Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ tư 14/05/2025 23:30
Tin nóng:
Giữa mây trắng giăng mờ trên những cung đèo uốn lượn về xã Tân Bắc, huyện Quang Bình, tỉnh Hà Giang, tiếng lách cách của khung cửi dệt thổ cẩm vẫn đều đều vang lên bên những mái nhà sàn truyền thống của người Pà Thẻn. Nhưng thứ âm thanh đậm chất miền cao ấy giờ đây đã được hòa quyện với nhịp sống công nghệ mới: tiếng chuông điện thoại báo đơn hàng, những dòng bình luận hiện lên không ngớt trên màn hình livestream, ánh sáng xanh của camera chiếu rọi sản phẩm thổ cẩm thủ công...
Quang Bình, nơi 92% dân số là người dân tộc thiểu số đang trải qua một cuộc “cách mạng thầm lặng”. Không có tiếng máy móc ầm ào, cũng chẳng có nhà xưởng công nghiệp quy mô, nhưng mỗi người dân nơi đây đang là một “hạt nhân số” âm thầm chuyển động để đưa bản làng vượt thoát khỏi đói nghèo, tiếp cận thị trường bằng công nghệ nhưng vẫn giữ được cái hồn văn hóa của người miền núi.
![]() |
Người dân Quang Bình livestream bán hàng thổ cẩm. Ảnh: An Chi |
Khi công nghệ về bên khung cửi
Giữa không gian mộc mạc của bản làng Tân Bắc, hình ảnh chị Tải Thị Mai, Giám đốc Hợp tác xã Dệt thổ cẩm truyền thống Pà Thẻn ngồi bên khung cửi, vừa dệt vải vừa trò chuyện qua điện thoại với khách hàng từ Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh hay thậm chí là nước ngoài, đã trở thành biểu tượng mới của sự đổi thay.
Chị Mai không chỉ là người “giữ lửa” cho nghề dệt thổ cẩm Pà Thẻn, mà còn được ví như “người mở đường” cho hành trình chuyển đổi số của người dân vùng cao. Từ những tháng ngày gian khó khi sản phẩm làm ra không tiêu thụ được, chị đã tự mình học cách quay video, viết bài giới thiệu, thiết kế mã QR để truy xuất nguồn gốc, mở fanpage và tập livestream bán hàng. “Ngày xưa chỉ bán ở chợ phiên. Giờ khách ở tận nước ngoài cũng đặt mua chỉ qua một cú click. Doanh thu nhờ thế tăng gấp đôi”, chị Mai phấn khởi nói.
Hợp tác xã của chị hiện có gần 30 thành viên, chủ yếu là phụ nữ dân tộc thiểu số. Nhờ kết hợp truyền thống và công nghệ, thu nhập trung bình của các thành viên đạt từ 5 - 7 triệu đồng/tháng, một con số từng là mơ ước ở vùng cao.
Không chỉ bán được hàng, việc gắn mã QR, sử dụng tem chống giả và minh bạch hóa quy trình sản xuất cũng giúp sản phẩm thổ cẩm Pà Thẻn chạm đến được niềm tin của người tiêu dùng, điều không dễ trong bối cảnh thị trường ngập tràn hàng hóa công nghiệp.
Nếu như Tân Bắc là nơi tiên phong, thì Tân Trịnh, một xã vùng cao khác của huyện Quang Bình cũng đang từng bước hiện thực hóa giấc mơ số. Hợp tác xã thổ cẩm My Bắc tại đây đã có bước chuyển mình mạnh mẽ khi được chứng nhận sản phẩm OCOP 3 sao và chủ động thiết kế website, xây dựng thương hiệu riêng, sử dụng mạng xã hội để quảng bá, kết nối đơn hàng trong và ngoài nước.
Điều đặc biệt, sản phẩm của hợp tác xã được làm hoàn toàn thủ công, từ sợi lanh, bông, đến thuốc nhuộm từ rễ cây,… tất cả đều là nguyên liệu tự nhiên. Chính sự nguyên bản và độc đáo này đã thu hút sự quan tâm từ nhiều khách hàng quốc tế. “Nhiều đơn hàng từ châu Âu, Nhật Bản đã đến thông qua kênh trực tuyến. Điều này trước kia là điều không tưởng với một hợp tác xã nhỏ vùng cao”, chị Lý Thị Chi, thành viên hợp tác xã, chia sẻ.
Từ đó, mỗi sản phẩm không chỉ là hàng hóa, mà còn là “sứ giả văn hóa” của đồng bào dân tộc, được kể lại bằng công nghệ mới và tiếp cận với thế giới theo cách chưa từng có.
![]() |
Người dân Quang Bình trồng chè Shan tuyết. Ảnh: An Chi |
Sản phẩm vùng cao có chỗ đứng trên bản đồ hàng hóa Việt
Không dừng lại ở ngành nghề truyền thống, làn sóng chuyển đổi số cũng len lỏi vào từng nếp nhà, từng vườn chè, chuồng nuôi lợn hay rẫy mật ong của người dân Quang Bình. Những người trước đây còn xa lạ với công nghệ, nay đã học cách sử dụng điện thoại thông minh, biết mở tài khoản ngân hàng số, biết livestream bán hàng và nhận chuyển khoản online.
Bà Hoàng Thị Duyên, một hộ dân trồng chè Shan tuyết ở xã Xuân Giang, chia sẻ câu chuyện giản dị nhưng đầy sức gợi: “Trước kia muốn bán chè phải mang xuống chợ huyện, đi lại vất vả. Từ ngày có người hướng dẫn đưa sản phẩm lên mạng, đơn hàng tăng rõ rệt. Con trai tôi còn quay video làm vườn chè đăng lên TikTok, nhiều người thích lắm”.
Đó không chỉ là một chuyển biến về kỹ thuật số, mà còn là thay đổi về tư duy, cách tiếp cận thị trường, thứ mà trước đây vốn là khoảng cách mơ hồ với đồng bào dân tộc miền núi.
Hiện tại, huyện Quang Bình đã có tới 26 sản phẩm OCOP được đưa lên các sàn thương mại điện tử như: nongsan.buudien.vn, Sendo… Trong đó, các đặc sản như mật ong bạc hà, chè Shan tuyết, lợn đen bản địa… không chỉ có mặt mà còn được người tiêu dùng cả nước đón nhận. Một bước tiến tưởng như nhỏ nhưng là “đòn bẩy” quan trọng để các sản phẩm nông nghiệp của vùng cao có chỗ đứng trên bản đồ hàng hóa Việt.
Không thể phủ nhận rằng hành trình chuyển đổi số ở Quang Bình cũng như bao vùng cao khác vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức: Từ hạ tầng viễn thông, thiết bị kỹ thuật, đến trình độ tiếp cận công nghệ của người dân. Nhưng sự hiện diện của công nghệ trong từng ngôi nhà, từng sản phẩm, từng phiên livestream đã minh chứng rõ: khi có sự dẫn dắt đúng hướng, người dân vùng cao hoàn toàn có thể “hóa rồng” trên nền tảng số.
Trong 3 năm gần đây, huyện Quang Bình đã triển khai hàng chục mô hình hỗ trợ hợp tác xã, tổ hợp tác chăn nuôi, đặc biệt là ở các thôn như: Đồng Tiến, Nặm Khẳm, Thượng Sơn… Mỗi mô hình được hỗ trợ 500 triệu đồng để phát triển giống, cải tạo chuồng trại, mua sắm thiết bị quản lý. Đây không chỉ là sự hỗ trợ vật chất, mà còn là cú hích tạo đà cho người dân mạnh dạn tiếp cận cái mới.
Trong thời gian tới, chính quyền địa phương cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng để tổ chức thêm các lớp đào tạo kỹ năng số, kỹ năng quản trị bán hàng online cho cán bộ hợp tác xã, thanh niên và phụ nữ dân tộc. Đồng thời, mở rộng mô hình số hóa sản phẩm nông sản, kết nối hợp tác xã với sàn thương mại điện tử, xây dựng thương hiệu nông sản gắn với bản sắc văn hóa địa phương.
![]() |
Hàng loạt sản phẩm thế mạnh của huyện Quang Bình đang trên tiến trình số hóa, giúp người dân thoát nghèo, làm giàu. Ảnh: Mộc Lan |
Chưa bao giờ, hình ảnh người phụ nữ Pà Thẻn vừa dệt vải vừa trò chuyện qua livestream lại thể hiện rõ đến thế tinh thần đổi mới của miền núi phía Bắc. Một tay giữ khung cửi truyền thống, một tay cầm smartphone, đó không chỉ là biểu tượng của sự giao thoa giữa cũ và mới, mà còn là niềm tin rằng người miền núi hoàn toàn có thể bước vào kỷ nguyên 4.0 bằng chính bản sắc của mình.
Từ những nếp nhà sàn lặng lẽ, những cánh rừng bạt ngàn, những lối đi đất đỏ, Quang Bình đang cất lên tiếng nói mới, tiếng nói của hội nhập, của phát triển nhưng không đánh mất gốc rễ văn hóa. Chuyển đổi số ở đây không phải là cuộc cách mạng “kỹ thuật lạnh lùng”, mà là hành trình ấm áp, đầy nhân văn, nơi con người là trung tâm, là chủ thể và là người hưởng lợi cuối cùng.
Và biết đâu, chính những phiên livestream mộc mạc từ mái nhà sàn vùng cao ấy, sẽ mở ra một tương lai nơi người dân miền núi không chỉ “thoát nghèo”, mà còn thực sự “giàu có” bằng chính những gì rất đỗi thân thương: nghề truyền thống, sản vật bản địa, và tinh thần học hỏi không ngừng.
Huyện Quang Bình đã và đang thực hiện các chương trình, kế hoạch cụ thể nhằm khuyến khích người dân phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa và hỗ trợ xây dựng thương hiệu, quảng bá các sản phẩm nông sản. Một số sản phẩm đã tạo thành vùng sản xuất hàng hóa quy mô, sản lượng lớn, thứ hạng cao như: Cam sành được Hiệp hội Khoa học và Công nghệ lương thực thực phẩm Việt Nam chứng nhận danh hiệu vàng “Món ngon tinh hoa ẩm thực Việt”; chè Shan tuyết có diện tích lên đến 3.200 ha, nhiều sản phẩm trà đạt giải thưởng cao tại các cuộc thi. Toàn huyện có 34 sản phẩm OCOP, gồm có 4 sản phẩm đạt 4 sao, 31 sản phẩm đạt 3 sao. |