Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ năm 20/03/2025 18:52
Tin nóng:
Lan tỏa giá trị văn hóa ẩm thực Việt tại hội chợ Tết Trải nghiệm sắm Tết, chơi Xuân tại 'Vương quốc lễ hội' Thanh Hóa tổ chức nhiều sự kiện vui chơi hấp dẫn dịp Tết |
Như đến hẹn lại lên
Trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là những ngày đầu năm, đi đền, chùa cầu may hay tham gia các lễ hội xuân là một nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc Việt Nam, nơi du khách thập phương tìm về để du xuân, tận hưởng không khí vui tươi cũng như để cầu mong một năm mới an lành. Chính vì vậy, những địa điểm trên sẽ thu hút đông đảo người dân, du khách cũng như hàng loạt loại hình kinh doanh từ phục vụ ăn uống, nghỉ ngơi đến viết sớ, cúng thuê,…
Bên cạnh những lợi ích, giá trị tốt đẹp của những người kinh doanh, tình trạng "chặt chém" du khách tại các lễ hội, đền, chùa ngày càng trở nên phổ biến, gây bức xúc dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến hình ảnh du lịch của địa phương.
![]() |
Đầu năm là dịp ngời dân cũng như du khách thập phương tìm về những nơi linh thiêng để cầu may. Ảnh: Hoàng Minh |
Như đến hẹn lại lên, không khó để bắt gặp những trường hợp du khách bị hét giá quá cao khi mua hàng, sử dụng dịch vụ tại các khu du lịch, lễ hội tâm linh. Giá cả bị đội lên gấp hai, gấp ba lần, thậm chí nhiều hơn so với mức thông thường. Đặc biệt, các mặt hàng như đồ ăn, nước uống, đồ cúng, dịch vụ trông giữ xe,… thường là những thứ dễ bị "chặt chém" nhất.
Không chỉ riêng tại các địa điểm mang tính tâm linh như kể trên, mới đây, dư luận đặc biệt quan tâm đến sự việc một quán ăn ở TP. Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa bị tố "chặt chém" đoàn khách Trung Quốc khi tính giá cà tím nướng mỡ hành gần 2 triệu đồng một phần, rau muống xào tỏi 500.000 đồng, cơm trắng 250.000 đồng… và phụ thu ngày Tết gần 5 triệu đồng.
Trả lời cơ quan chức năng và báo chí hôm 5/2, chủ quán Aroma Beach thanh minh rằng đã có sự thỏa thuận trước với khách hàng. Nhưng có hợp lý khi chủ quán tính một đĩa rau muống xào tỏi cho khách là 500.000 đồng? Hoặc một tô phở bò là 325.000 đồng?
Du khách sẽ dễ dàng thông cảm với các cơ sở kinh doanh nếu phải trả tiền thu thêm 20% so với ngày thường vì trong những ngày lễ tết, quán phải tính thêm lương cho người làm và nhiều khoản phải tính cao hơn, nhưng có lẽ tính với giá gấp 5 - 7 lần như thế thì giải thích thế nào cũng không hợp lý.
![]() |
Du khách mua hàng tại một điểm tâm linh thuộc tỉnh Thanh Hóa. Ảnh: Hoàng Minh |
Hay như trước đó ở ngay Thủ đô Hà Nội, nhiều người đã không khỏi sững sờ sau khi biết câu chuyện của một gia đình đã phải trả 1,2 triệu đồng cho 3 bát bún riêu tại một cơ sở ăn uống tại phố Bạch Mai (quận Hai Bà Trưng) vào đêm mùng 1 Tết (29/1). Biết được thông tin trên, cơ quan chức năng đã nhanh chóng đình chỉ hoạt động cơ sở kinh doanh bún riêu vào mùng 3 Tết (31/1).
Cần thay đổi nhận thức của người kinh doanh
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng "chặt chém" du khách trong dịp Tết Nguyên đán, đặc biệt là tại các lễ hội, đền chùa. Một trong những nguyên nhân chính là trong những ngày này, lượng khách du lịch sẽ tăng đột biến, nhiều người bán hàng lợi dụng cơ hội này để tăng giá một cách vô lý. Các tiểu thương chỉ quan tâm đến lợi nhuận ngắn hạn mà không nghĩ đến hậu quả lâu dài đối với du lịch và hình ảnh của địa phương.
Ngoài ra, một số địa phương chưa có biện pháp giám sát, kiểm soát chặt chẽ cũng như xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, tạo điều kiện cho hành vi gian lận tiếp diễn.
![]() |
Lực lượng Quản lý thị trường Hà Tĩnh kiểm tra, giám sát hoạt động kinh doanh tại Đền Ông Hoàng Mười, tỉnh Hà Tĩnh. Ảnh: Quản lý thị trường Hà Tĩnh |
Bên cạnh đó, người dân cũng như du khách không nắm rõ giá cả trung bình của các dịch vụ, dẫn đến việc bị ép giá mà không có phương án xử lý cũng như động thái liên hệ với cơ quan chức năng. Một phần vì tâm lý nghĩ rằng việc tăng giá là việc đương nhiên, phần vì e ngại phiền phức đầu năm, chi li quá sẽ "mất lộc".
Thế nhưng tình trạng này không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho du khách mà còn làm xấu đi hình ảnh của các lễ hội truyền thống, khu vực tâm linh được nhiều người thương xuyên ghé thăm. Việc tăng giá bất hợp lý còn tạo ra sự mất công bằng giữa những người kinh doanh chân chính và những người chỉ muốn kiếm lời bất chính.
Để hạn chế tối đa tình trạng này, cần có sự vào cuộc mạnh mẽ từ nhiều phía, bao gồm cả cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương, người kinh doanh và chính du khách.
Các cơ quan chức năng có liên quan, đặc biệt là chính quyền địa phương cần siết chặt việc quản lý giá cả, dịch vụ tại các khu vực lễ hội. Thành lập các tổ công tác chuyên trách kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm…
Đặc biệt, chính những người bán hàng, người cung cấp dịch vụ cần nhận thức rằng việc tăng giá bất hợp lý, "chặt chém" du khách là hành vi vi phạm, sẽ bị xử lý nghiêm. Đồng thời, hình ảnh du lịch của địa phương đó sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Bản thân du khách cũng phải có kiến thức, tìm hiểu giá cả về những sản phẩm, dịch vụ mình sắp mua. Nếu có tình trạng tăng giá bất hợp lý, chèn ép giá cần lên tiếng mạnh mẽ để phản đối và có thể liên hệ cơ quan chức năng tại địa phương đó để giải quyết.
Mùa lễ hội đầu năm là dịp để mọi người vui chơi, tận hưởng không khí tươi vui của năm mới, thế nhưng đây cũng là cơ hội để những người kinh doanh thiếu chân chính "chặt chém" du khách. Đã đến lúc các cơ quan chức năng, người kinh doanh và cả du khách cùng chung tay xây dựng một môi trường du lịch văn minh, công bằng và lành mạnh, để mỗi mùa lễ hội thực sự là dịp vui trọn vẹn cho tất cả mọi người. |