Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 02/04/2025 05:17
Tin nóng:
Ngành xi măng Việt Nam đang đối diện với áp lực dư cung khi sản lượng thực tế lên tới 122 triệu tấn/năm, trong khi nhu cầu nội địa chỉ khoảng 65 triệu tấn. Sự suy giảm của thị trường bất động sản đã khiến nhiều nhà máy phải dừng một số dây chuyền sản xuất, thậm chí đóng cửa dài hạn.
Tình hình xuất khẩu cũng không mấy khả quan khi trong tháng 1/2025, Việt Nam xuất khẩu hơn 2,1 triệu tấn xi măng và clinker, thu về 76 triệu USD, giảm 4,1% về sản lượng và 11,2% về kim ngạch so với tháng trước. Giá xuất khẩu bình quân đạt 35 USD/tấn, giảm 7,4%.
Bangladesh hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam khi nhập hơn 586 nghìn tấn. Sản lượng này đã giảm 29,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Philippines và Malaysia cũng chứng kiến mức giảm lần lượt 39,8% và 21,2%. Trước tình trạng này, doanh nghiệp trong ngành buộc phải mở rộng tìm kiếm thị trường mới tại Mỹ, Bắc Mỹ, Nam Mỹ và châu Phi nhằm giảm phụ thuộc vào các đối tác truyền thống.
Thống kê 23 doanh nghiệp vận tải biển niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, năm 2024 doanh thu và lợi nhuận toàn ngành tăng rất mạnh. Hầu hết các bên đồng loạt lên kế hoạch mở rộng đón đầu cơ hội mới trong năm 2025.
Về thị trường, báo cáo từ Chứng khoán SSI cho rằng, các doanh nghiệp Mỹ có thể đẩy mạnh nhập khẩu trước khi thuế mới của Tổng thống Donald Trump được áp dụng, tương tự giai đoạn 2017-2019, khiến nhu cầu vận chuyển và giá cước container lên cao. Ngoài ra, những áp lực tương tự căng thẳng Biển Đỏ sẽ có thể đẩy giá cước tăng mạnh hơn. SSI dự báo, lợi nhuận ngành này chưa đạt đỉnh trong năm 2025 mà có thể kéo sang năm 2026.
Cùng quan điểm, Chứng khoán BIDV (BSC) nhận định lợi nhuận doanh nghiệp ngành vận tải biển sẽ tăng 15% trong năm nay. Theo giới phân tích, giá cước có thể đạt đỉnh vào nửa cuối năm 2025 nhờ khủng hoảng Biển Đỏ kéo dài, nhưng sẽ giảm nhẹ vào cuối năm khi đội tàu mới đồng loạt được đưa vào khai thác tạo áp lực nguồn cung. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) thì dự báo khối lượng thương mại hàng hóa toàn cầu năm 2025 tăng trưởng 3% so với năm trước; trong đó dự báo tăng trưởng xuất khẩu từ các nước châu Á đạt 4,7%.
Với sự tham gia ngày càng sâu rộng trong chuỗi cung ứng thế giới, ngành vận tải biển Việt Nam được đánh giá sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ gia tăng nhu cầu vận chuyển hàng hóa toàn cầu.
Theo số liệu mới nhất của Hải quan Việt Nam, trong 2 tháng đầu năm 2025, xuất khẩu chè của cả nước đạt 17,33 nghìn tấn, với kim ngạch 28,31 triệu USD – giảm nhẹ 1,3% về lượng và 2,6% về giá so với cùng kỳ năm trước.
Dù vậy, Việt Nam vẫn tự hào khẳng định vị thế là quốc gia sản xuất và xuất khẩu chè đứng thứ 5 trên trường quốc tế, với sản phẩm được gửi tới tới 74 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Các thị trường ghi nhận sự tăng trưởng về kim ngạch bao gồm Indonesia, Trung Quốc, Ấn Độ và Ả Rập Xê Út, trong khi những thị trường trọng điểm như Pakistan, Hoa Kỳ, Malaysia lại có dấu hiệu suy giảm. Đặc biệt, chất lượng chè Việt Nam được người tiêu dùng quốc tế đánh giá cao, với nhiều sản phẩm nổi bật như chè xanh Mộc Châu, chè Thái Nguyên, chè Suối Giàng (Hà Giang), Ô long (Lâm Đồng) và các loại chè ướp hương sen, nhài.
Đáng chú ý, Vương quốc Anh đang nổi lên là thị trường tiềm năng khi năm 2024, Việt Nam là nhà cung cấp chè lớn thứ 14 cho nước này, đạt 994 tấn, trị giá 2,01 triệu USD – tăng mạnh về cả lượng và giá so với năm 2023.
Các chuyên gia nhận định, nhờ lợi thế về thổ nhưỡng và khí hậu, cùng với hiệu lực của Hiệp định thương mại, sản phẩm chè Việt Nam có nhiều cơ hội mở rộng thị phần tại thị trường khó tính này trong thời gian tới.
Theo số liệu từ Viện Thống kê Argentina, kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Argentina trong tháng 1/2025 đạt 331 triệu USD, tăng 73% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, xuất khẩu của Argentina sang Việt Nam đạt 207 triệu USD, tăng 38%, chiếm 43% tổng xuất khẩu sang ASEAN.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của Argentina từ Việt Nam đạt 124 triệu USD, tăng hơn 206%, chiếm 33% tổng nhập khẩu từ ASEAN.
Thương vụ Việt Nam tại Argentina cho biết, đà tăng trưởng mạnh chủ yếu nhờ nền kinh tế và thị trường tài chính Argentina cải thiện từ cuối năm 2024, cùng với chính sách nới lỏng xuất khẩu của nước này. Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu nhiều nhất gồm linh kiện điện tử, điện thoại di động, máy tính và hàng tiêu dùng. Ngược lại, Việt Nam nhập khẩu chủ yếu thức ăn gia súc, hạt ngô, da thuộc và thịt từ Argentina.
Dự báo trong năm 2025, thương mại song phương sẽ tiếp tục tăng trưởng khi Việt Nam hiện là thị trường nhập khẩu ngô và bột đậu nành lớn nhất của Argentina, với triển vọng duy trì vị thế đối tác thương mại quan trọng trong khu vực.