Tin nóng:
Đường dây nóng: 0866.59.4498 - Thứ ba 06/05/2025 20:26
Tin nóng:
Kết nối sản phẩm vùng cao tỉnh Quảng Ngãi Lễ hội Khâu Vai 2025: Kết nối sản phẩm vùng cao Chè Shan tuyết - ‘vàng xanh’ trên đỉnh Tây Côn Lĩnh |
Đặt nền móng từ chủ trương lớn
Theo báo cáo mới nhất của Sở Công Thương Hà Giang, ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025, Hà Giang đã chủ động vào cuộc quyết liệt. Hàng loạt nghị quyết, kế hoạch và văn bản hướng dẫn được tỉnh ban hành để triển khai bài bản, đồng bộ. Trong đó, đáng chú ý là Nghị quyết số 25/NQ-TU ngày 27/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ về lãnh đạo thực hiện chương trình, và Nghị quyết số 04/2022/NQ-HĐND về quy định nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước cho chương trình.
![]() |
Hà Giang triển khai nhiều giải pháp xúc tiến tiêu thụ sản phẩm (Ảnh: Moit) |
Việc cụ thể hóa nhiệm vụ tới từng sở, ngành, địa phương giúp nâng cao tính chủ động trong triển khai, đồng thời bảo đảm quản lý chặt chẽ, minh bạch và hiệu quả các nguồn lực được phân bổ.
Một trong những điểm sáng của tỉnh Hà Giang là nỗ lực tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa. Tỉnh đã quy hoạch và hình thành các vùng sản xuất tập trung gắn với đặc sản bản địa, tiêu biểu như: vùng chè Shan tuyết, cam sành Hà Giang, mật ong bạc hà, thịt bò vàng cao nguyên đá, lợn đen địa phương…
Các sản phẩm này không chỉ có chất lượng cao mà còn mang đậm dấu ấn văn hóa bản địa, phù hợp với xu hướng tiêu dùng xanh, sạch, tự nhiên của thị trường trong và ngoài nước. Nhờ đó, nhiều sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP từ 3 sao trở lên, một số đã bước đầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính như Nhật Bản, EU.
![]() |
Chè Shan tuyết là một trong những sản phẩm tiêu biểu của Hà Giang (Ảnh: Sở Công Thương Hà Giang) |
Đơn cử, Hợp tác xã Chế biến chè Phìn Hồ, xã Thông Nguyên, huyện Hoàng Su Phì, đã tiên phong trong việc phát triển sản phẩm chè Shan tuyết cao cấp. Với việc chú trọng vào chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu, hợp tác xã đã từng bước khẳng định vị thế của mình trên thị trường, góp phần nâng cao giá trị sản phẩm địa phương và tạo thu nhập ổn định cho người dân. Đến nay, chè shan tuyết Phìn Hồ là một trong những sản phẩm tiêu biểu nhất của bà con đồng bào dân tộc Hà Giang.
Tăng cường xúc tiến thương mại và kết nối thị trường
Sở Công Thương Hà Giang xác định rõ: tiêu thụ sản phẩm là khâu then chốt trong chuỗi giá trị. Do đó, hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối cung - cầu được tổ chức thường xuyên và sáng tạo. Tỉnh đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức nhiều hội chợ, tuần hàng tại các thành phố lớn; hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã quảng bá sản phẩm trên sàn thương mại điện tử như nongsan.buudien.vn, Sendo…
![]() |
Hà Giang sản xuất được nhiều sản phẩm thế mạnh (Ảnh: Hà Linh) |
Không chỉ vậy, các sản phẩm chủ lực còn được đưa vào hệ thống siêu thị, chuỗi cửa hàng tiện lợi, điểm bán hàng Việt tại nông thôn, miền núi. Điều này giúp người dân nâng cao nhận thức thị trường, từng bước chuyên nghiệp hóa sản xuất và kinh doanh.
Song song với phát triển sản phẩm, Hà Giang chú trọng phát huy vai trò của đồng bào trong chuỗi giá trị. Hàng ngàn lao động dân tộc thiểu số được đào tạo nghề, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất an toàn, bảo quản, chế biến, đóng gói. Các hợp tác xã, tổ hợp tác được khuyến khích thành lập và trở thành hạt nhân liên kết sản xuất - tiêu thụ.
Đáng chú ý, các mô hình như “mỗi xã một sản phẩm” (OCOP) được lồng ghép hiệu quả trong chương trình, tạo ra cú hích thay đổi tư duy sản xuất manh mún sang làm hàng hóa quy mô, chất lượng. Từ đó, đồng bào không chỉ bán sản phẩm, mà còn "bán" được câu chuyện văn hóa, giá trị truyền thống gắn với từng loại hàng hóa.
Đơn cử, HTX Nông sản Xín Mần – Misaki đã liên kết với bà con nông dân trồng và chế biến nguyên liệu như củ cải, củ kiệu và gừng trâu trên địa bàn huyện. Từ đầu năm đến nay, Công ty TNHH Việt Nam Misaki đã xuất khẩu thành công 4 container củ cải muối sang thị trường Nhật Bản. Để đảm bảo quy trình kỹ thuật trong việc trồng, chăm sóc và thu hoạch, công ty đã mời chuyên gia Nhật Bản trực tiếp khảo sát các vùng nguyên liệu và tổ chức tập huấn cho bà con, đảm bảo chất lượng tốt, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu.
Từ thực tiễn triển khai giai đoạn 2021 - 2025, Hà Giang kiến nghị Bộ Công Thương tiếp tục hỗ trợ xây dựng thương hiệu tập thể, đăng ký chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm vùng cao. Đồng thời, cần có cơ chế tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp đầu tư vào khu vực miền núi; tăng cường ứng dụng công nghệ chế biến, bảo quản sau thu hoạch để kéo dài vòng đời sản phẩm.
Mặt khác, tỉnh cũng đề xuất được ưu tiên hỗ trợ xây dựng trung tâm logistics, kho lạnh, điểm trưng bày - giới thiệu sản phẩm vùng cao tại các đô thị lớn, nhằm mở rộng kênh phân phối hiện đại, từ đó nâng cao giá trị gia tăng.
Việc triển khai đồng bộ, có chiều sâu Chương trình Mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 1719 tại Hà Giang là minh chứng cho nỗ lực “không để ai bị bỏ lại phía sau” trong tiến trình phát triển. Khi sản phẩm vùng cao không còn “tự phát” mà đi vào thị trường bằng sự chuyên nghiệp, hiệu quả và gắn kết, cũng là lúc người dân vùng cao thực sự làm chủ cuộc sống bằng chính đôi tay và trí tuệ của mình. |