Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ bảy 26/04/2025 13:40
Tin nóng:
Còn nhiều khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm
Đắk Nông là nơi sinh sống của 40 dân tộc khác nhau. Trong đó đồng bào dân tộc thiểu số gồm M’Nông, Mạ và Ê Đê chiếm khoảng 11% dân số toàn tỉnh . Một số huyện có tỷ lệ đồng bào bà con dân tộc thiểu số cao như huyện Đắk Glong, nơi gần 60% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.
Bà con vùng dân tộc Đắk Nông thời gian qua đã sản xuất nhiều nông sản, với nhiều sản phẩm đặc thù vùng miền như cà phê, hồ tiêu, mắc ca, dược liệu... Những sản phẩm này nếu được tổ chức sản xuất bài bản, có hệ thống tiêu thụ ổn định sẽ góp phần không nhỏ vào việc nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho đồng bào dân tộc thiểu số. Những năm vừa qua, ngành Công Thương đã triển khai nhiều giải pháp để tiêu thụ sản phẩm, song còn nhiều hạn chế.
![]() |
Cà phê là một trong những mặt hàng chủ lực của bà con dân tộc thiểu số Đắk Nông (Ảnh: TTXVN) |
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương Đắk Nông, trong giai đoạn 2021 - 2025, ngành Công Thương tỉnh Đắk Nông được giao thực hiện một số nội dung trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Tuy nhiên, việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở mảng thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm địa phương. Nguyên nhân là nguồn kinh phí dành cho hoạt động này còn hạn chế
Thiếu nguồn lực, việc triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi chỉ dừng ở mức “lồng ghép”. Các chương trình như phát triển thương mại miền núi, chương trình OCOP, xây dựng nông thôn mới hay cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” được tận dụng như một giải pháp tình thế. Tuy nhiên, hiệu quả vẫn còn hạn chế, chưa tạo được sự bứt phá về đầu ra cho sản phẩm địa phương.
Một vấn đề lớn khác là hạ tầng thương mại ở khu vực đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi vẫn chưa được đầu tư tương xứng. Tỉnh Đắk Nông đã có những bước đi ban đầu khi đưa vào danh mục đầu tư 6 dự án chợ, bao gồm nâng cấp 4 chợ tại các huyện Đắk G’Long và Tuy Đức, xây mới 2 chợ tại xã Đắk Ngo và xã Đắk Som. Tuy nhiên, quá trình triển khai gặp nhiều vướng mắc, đặc biệt là liên quan đến đất đai quy hoạch chợ. Việc thiếu mặt bằng rõ ràng khiến các dự án xây dựng chợ mới bị chậm tiến độ, làm gián đoạn dòng chảy hàng hóa và ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng tiêu thụ sản phẩm của bà con.
Do hạ tầng chợ còn khiêm tốn nên nông sản vùng sâu vùng xa dù có chất lượng cũng khó đến được tay người tiêu dùng. Hệ quả là sản phẩm nông nghiệp của đồng bào vẫn chủ yếu bán lẻ nhỏ lẻ, chưa xây dựng được thương hiệu, chưa tạo giá trị gia tăng cao.
![]() |
Hạt tiêu là loại hàng hoá mang lại giá trị cao cho bà con dân tộc thiểu số Đắk Nông (Ảnh minh hoạ) |
Nỗ lực cho giai đoạn tới
Trước thực trạng đó, ngành Công Thương Đắk Nông đã kiến nghị tiếp tục được nghiên cứu, đề xuất đầu tư, cải tạo hệ thống chợ ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong giai đoạn 2026 -2030. Đây là một trong những giải pháp then chốt giúp kết nối cung cầu, tạo nền tảng hạ tầng cho phát triển thương mại địa phương.
![]() |
Đắk Nông chú trọng xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ hàng hoá |
Bên cạnh đầu tư hạ tầng, một nhiệm vụ quan trọng khác là hỗ trợ xúc tiến thương mại, kết nối tiêu thụ hàng hóa cho đồng bào. Khi không có nguồn lực riêng, ngành sẽ phải tiếp tục tận dụng các chương trình khác như OCOP, phát triển thương mại miền núi, hoặc kết nối qua các hội chợ, triển lãm, sàn thương mại điện tử. Thêm nữa, chú trọng xây dựng các chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm.
Đơn cử, tại phường Nghĩa Đức (huyện Gia Nghĩa), đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống ở đây rất nhiều với 19 dân tộc như Mạ, M'Nông, Thái, Nùng, Tày, Mường, H'Mông, Khơ me, Dao… Trước đây, sản xuất nông nghiệp của người dân chỉ gói gọn trong địa phương, việc nâng cao kỹ năng sản xuất, mở rộng đầu ra dường như không có.
Nhưng nay, với sự hoạt động của HTX Sản xuất, thu mua nông sản Hoa Sen khi đầu tư sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao kết hợp chuyển đổi số bằng truy xuất nguồn gốc, bán hàng trên sàn thương mại điện tử, người dân đã nhận thấy, thương mại điện tử là kênh bán hàng mang lại nhiều lợi ích, giúp nâng cao giá trị nông sản. Riêng sản phẩm nông nghiệp được nhiều người biết đến và mua nhiều hơn so với cách tiêu thụ truyền thống.
Hoặc, Nông nghiệp Công Bằng Thuận An (Đắk Mil) này đã hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số, như người Dao và M’nông, chuyển đổi sang canh tác cà phê theo tiêu chuẩn bền vững như VietGAP và Fairtrade. Nhờ đó, nhiều hộ đã tăng thu nhập đáng kể.
Dù bị hạn chế về kinh phí, song ngành Công Thương Đắk Nông khi vẫn duy trì được các hoạt động hỗ trợ thông qua lồng ghép chương trình. Đó là tiền đề để ngành kiến nghị cấp trên tiếp tục quan tâm, phân bổ nguồn lực rõ ràng và bền vững hơn cho giai đoạn tiếp theo.
Việc mở rộng mạng lưới chợ, đầu tư vào hạ tầng thương mại chỉ là bước đầu. Vấn đề quan trọng hơn là hình thành các chuỗi giá trị sản phẩm – từ khâu sản xuất, chế biến đến tiếp thị và phân phối. Điều này đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của nhiều ngành, nhiều cấp, trong đó ngành Công Thương đóng vai trò cầu nối thị trường.
Trong bối cảnh ngân sách còn eo hẹp, ngành Công Thương Đắk Nông cần những cơ chế linh hoạt hơn để huy động nguồn lực xã hội hóa, kêu gọi doanh nghiệp cùng tham gia đầu tư, xây dựng các mô hình liên kết tiêu thụ bền vững với bà con nông dân. |