Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 22/11/2024 06:48
Tin nóng:
Cơ hội cho doanh nghiệp thâm nhập thị trường CPTPP: Sản xuất bền vững là "chìa khoá" quan trọng Hiệp định UKVFTA - thời cơ cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Anh |
Hiện nay, tỉnh Bắc Kạn có 184 sản phẩm OCOP, trên 90 lượt sản phẩm được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu trong đó có nhiều sản phẩm đạt tiêu chuẩn 5 sao và 4 sao. Nhiều sản phẩm của bà con đồng bào dân tộc được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp khu vực và cấp quốc gia, đảm bảo các tiêu chuẩn về chất lượng, mẫu mã, khẳng định được thương hiệu, nâng cao giá trị tham gia thị trường trong nước và xuất khẩu.
Một số sản phẩm OCOP của tỉnh Bắc Kạn đã được xuất khẩu sang thị trường nước ngoài như: Miến dong Tài Hoan xuất khẩu sang thị trường Cộng Hòa Séc, rượu men lá Thanh Tâm, hoa quả, nông sản chế biến xuất khẩu (quả mơ vàng, củ kiệu, sản phẩm từ gừng...) xuất khẩu đi thị trường Nhật Bản...
Khách hàng tham quan mua sắm tại Hội nghị xúc tiến tiêu thụ và kết nối giao thương các sản phẩm hàng hóa tỉnh Bắc Kạn năm 2023 |
Theo Báo cáo tình hình thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ và tình hình kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh tháng 10 và 10 tháng năm 2023 trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tháng 10/2023 trên địa bàn tỉnh ước đạt 824,130 tỷ đồng, tăng 3,61% so với tháng trước, tăng 36,24% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 10 tháng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 7.381,282 tỷ đồng, đạt 105,09% kế hoạch năm 2023, tăng 32,55% so với cùng kỳ năm 2022.
Mặc dù có nhiều nỗ lực, song theo ông Nông Quang Nhất – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Kạn, việc phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở Bắc Kạn nói riêng và một số địa phương nói chung, chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, đang có những tồn tại, bất cập, hạn chế cần được quan tâm, giải quyết như hợp tác xã có quy mô nhỏ, vốn ít, năng lực quản trị hạn chế, liên kết thành viên còn thấp, chưa có uy tín và thương hiệu trên thị trường; việc tiếp cận nguồn vốn tín dụng của các hợp tác xã vẫn còn khó khăn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến việc tiêu thụ sản phẩm OCOP nói riêng và nông sản của bà con đồng bào dân tộc thiểu số nói chung còn khó khăn.
Quảng bá tiêu thụ sản phẩm |
Bắc Kạn đang đặt mục tiêu đến năm 2025, địa phương sẽ có từ 200 sản phẩm OCOP, trong đó có ít nhất 2 sản phẩm đạt 5 sao quốc gia. Địa phương cũng hướng tới phát triển các sản phẩm theo chiều sâu thông qua việc tiếp tục hỗ trợ các chủ thể nâng cấp, hoàn thiện sản phẩm; đổi mới, cải thiện quy trình công nghệ…
Nhằm hỗ trợ đầu ra cho sản phẩm nông sản và các sản phẩm đặc sản, sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu của địa phương, theo Vụ Thị trường trong nước, thời gian qua, Bộ Công Thương đã xây dựng và triển khai một loạt các chương trình, dự án, Đề án, các hoạt động nhằm tăng cường thuận lợi và giảm khó khăn cho các doanh nghiệp sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tại thị trường nội địa, đẩy mạnh việc kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, tiêu thụ các sản phẩm đặc sản của địa phương, cũng như các sản phẩm công nghiệp nông thôn, nông nghiệp tiêu biểu, các sản phẩm chủ lực của các địa phương nói chung và Bắc Kạn nói riêng.
Ông Bùi Nguyễn Anh Tuấn - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước chia sẻ, với rất nhiều tiềm năng sẵn có, Bắc Kạn có điều kiện thuận lợi phát triển du lịch sinh thái, du lịch lịch sử với các giá trị tự nhiên, lịch sử đặc sắc. Đó là điều kiện thuận lợi để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm địa phương, góp phần phát triển kinh tế tỉnh Bắc Kạn theo hướng xanh và bền vững.
Đánh giá về tiềm năng của Bắc Kạn, ông Lê Hoàng Tài - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công Thương cho biết, dư địa và tiềm năng phát triển thị trường cả trong và ngoài nước của nhiều sản phẩm xuất xứ Bắc Kạn hiện khá mở rộng.
"Do đó, ngành nông nghiệp tỉnh Bắc Kạn cần đẩy mạnh nghiên cứu, tái cấu trúc vùng trồng, tiếp tục mở rộng vùng trồng nông sản theo hướng xanh, hữu cơ, kiểm soát nghiêm ngặt dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, đối tượng dịch hại, thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ các chứng nhận Vietgap, Globalgap, truy xuất nguồn gốc tại các vùng trồng, nhằm đẩy mạnh tính cạnh tranh và tăng uy tín trên thị trường" - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại nói.
Tiềm năng phát triển thị trường cả trong và ngoài nước của nhiều sản phẩm xuất xứ Bắc Kạn hiện khá mở rộng. |
Bên cạnh đó, ông Lê Hoàng Tài kiến nghị, ngành nông nghiệp cần đẩy mạnh nghiên cứu, kêu gọi đầu tư để hình thành, phát triển chuỗi giá trị gia tăng giúp sản phẩm nông nghiệp Bắc Kạn có cơ hội tiếp cận các tệp khách hàng lớn hơn và tăng giá trị sản phẩm.
"Ngành Công Thương Bắc Kạn cần tiếp tục chủ động triển khai đa dạng các chương trình, hoạt động xúc tiến thương mại trên địa bàn tỉnh, hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã của tỉnh kết nối sản xuất, tiêu thụ sản phẩm giữa Bắc Kạn với các tỉnh, thành phố trong cả nước; tham gia nhiều hơn nữa các hội chợ triển lãm, hội nghị kết nối cung cầu, các chương trình phối hợp về tiêu thụ hàng hóa giữa các tỉnh, thành, các chương trình xúc tiến thương mại quy mô quốc gia và quốc tế" - ông Lê Hoàng Tài nói.
Các doanh nghiệp, hợp tác xã trên địa bàn tỉnh cần đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trong phát triển sản phẩm, hình thành mô hình chuỗi liên kết, năng động hơn trong công tác nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu thị trường… để tăng năng lực cung ứng cho thị trường.