Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Chủ nhật 24/11/2024 17:17
Tin nóng:
Mở cơ hội cho hàng hóa Việt Nam
Vương quốc Anh là thị trường xuất khẩu lớn thứ 9 trên thế giới và thứ 4 của Việt Nam ở khu vực châu Âu, châu Mỹ. Mối quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư giữa hai nước ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất.
Kể từ khi Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên hiệp Vương quốc Anh và Bắc Ireland (Hiệp định UKVFTA) có hiệu lực từ ngày 1/1/2021, đã tạo động lực cho thương mại song phương tăng trưởng liên tục.
Cho đến nay, nhiều mặt hàng của Việt Nam được miễn thuế nhập khẩu ngay lập tức hay theo lộ trình, khi xuất khẩu sang Anh như: cà phê, trái cây, túi xách, va ly, giày dép, hàng dệt may, thủy sản... Một số mặt hàng nông sản khác trong đó có gạo, thủy sản, trái cây lần đầu tiên được vào thị trường Anh.
Hiệp định UKVFTA thời cơ cho hàng hóa Việt Nam vào thị trường Anh. Ảnh: Moit.gov.vn |
Kết quả cho thấy, năm 2021 kim ngạch 2 chiều đạt 6,6 tỷ USD, trong đó, xuất khẩu của Việt Nam đạt gần 5,8 tỷ USD, xuất khẩu của Anh đạt 849 triệu USD.
Năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và Vương quốc Anh đạt 6,8 tỷ USD, trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Anh 6,1 tỷ USD, nhập khẩu 700 triệu USD từ Anh.
Tám tháng đầu năm 2023, tổng kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam và Vương quốc Anh 4,62 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Anh đạt gần 4,1 tỷ USD và nhập khẩu từ Anh trên 520 triệu USD.
Hiện Việt Nam đứng thứ 23 trong số các nước xuất khẩu nhiều nhất đến Anh trong 3 năm vừa qua, kể từ khi UKVFTA có hiệu lực. Đáng mừng là, tỷ trọng kim ngạch mặt hàng xuất khẩu công nghiệp (không kể sắt thép, kim loại) của Việt Nam sang Anh chiếm trên 40% tổng giá trị xuất khẩu.
Ngược lại, kể từ khi hiệp định UKVFTA có hiệu lực, đầu tư trực tiếp từ Vương quốc Anh vào Việt Nam tăng lên mạnh.
Năm 2021, Vương quốc Anh có 434 dự án còn hiệu lực tại Việt Nam với tổng vốn đăng ký 3,98 tỷ USD. Tính hết tháng 9 năm 2023, có 542 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam (tăng 24,8% số với số liệu tính đến hết năm 2021); với tổng vốn đầu tư đăng ký khoảng 4,29 tỷ USD (tăng 7,7% số với số liệu tính đến hết năm 2021), đứng thứ 15/143 quốc gia và vùng lãnh thổ có vốn đầu tư trực tiếp tại Việt Nam.
Các dự án mà Vương quốc Anh đầu tư tập trung vào 3 lĩnh vực chủ yếu: Công nghiệp chế biến, chế tạo, chiếm 38,7% tổng vốn đầu tư đăng ký; Hoạt động kinh doanh bất động sản chiếm 26,2% tổng vốn đầu tư đăng ký; khai khoáng chiếm 17,6% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Qua gần 3 năm thực hiện, Hiệp định UKVFTA đã chứng minh sức sống của một FTA song phương khi tạo được sức bật kinh tế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hai bên vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức của dịch bệnh.
Thách thức không nhỏ với doanh nghiệp Việt
Mặc dù Việt Nam đang có lợi thế thúc đẩy xuất khẩu hàng hoá sang Anh nhờ UKVFTA, song đây là thị trường có tiêu chuẩn cao của thế giới, điều này gây không ít trở ngại cho doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, từ năm 2023 này, những chính sách mới được áp dụng thị trường Vương Quốc Anh cũng có nhiều trở ngại với hàng xuất khẩu Việt Nam.
Cụ thể như, từ ngày 1/1/2023, Vương quốc Anh áp dụng bắt buộc nhãn hiệu chứng nhận hợp chuẩn theo tiêu chuẩn riêng, gọi là nhãn hiệu UKCA cho hầu hết các sản phẩm công nghiệp nhập khẩu vào Anh, thay thế cho nhãn hiệu CE, vốn được dùng chung trên cả thị trường EU trước đây mà doanh nghiệp Việt Nam đã quen thuộc trong thực hiện.
Nhãn hiệu UKCA liên quan đến 4 đối tượng là nhà sản xuất, nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối. Chính vì vậy, nếu sản phẩm xuất khẩu Việt Nam không được chứng nhận hợp chuẩn UKCA thì sẽ bị các nhà tiếp thị sản phẩm, nhà nhập khẩu và nhà phân phối của Anh quốc từ chối tiếp nhận.
Nhiều thách thức cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam. Ảnh: Moit.gov.vn |
Tiếp nữa, ngày 31/5/2023, Bộ Kinh doanh và Thương Mại của Anh cũng đã công bố Hiệp định thương mại của Vương quốc Anh với Úc và New Zealand bắt đầu có hiệu lực. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, hàng hóa xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp thêm các đối thủ cạnh tranh mới.
Bên cạnh đó, Vương Quốc Anh cũng công bố Chương trình Thương mại với các nước đang phát triển (DCTS) thay thế Chương trình Ưu đãi tổng quát (GSP) từ ngày 19/6/2023. DCTS là một trong những chương trình ưu đãi rộng mở nhất trên thế giới, cung cấp thương mại miễn thuế, không hạn ngạch cho các nước kém phát triển trên mọi mặt hàng trừ vũ khí.
Theo giới chuyên gia, EVFTA là cơ hội, nhưng cũng là thách thức cho rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam khi mà chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, vốn ít, không đủ sức để thay đổi công nghệ trong một sớm một chiều. Trong khi đó, các doanh nghiệp FDI từ châu Âu có công nghệ sản xuất tiên tiến từ lâu đời, nguồn vốn lớn, tập trung đầu tư cho công nghệ, đổi mới, sáng tạo trong sản xuất và quy trình.
Vấn đề quy tắc xuất xứ, nguyên liệu sẽ là một thách thức không nhỏ với các doanh nghiệp Việt Nam. EU là thị trường này hết sức khó tính, đòi hỏi hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn của các quốc gia EU, thì mới tận dụng được các thời cơ của EVFTA. Các mặt hàng muốn được hưởng ưu đãi về thuế quan, thì nguyên liệu phải đáp ứng một tỷ lệ về hàm lượng nội khối nhất định.
Bên cạnh đó, còn có nhiều nguy cơ phải đối mặt, như nguy cơ về nhận diện thương hiệu. Các mặt hàng của Việt Nam có sức quảng bá kém, độ nhận diện thương hiệu không cao, hiệu quả của công tác quảng bá, xúc tiến thương mại chưa cao là một thách thức không hề nhỏ cho các doanh nghiệp.
Vấn đề về sở hữu trí tuệ là yêu cầu đặt lên hàng đầu từ phía EU. Việt Nam cần đặc biệt chú ý tới những quy tắc về sở hữu trí tuệ trong EVFTA để có thể khai thác được lợi ích từ hiệp định này.
Về bảo vệ môi trường, các doanh nghiệp Việt chưa có kinh nghiệm trong vấn đề thực hiện các nghĩa vụ về môi trường trong khuôn khổ các ràng buộc và điều chỉnh thương mại. Việc này đặt ra những thách thức không nhỏ cho doanh nghiệp và hàng hóa Việt Nam.
Ngoài ra, còn có nguy cơ về các biện pháp phòng vệ thương mại, doanh nghiệp ở thị trường nhập khẩu có xu hướng sẽ sử dụng nhiều hơn các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp hay tự vệ để bảo vệ ngành sản xuất nội địa, điều này cũng khiến cho Việt Nam sẽ có thể lúng túng về mặt pháp lý.
Hiệp định Thương mại Tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA) đã chính thức hoàn tất đàm phán vào ngày 11/12/2020 và ký kết vào tối 29/12/2020. Hiệp định được đàm phán dựa trên nguyên tắc kế thừa các cam kết đã có trong Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA) với những điều chỉnh cần thiết để đảm bảo phù hợp với khuôn khổ thương mại song phương giữa Việt Nam và Anh. Hiệp định đã có hiệu lực tạm thời từ 23h tối 31/12/2020 (tức 6h sáng ngày 01/01/2021 theo giờ Việt Nam) và chính thức có hiệu lực từ ngày 01/05/2021. |