Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ sáu 13/12/2024 00:47
Tin nóng:
Diện mạo mới cho làng nghề ở Phú Xuyên từ chuyển đổi số Sản phẩm làng nghề lên sàn thương mại điện tử |
Bắc Ninh là một trong những địa phương có nhiều làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ nổi tiếng, có thể kể đến như: Làng đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ (Từ Sơn); làng nghề truyền thống làm đồ gỗ mỹ nghệ Bình Cầu (xã Hoài Thượng, huyện Tiên Du); làng sản xuất đồ gỗ mỹ nghệ ở Ngô Nội (huyện Yên Phong)…
Những năm 2000 được coi là thời “vàng son” của làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ. Riêng thôn Đồng Kỵ (xã Đồng Quang, nay là phường Đồng Kỵ, TP. Từ Sơn) từ năm 2000 - 2015 có hơn 500 doanh nghiệp tư nhân ra đời.
Các nghệ nhân làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ vẫn nỗ lực từng ngày. Ảnh: CK |
Điểm chung ở các làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ là sự sầm uất. Những người thợ nơi đây không chỉ khéo léo chạm khắc những nét hoa văn độc đáo mà còn linh hoạt biết vận dụng cơ chế thị trường, thành thạo buôn bán. Nhờ đó, những làng nghề này không chỉ được xem là khu vực kinh tế trọng điểm của tỉnh Bắc Ninh mà còn tạo ra nhiều công ăn việc làm cho người lao động địa phương, cũng như các tỉnh lân cận.
Tuy nhiên, từ sau dịch Covid-19 xuất hiện, sức tiêu thụ ở các làng nghề giảm dần, đặc biệt từ cuối năm 2023 đến nay thì giảm mạnh. Chia sẻ của nhiều cơ sở tại làng nghề từng được mệnh danh là “làng giám đốc” hay “làng tỷ phú” Đồng Kỵ cho thấy, từ Tết nguyên đán 2024 đến nay không có đơn hàng ngoài nước, hàng sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ nội địa nhưng cũng cầm chừng. Các làng nghề ở Phù Khê, Hương Mạc… thời điểm này cũng vắng khách nên chỉ lác đác vài xưởng gỗ còn hoạt động.
Theo nhận định của cơ quan chuyên môn, nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là do những năm qua, thị trường tiêu thụ sản phẩm gần như phụ thuộc hoàn toàn vào Trung Quốc, nhưng mấy năm gần đây thị trường này giảm mạnh; quy mô sản xuất nhỏ, phân tán do mặt bằng sản xuất chật hẹp; tính chuyên môn hóa và hợp tác hóa ở các ngành nghề chưa cao; chậm cải tiến về mẫu mã, công nghệ, kỹ thuật… nên không đáp ứng được yêu cầu thị trường.
Trước thực tế này, nhiều làng nghề đã nhìn nhận lại bản thân để có cách thay đổi cho phù hợp với xu thế mới. Điển hình tại Làng đồ gỗ mỹ nghệ Đồng Kỵ, các cấp chính quyền TP. Từ Sơn nỗ lực triển khai đồng bộ giải pháp từ hỗ trợ vay vốn mở rộng sản xuất, đổi mới trang thiết bị, sử dụng công nghệ mới, đến hỗ trợ đào tạo nghề…
Còn tại làng nghề đồ gỗ mỹ nghệ ở thôn Bình Cầu, thị xã Thuận Thành đã có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân gìn giữ, phát triển làng nghề, trong đó có việc công nhận một số sản phẩm đạt chất lượng OCOP, lập hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận làng nghề truyền thống. Qua đó, tạo điều kiện quảng bá, giới thiệu sản phẩm; đồng thời, có kế hoạch quy hoạch khu sản xuất gỗ thủ công mỹ nghệ làng nghề ra khu tập trung tạo điều kiện cho nhân dân có đất mở rộng sản xuất, tránh ô nhiễm môi trường; đặc biệt có chính sách tạo điều kiện xác nhận cho người dân vay vốn mở rộng quy mô sản xuất…
Bà Vũ Thị Mai - Tổng giám đốc Công ty TNHH đồ gỗ mỹ nghệ Hướng Mai, phường Đồng Kỵ - cho biết: “Nắm bắt xu thế mới của thị trường, Hướng Mai quyết định chuyển sang sản xuất, kinh doanh những sản phẩm tâm linh, đồ gỗ mỹ nghệ với sự chạm khắc tỉ mỉ, khéo léo, hướng đến khách hàng đặc biệt cả trong và ngoài nước; mở rộng khách hàng, thiết kế sản phẩm theo yêu cầu, phục vụ riêng cho những người có gu thẩm mỹ, am hiểu về nghệ thuật và văn hoá cao trong sử dụng đồ gỗ nội thất. Khi có đơn đặt hàng, doanh nghiệp bố trí nhân viên có trình độ, tay nghề làm việc trực tiếp với khách hàng, đo đạc kích thước ngôi nhà để tư vấn sản phẩm phù hợp. Nhờ vậy, doanh nghiệp có được nhiều đơn đặt hàng trong nước và xuất khẩu sang Mỹ, Đức, Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc… ”.
Ở thôn Bình Cầu hiện có 28 gia đình làm nghề đồ gỗ mỹ nghệ, người dân trong thôn cũng đang đẩy tiêu thụ sản phẩm không chỉ bó hẹp ở nội địa mà còn hướng sang thị trường Trung Quốc, Lào... Dù còn gặp không ít khó khăn do đầu ra sản phẩm thiếu ổn định, song người dân ở làng nghề truyền thống đồ gỗ mỹ nghệ có lịch sử hình hơn 400 năm tuổi vẫn “một lòng một dạ” với nghề, và hy vọng một ngày gần nhất, những điều tốt đẹp nhất lại đến bà con làm nghề như tên của nó "mỹ nghệ", để tạo ra nhiều công ăn việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương.