một tỷ USD và chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa sang quốc gia này.
Điện thoại và linh kiện có kim ngạch lớn nhất với 10,8 tỷ USD, đây cũng là mặt hàng duy nhất Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc có kim ngạch trên 10 tỷ USD trong 9 tháng năm 2024. Máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện đứng vị trí thứ hai với 9,09 tỷ USD, giảm sâu 8,8% so với cùng kỳ năm trước. Đồng thời còn xuất khẩu máy ảnh, máy quay phim và linh kiện với giá trị 3,53 tỷ USD, tăng tới 39,4% so với cùng kỳ năm ngoái; máy móc thiết bị dụng cụ, phụ tùng khác cũng đạt 2,45 tỷ USD, tăng 9,1%.
Việt Nam thu về 1,43 tỷ USD từ việc xuất khẩu giày dép sang Trung Quốc, tương ứng tăng 5,9% so với cùng kỳ.Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu xơ sợi dệt lại giảm 8,4% còn 1,57 tỷ USD.
Việt Nam xuất khẩu cao su sang Trung Quốc với 1,37 tỷ USD, giảm 4,6%; xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ với 1,53 tỷ USD, tăng tới 25,3% so với cùng kỳ.
Trong nhóm nông thủy sản, Việt Nam xuất khẩu rau quả ghi nhận tăng tới 37,8%, lên mức 3,79 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản cũng tăng 19,8%, đạt 1,21 tỷ USD.
Ngày 11/10, tại Kiên Giang, Bộ Công Thương đã phối hợp với UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị ngành Công Thương các tỉnh, thành phố khu vực phía Nam lần thứ X, năm 2024.
9 tháng năm 2024, ngành Công Thương khu vực phía Nam vẫn giữ được ổn định tăng trưởng. Trong đó, về chỉ số sản xuất công nghiệp, có 6/20 tỉnh, thành có mức tăng cao hơn mức tăng bình quân của khu vực (tăng 10,73%). Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ đạt 2.442,330 nghìn tỷ đồng, tăng 12,47% so với cùng kỳ năm 2023. Tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 108,427 tỷ USD, tăng 10,41% so với cùng kỳ năm trước.
Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng. Ảnh: Trần Đình |
Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công Thương Phan Thị Thắng đánh giá cao nỗ lực của các địa phương trong khu vực giữ nhịp tăng trưởng. Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng chỉ ra những hạn chế đang tồn tại, ảnh hưởng tới phát triển bền vững của ngành.
Trong đó, sản xuất công nghiệp tăng so với cùng kỳ nhưng một số địa phương tốc độ tăng trưởng chậm, không đều, sản phẩm công nghiệp còn đơn điệu. Nguyên phụ liệu đầu vào cho sản xuất một số ngành hàng chủ yếu là nhập khẩu làm giảm khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu. Công tác xúc tiến thương mại, quản lý cạnh tranh, quản lý thị trường, công tác phòng vệ thương mại cần được tiếp tục đẩy mạnh.
Để đạt được mục tiêu kế hoạch năm 2024, góp phần quan trọng hoàn thành kế hoạch 5 năm 2021-2025 và thực hiện thắng lợi các mục tiêu chung của toàn ngành Công Thương, Thứ trưởng Phan Thị Thắng nhấn mạnh, lãnh đạo UBND các tỉnh/thành phố, đặc biệt là các Sở Công Thương rà soát, sửa đổi, bổ sung các cơ chế chính sách của địa phương, bảo đảm đồng bộ, khả thi. Theo dõi sát diễn biến cung cầu, dự báo sớm tình hình thị trường các mặt hàng thiết yếu. Tăng cường áp dụng thương mại điện tử trong hoạt động lưu thông, phân phối hàng hóa, phối hợp kiểm soát hàng giả, hàng nhái, hàng nhập lậu.
Thứ trưởng cũng đặc biệt nhấn mạnh, các địa phương trong khu vực chú trọng xây dựng thương hiệu cho hàng hóa xuất khẩu nhằm tạo và giữ vững uy tín trên thị trường; xây dựng vùng nguyên liệu giúp giữ ổn định chất lượng sản phẩm và đảm bảo nguồn cung; chú trọng hơn tới công tác phòng vệ thương mại.
Trước đó, tối 10/10, Bộ Công Thương cũng phối hợp tổ chức lễ Khai mạc Hội chợ triển lãm hàng công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực phía Nam năm 2024 và tôn vinh các sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của khu vực phía Nam năm 2024.
Năm 2024, khu vực phía Nam có 382 sản phẩm đăng ký bình chọn sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu từ 18/20 tỉnh, thành phố, trong đó 189 sản phẩm đã được công nhận, đạt 49,5% tổng số đăng ký. Như vậy, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu được công nhận của khu vực phía Nam chiếm 43% trong tổng số sản phẩm được công nhận cả nước năm 2024. Đây là số sản phẩm được bình chọn nhiều nhất từ trước đến nay của cấp khu vực.